Kinh tế Đồng bằng sông cửu long: Đừng để mất thế mạnh sân nhà
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Nỗi lo vùng vựa lúa

Được xem là phát triển năng động nhất của cả nước, ĐBSCL những năm gần đây đã có sự thay đổi lớn. Tuy nhiên, vựa lúa của cả nước vẫn còn tiềm ẩn nhiều nỗi lo.

Lung lay ngay thế mạnh

ĐBSCL không những là vựa lúa của cả nước, là nơi có diện tích thủy sản, cây ăn trái lớn nhất nước mà còn được xác định là vùng nông sản lớn trong mạng lưới sản xuất toàn cầu, là vùng có tiềm năng, thế mạnh phát triển công nghiệp nặng, công nghiệp thực phẩm, phát triển du lịch và là vùng sản xuất lương thực trọng điểm của quốc gia.

Theo Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ (BCĐTNB), tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân toàn vùng giai đoạn 2001-2010 đạt khoảng 11,5%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu toàn vùng năm 2012 đạt 14,27 tỉ USD (chiếm khoảng 9% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước). Trong đó, xuất khẩu đạt 10,07 tỉ USD, nhập khẩu – 4,2 tỉ USD, xuất siêu – 5,87 tỉ USD; Thu nhập bình quân đầu người đạt 32,33 triệu đồng người/năm (tương đương 1.525USD), gần bằng bình quân chung của cả nước, cao hơn vùng Tây Bắc, Tây Nguyên.

Tuy nhiên, vùng đất này đang đối mặt với những khó khăn ngay chính ở vựa lúa, vựa cá. GS Võ Tòng Xuân cho rằng, ĐBSCL nơi làm ra sản phẩm lúa nhiều nhất, nhưng nông dân vùng ĐBSCL không giàu. Theo GS Xuân, do người nông dân còn sản xuất manh mún; giá trị xuất khẩu của hạt gạo VN chưa cao khiến cho người trồng lúa chưa có lợi nhuận tương xứng với công sức họ bỏ ra.

Trong khi đó, mặt hàng thủy sản của ĐBSCL – cá tra, cá ba sa – chưa hết lận đận, mặt hàng xuất khẩu tôm lại đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá. Ông Nguyễn Văn Thuận – Chủ tịch Hiệp hội Nuôi tôm tỉnh Cà Mau – đưa ra thực tế: “Quy hoạch nhà máy với vùng nuôi chưa tương xứng dẫn đến lúc người nuôi không còn tôm thì nhà máy cần và ngược lại khi nhà máy đã thừa tôm thì người nuôi thừa mứa dẫn đến giá tôm nuôi luôn bấp bênh”.

Đối với mặt hàng cây ăn quả, sự độc tôn của ĐBSCL dần dần cũng mất đi do vẫn loay quay với bài toán thị trường đầu ra, khiến cho có lúc nhà vườn hết trồng rồi chặt.

Hạ tầng và bài toán chuỗi giá trị

Trước thềm MDEC Sóc Trăng (được khai mạc vào ngày hôm nay – 5.11), một số ý kiến của các nhà kinh tế, lãnh đạo các tỉnh và người trực tiếp sản xuất cho rằng, để ĐBSCL phát triển tương xứng với tiềm năng, cần phát triển hạ tầng và tính toán cho được bài toán chuỗi giá trị trong sản xuất.

TS Võ Hùng Dũng – GĐ VCCI Cần Thơ – nhìn nhận, nhiều năm qua hạ tầng vùng ĐBSCL đã được Chính phủ quan tâm đầu tư rất lớn: Hệ thống đường giao thông, cảng hàng không, bến cảng… đã được đầu tư.

Tuy nhiên, vùng đất này vẫn còn cần đầu tư nhiều hơn nữa về hạ tầng và cả về hệ thống giáo dục. Bên cạnh đó, các địa phương cần phát triển hệ thống giao thông, thủy lợi phục vụ cho sản xuất và dân sinh.

Nhu cầu đầu tư hạ tầng tại ĐBSCL rất lớn. Chỉ tính riêng Cà Mau, nhu cầu đầu tư cho thủy lợi phục vụ NTTS và hệ thống đê biển, đê sông, theo ông Tô Quốc Nam – Phó GĐ Sở NNPTNT Cà Mau – lên đến con số trên 15.000 tỉ đồng. Theo ông Nam, thiếu hạ tầng, thủy sản tại Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng rất khó phát triển bởi nhu cầu của thị trường hiện nay, vì ngoài việc chế biến xuất khẩu, người ta còn cần đến các mặt hàng tươi sống. Điều này Cà Mau rất khó đáp ứng.

Liên quan đến bài toán phát triển nông nghiệp nói chung của ĐBSCL, ông Võ Hồng Ngoãn – người được mệnh danh là “vua tôm” ĐBSCL – cho rằng: Nhà nước nên quan tâm đến người nuôi, phải hướng đến nền sản xuất sạch, không thể để cho thức ăn, thuốc thú y thủy sản mặc tình làm mưa làm gió trên thị trường. Cần nâng cao giá trị của mặt hàng nông sản thực phẩm do người nông dân làm ra.

Nguồn:  Báo Điện tử Lao động