Kinh tế có triển vọng phục hồi trong quý II
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo Dự báo của Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế-Xã hội Quốc gia thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước trong quý II sẽ trong khoảng 3,5% – 3,8%, cao hơn quý I từ 0,4-0,7 điểm phần trăm (tốc độ tăng trưởng GDP quý I tăng 3,1%) và cả năm 2009 sẽ trong khoảng 4,5% – 5,0%.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, mặc dù các chỉ tiêu kinh tế Việt Nam trong quý I đạt ở mức thấp nhưng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp khó khăn, tăng trưởng kinh tế chung và kinh tế ngành như vậy là đạt ở mức khá so với các nước trong khu vực và đang có dấu hiệu tốt hơn trong tháng 4 và quý II.

Một số sản phẩm công nghiệp trong tháng 3 giảm, nhưng đến tháng 4 đã duy trì sản lượng và tăng trưởng trở lại như than sạch, thủy sản chế biến, hàng dệt may, vật liệu xây dựng.

Trong lĩnh vực điện, từ nay đến cuối năm sẽ có rất nhiều công trình với công suất khoảng 3.000 MW được đưa vào hoạt động; trong đó, nhà máy lọc dầu Dung Quất chính thức đưa vào sản xuất từ quý II/2009 có thể đem về doanh thu 30.000 tỷ đồng.

Nếu tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp tháng 3/2009 giảm 5 điểm phần trăm so với tháng 2/2009 thì đến tháng tư chỉ còn giảm 0,28 điểm phần trăm so với tháng 3.

Đây là một trong các dấu hiệu cho thấy sản xuất công nghiệp trong quý II có khả năng chặn được đà suy giảm và có thể phục hồi trong các quý tiếp theo của năm 2009.

Tình hình xuất khẩu trong tháng 2 và 3 cũng được đánh giá là tốt hơn khá nhiều so với tháng 1. Mặc dù xuất khẩu tăng kém so với mức kế hoạch năm 13%, nhưng nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đều cho rằng Việt Nam có thể được xem là điểm sáng về xuất khẩu của khu vực nếu so sánh với nhiều nền kinh tế có tiềm lực lớn về xuất khẩu như Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan…; nhất là khi vào tháng 4, xuất khẩu tiếp tục có những dấu hiệu khả quan hơn mà không phải do tái xuất khẩu vàng như các tháng trước.

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Công Thương đã thống nhất kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục cho đẩy mạnh xuất khẩu gạo từ nay đến hết tháng 6 do thị trường lúa gạo thế giới đang diễn biến có lợi cho xuất khẩu và cũng vì nước ta đã chủ động được nguồn cung trong nước.

Về xuất khẩu dệt may, trong bối cảnh khó khăn do khủng hoảng kinh tế toàn cầu như hiện nay, bên cạnh việc chú trọng khai thác thị trường nội địa, việc tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu ra bên ngoài là một trong các giải pháp quan trọng được nhiều doanh nghiệp dệt may thực hiện.

Việc Nhật Bản thực hiện chính sách tăng cường nhập khẩu từ các quốc gia châu Á ngoài Trung Quốc, là cơ hội cho Việt Nam xuất khẩu hàng dệt may sang Nhật…. Với kết quả xúc tiến thương mại, phát triển thị trường mới, khả năng xuất khẩu trong tháng 5 và quý II được nhìn nhận là khả quan.

Những lo ngại về “chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm liên tiếp khiến nền kinh tế Việt Nam có thể rơi vào tình trạng thiểu phát, kéo theo tình hình kinh tế vĩ mô xấu đi, tăng trưởng giảm, thất nghiệp gia tăng…” cũng không còn gia tăng khi bước sang tháng 4.

Nền kinh tế đã có thêm những nhân tố mới tác động đến giá cả các mặt hàng. Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, CPI tháng 4/2009 tăng khoảng 0,35% so với tháng 3. Mức tăng này đã chặn được đà giảm phát từ tháng trước đó.

Những tín hiệu này sẽ góp phần kích thích sản xuất, lưu thông và tiêu thụ hàng hoá trong nước, đặc biệt là khi gói kích cầu thứ 2 hướng hỗ trợ lãi suất vào trung và dài hạn và gói kích cầu thứ ba (hỗ trợ lãi suất vốn vay mua máy móc, thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật liệu xây dựng nhà ở khu vực nông thôn) được thực hiện và phát huy tác dụng.

Chỉ tiêu

Quý II

Cả năm

Tốc độ tăng sản xuất công nghiệp

3,8%-4,1%

4,6%-5,1%

Tốc độ tăng của sản xuất nông nghiệp

2,1%-2,5%

3,4-3,7%

Tốc độ tăng của dịch vụ

4,0% – 4,2%

4,9% – 5,5%

Dự báo của Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế-Xã hội Quốc gia

Mặc dù có dự báo tương đối lạc quan với kỳ vọng tình hình có chiều hướng sáng sủa như vậy nhưng Trung tâm này vẫn cảnh báo, cần có dự phòng những khả năng và tình huống xấu hơn để có sự chủ động thích ứng cần thiết.

Trong tháng 5 và quý II, cần có những chính sách mạnh mẽ hơn để chủ động đối phó với ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, chặn đà suy giảm kinh tế.

Theo TTXVN