Kinh tế và thị trường có dấu hiệu ổn định hơn
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

CPI quý I/2009 tăng thấp: Lo hay mừng?

Theo Tổ điều hành Thị trường trong nước, 3 tháng đầu năm 2009, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng 1,32%, đây là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ những năm trước (quý I/2008 tăng 9,19%; quý I/2007 tăng 3,02% và quý I/2006 tăng 2,8%).

Trên thị trường thế giới, khác với quý I/2008, khi tình trạng đầu cơ và yếu tố tâm lý là nhân tố chính tác động tới xu hướng tăng giá nhiều loại vật tư- hàng hóa, những tháng đầu năm 2009, nhiều mặt hàng đã có xu hướng giảm giá. Giá dầu thô ngọt nhẹ giao kỳ hạn ở mức 53,98 USD/thùng (ngày 24/3/2009, thị trường Niu York); giá phôi thép ở mức 360- 375 USD/tấn CFR (ngày 23/3 tại thị trường Đông Nam Á); giá đường ở mức 406 USD/tấn (ngày 23/3 tại thị trường London); gạo 5% tấm của Việt Nam ở mức 450- 470 USD/tấn FOB; giá phân urê ở mức 255- 260 USD/tấn FOB (19/3 tại thị trường Yuzhyy)… Như vậy, so với cùng kỳ năm 2008, giá nhiều loại nguyên nhiên vật liệu hiện đã giảm mạnh: dầu thô ngọt nhẹ giảm 57%, xăng RON92 giảm 54%, dầu hỏa: -61%, diezen 0,25S: – 62%, mazut: -53%; phân bón: -30 đến 35%, phôi thép:- 59%, gạo tấm 5% của Việt Nam: -23 đến 26%… Đó là nguyên nhân chủ yếu tác động đến thị trường trong nước khiến giá cả một số mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, xi măng, sắt thép… tiếp tục giảm nhẹ và ổn định.

Ông Nguyễn Đức Thắng- Phó Vụ trưởng Vụ thương mại- dịch vụ- giá cả Tổng cục Thống kê- đánh giá: CPI 3 tháng đầu năm 2009 tăng trung bình 0,44%- mức thấp nhất trong nhiều năm. Đây là tín hiệu tốt vì vừa qua để hỗ trợ tăng trưởng, ngăn chặn suy giảm kinh tế, Chính phủ đã có chính sách theo hướng nới lỏng tiền tệ, hỗ trợ cho vay tín dụng, theo đó Ngân hàng Nhà nước đã liên tục hạ lãi suất cơ bản (hiện còn 7%/năm), nhiều chuyên gia kinh tế lo lắng khi kinh tế hồi phục sẽ kèm theo lạm phát cao nhưng tăng trưởng kinh tế quý I đạt mức 3,1% trong khi lạm phát ở mức rất thấp, đó là minh chứng thành công trong chính sách điều hành kinh tế của Chính phủ

Ông Nguyễn Danh Trọng- Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước- phân tích: Mặc dù hết quý I/2009, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô trong quý I/2009 mới chỉ đạt được một nửa mục tiêu, nhưng trong tình hình kinh tế suy giảm như hiện nay đây là kết quả khả quan, thể hiện sự quyết liệt trong các biện pháp của Chính phủ. Trong bối cảnh hiện nay, hầu hết các nước đều phải áp dụng chính sách nới lỏng tài chính, tiền tệ, điều đó cũng có nghĩa là phải chấp nhận lạm phát có thể quay trở lại. Vì thế các chính sách về tài chính- tiền tệ trong thời gian này phải rất linh hoạt và hết sức thận trọng.

Ông Trọng dự báo, mặc dù kinh tế trong năm 2009 sẽ còn rất khó khăn, nhưng bắt đầu từ quý 2 kinh tế sẽ phát triển tích cực hơn.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, mặc dù năm nay, có tổ chức dự đoán kinh tế Việt nam chỉ tăng ở mức rất thấp: 0,3% nhưng quý I Việt Nam đã tăng trưởng 3,1%, đạt mức tăng trưởng khá so với nhiều nước; tiêu thụ hàng hóa, nhất là hàng vật tư sản xuất (xi măng, sắt thép) đã cao hơn so với các tháng quý 4/2008; các bộ, ngành, địa phương đang tích cực triển khai các gói giải pháp kích cầu đầu tư, tiêu dùng… Bên cạnh đó, nhiều chỉ tiêu vĩ mô vẫn giữ được. Thị trường tài chính- tiền tệ được kiểm soát nên khá ổn định. Kết quả đó đã tác động tích cực đến các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô và ngăn chặn đà suy giảm kinh tế.

Tháng 4, nhiều áp lực tăng CPI

Tuy nhiên, các thành viên Tổ điều hành Thị trường cũng phải thừa nhận, trong quý I/2009, kinh tế Việt Nam có sự suy giảm rất lớn, thể hiện rõ nhất là sản xuất giảm sút, thị trường tiêu thụ gặp khó; tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ quý I tăng thấp…

Dự đoán, trong tháng 4 có những yếu tố gây áp lực tăng giá như tiếp tục thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ, gói kích cầu hỗ trợ lãi suất phải thực hiện còn khoảng mấy trăm tỷ vẫn phải tiếp tục; việc nâng biên độ tỷ giá ngoại tệ từ 3% lên 5% để kích thích xuất khẩu cũng sẽ tác động đến thị trường tiền tệ. Bên cạnh đó, chính sách thuế sẽ xử lý linh hoạt hơn theo hướng nâng thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng với mức phù hợp với WTO để bảo hộ sả xuất trong nước. Để hỗ trợ doanh nghiệp, Nhà nước sẽ phải tiếp tục công việc giảm, dãn, hoãn thuế cho một số đối tượng; rồi tiền đầu tư tiếp tục đổ vào các công trình trọng điểm đã bắt đầu được giải ngân. Thời gian tới, vẫn tiếp tục lộ trình giá thị trường một số mặt hàng thiết yếu như giá nước sạch, cước vận chuyển hành khách, giá than cho điện… Đó là những yếu tố có thể làm tăng giá giá tiêu dùng.

Nhưng bên cạnh đó, vẫn có nhiều yếu tố làm giảm giá tiêu dùng, như tác động của giá thế giới đang ở mức thấp, nhu cầu xuất khẩu, sức mua giảm sút; nhiều DN, hệ thống siêu thị có các chương trình khuyến mại…

Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa- Cục trưởng Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính): Hết quý I, GDP cả nước đạt 3,1%, CPI tăng 1,32%, trong khi gói kích cầu “tung ra” 17.000 tỷ đồng, chưa kể các khoản thu ngân sách khó có khả năng đạt mục tiêu đề ra… Vì thế, trong năm 2009, một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô như tăng trưởng kinh tế (GDP) 6,5%, CPI tăng dưới 15%, bội chi ngân sách dưới 5% khó có thể đạt được.

Tổ điều hành cho rằng, Chính phủ cần giao cho các bộ, ngành, địa phương đánh giá lại tác động của “gói” kích cầu, điều chỉnh những bất cập trong thời gian qua để tiếp tục triển khai tốt hơn. Cần có biện pháp khẩn cấp để hạn chế hàng hóa giá rẻ, giải quyết tồn kho có nguy cơ từ các nước tràn sang. Theo các chuyên gia Tổ điều hành thị trường trong, cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, đặc biệt cần thực hiện nghiêm túc việc thực hiện kê khai, niêm yết giá và xử lý việc thông tin thất thiệt.

Thanh Hương
Nguồn: Báo điện tử Công thương