Kinh tế vĩ mô VN: Các điều kiện kinh doanh đã cải thiện
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Bản báo cáo nhận định: nhìn thoáng qua, Việt Nam trong năm 2012 có vẻ là một đất nước hoàn toàn khác so với năm 2011 khi để ý đến một vài con số thống kê như: cán cân thương mại từ đầu năm đến nay đang thặng dư (trong khi năm 2011 là thâm hụt 9,8 tỷ USD), lạm phát đã giảm xuống còn một con số (năm 2011 lạm phát trung bình là 18,6%) và đồng nội tệ tăng nhẹ so với đồng đô la Mỹ 0,8% (năm 2011: đồng nội tệ giảm giá 7,9%).

Khả năng phục hồi quay trở lại

Đây thực sự là một sự thay đổi lớn, đặc biệt trong bối cảnh năm 2011 tình hình lạm phát cao và đồng nội tệ bị mất giá đã khiến nhiều nhà đầu tư nghi ngờ về khả năng quản lý nền kinh tế của Chính phủ. Một quyết định đầy khó khăn nhưng đáng khen ngợi là đặt sự ổn định kinh tế vĩ mô lên trên tăng trưởng có thể kiềm chế GDP chậm lại còn 5% so với mức 5,9% trong năm 2011. Các chuyên gia của HSBC tin rằng điều này là cần thiết để làm kiểm soát một nền kinh tế quá nóng.

Bước đi quan trọng đầu tiên chính là sự nhận thức của Chính phủ về những vấn đề tồn đọng lâu dài (như hệ thống ngân hàng, các doanh nghiệp Nhà nước và đầu tư công). Chúng tôi vẫn tiếp tục theo dõi bất kỳ sự tiến triển nào của quá trình cải tổ trong khi vẫn tỉnh táo khi xác định cần rất nhiều thời gian để đạt được bất kỳ sự thay đổi đáng kể nào. Trong khi đó, những lời bình luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gần đây đã cho thấy những định hướng của đất nước đang đi đúng hướng: ưu tiên kiềm chế lạm phát để khẳng định Việt Nam là một trung tâm sản xuất thay thế cho Trung Quốc.

Những lợi thế cơ bản của Việt Nam vẫn ở đó: người Việt Nam vẫn là những con người năng động và kiên định, năng lực cạnh tranh về lương nhân công của Việt Nam vẫn còn và có khi còn mạnh hơn so với Trung Quốc, đất nước này đang chịu áp lực tăng lương do dân số và thu nhập tăng cao, thị trường nội địa của Việt Nam cũng đang phát triển nhờ vào thu nhập tăng và dân số đông, các nguồn lực tự nhiên vẫn là một tài sản quan trọng. Chỉ số PMI đã cho thấy sự phục hồi khi những chính sách giảm giá cùng với việc làm dịu áp lực giá cả đã làm lợi nhuận và đơn đặt hàng tăng lên dẫn đến sản lượng tăng cao nhất so với thời điểm khảo sát bắt đầu được thực hiện. Nhưng cũng đừng “ngủ quên trên chiến thắng” khi còn có một sự cách biệt khá lớn giữa một nền kinh tế đang hoạt động mạnh và một nền kinh tế đang cất cánh. Để nhận biết được đầy đủ tiềm lực của Việt Nam, Chính phủ cũng như con người cần phải có những kế hoạch cụ thể với mục tiêu làm thế nào để quốc gia khẳng định vị thế trên bản đồ toàn cầu. Tăng cường hiệu quả đầu tư cũng như thực hiện những bước cải thiện môi trường kinh doanh sẽ là một sự khởi đầu tốt.

Chào mừng PMI tăng điểm trở lại

Chỉ số PMI của HSBC tăng trên 50 điểm  

Cuối cùng cũng đã có dấu hiệu của sự phát triển kinh tế mặc dù chỉ là khiêm tốn. Chúng tôi hy vọng có một sự hồi phục về nhu cầu trong quý IV/2012 đặc biệt sau khi các điều kiện tín dụng đã được nới lỏng cũng như lãi suất đang được kéo thấp, và kết quả chỉ số PMI tháng 11 đã chứng tỏ điều đó. Vẫn còn khá sớm để vui mừng với con số trên 50 điểm một chút vì con số này thể hiện kết quả của chính sách giảm giá của các nhà sản xuất đã thúc đẩy nhu cầu nội địa. Lạm phát được nới lỏng đã giúp các nhà sản xuất có thêm cơ hội giảm giá xuất xưởng. Tóm lại, có hai sự phát triển tích cực đáng khen ngợi: việc làm tăng tháng thứ hai liên tiếp cũng như sự gia tăng đáng kể về sản lượng và đơn đặt hàng mới mặc dù nhu cầu từ nước ngoài vẫn còn tiếp tục giảm.

Biểu đồ 1 cho thấy các hoạt động sản xuất phục hồi theo hình chữ V với chỉ số PMI toàn phần và chỉ số phụ sản lượng ở điểm thấp nhất vào tháng 7 vừa qua. Trong những tháng gần đây, chỉ số PMI dao động ở mức sát 50 điểm chứng tỏ các điều kiện kinh doanh và nhu cầu nội địa đang ổn định. Sự hồi phục đơn đặt hàng mới trong tháng 11 là mức tăng tốc đáng kể nhất từ tháng 4.2011 (thời điểm bắt đầu cuộc khảo sát), kết thúc quá trình sáu tháng sụt giảm. Số lượng hàng mua tăng mạnh phản ánh nhu cầu khả quan hơn trong khi dự trữ hàng mua giảm thêm do doanh thu bán hàng và những biện pháp giải phóng hàng tồn trước đây tốt hơn dự kiến (Biểu đồ 2).

Điều đáng lưu ý nhất về chỉ số PMI kỳ này việc làm tiếp tục tăng và sự sụt giảm trong giá cả đầu vào. Việc làm là một trong những điều kiện kinh doanh quan trọng trong hiện tại cũng như kỳ vọng về nhu cầu trong tương lai của các nhà quản lý. Việc làm tăng hai tháng liên tiếp là dấu hiệu tăng quan trọng nhất trong năm, không chỉ phản ánh những kế hoạch tăng trưởng đang áp dụng mà còn nhu cầu kinh doanh mạnh mẽ hơn của các doanh nghiệp mới. Điều này có nghĩa là các nhà quản lý sản xuất lạc quan hơn về tình hình kinh tế trong tương lai.  

Các nhà sản xuất với chiến lược giảm giá được hỗ trợ bởi giá cả đầu vào tăng chậm do giá dầu thô được kiểm soát. Kết quả là họ có thể giảm giá xuất xưởng một cách đáng kể (xem biểu đồ 4) để thúc đẩy tiêu dùng. Chiến lược này đã gặt hái nhiều thành công. Đơn đặt hàng mới tăng mặc dù đơn đặt hàng xuất khẩu mới có giảm. Các nhà sản xuất tiếp tục cho rằng nhu cầu chậm chạm từ khu vực châu Âu cũng như châu Á đã khiến đơn đặt hàng xuất khẩu yếu đi. Trong tương lại, nếu sự trì trệ của nền kinh tế Nhật Bản tiếp tục đặt áp lực lên ngành xuất khẩu thì một sự phục hồi dự kiến ở Trung Quốc và nhu cầu nội địa mạnh ở khu vực Đông Nam Á sẽ hỗ trợ nhiều cho đơn đặt hàng xuất khẩu mới.

Trong khi chỉ số PMI gia tăng thực sự là một tin tốt lành, điều quan trọng là nên lưu ý rằng năng lực trong lĩnh vực sản xuất vẫn còn chưa được sử dụng hết. Biểu đồ 5 chỉ rõ khuynh hướng sắp tới trong khi tốc độ đang được cải tiến, số lượng công việc tồn đọng chưa được giải quyết vẫn tiếp tục giảm – điều đó cho thấy tình trạng sản xuất tại Việt Nam vẫn còn dưới khả năng. Tồn kho hàng hoá thành phẩm cũng đang giảm. Trong khi lượng đơn đặt hàng mới đang ngày càng tốt hơn dự kiến thì những nhà sản xuất vẫn nên thận trọng và tiếp tục sử dụng hợp lý hoá lượng hàng tồn kho.  

Con số lạm phát toàn phần trong tháng 11 phản ảnh nhu cầu nội địa phục hồi nhẹ do lạm phát tháng 11 tăng 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi tháng 10 ở mức 7% mặt dù giá dầu được kiềm hãm và cung thực phẩm dư thừa. So với tháng trước, lạm phát tháng 11 tăng 0,8% trong khi tháng 10 ở mức 1,3%. Lạm phát giá thực phẩm tiếp tục giảm nhanh xuống còn 1,4% so với cùng kỳ năm ngoái (năm ngoái ở mức 2,1%. Lưu ý rằng lạm phát giá thực phẩm ở mức 34% so với năm trước vào tháng 8/2011). Điều đáng lưu ý là lạm phát cơ bản vẫn còn cao, tháng 11 vẫn tăng 11,9% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi tháng 10 là 11,2%. Xét về tháng, lạm phát cơ bản tháng 11 có điều chỉnh yếu tố mùa vụ đã giảm còn 1,5% so với mức 3,2% trong tháng 10. Con số 1,5% so với tháng trước có điều chỉnh yếu tố mùa vụ rất quan trọng và nên theo dõi cẩn thận. Áp lực lạm phát đang  trên đà tăng ở Việt Nam. Nửa đầu năm 2013, Việt Nam sẽ đối mặt với tình hình lạm phát không mấy thuận lợi, đặc biệt là từ tháng 2 đến tháng 7. Điều này có nghĩa rằng lạm phát toàn phần năm 2013 có thể tăng cao hơn mức dự kiến trung bình 11% nếu như giá dầu tăng, một tác động bất lợi ảnh hưởng đến việc cung thực phẩm cả trong nội địa lẫn toàn cầu hay nhu cầu nội địa phục hồi cao hơn mong đợi. Hiện tại, nhu cầu nội địa vẫn còn trì trệ mặc dù có một sự phục hồi nhẹ từ năm 2012 sẽ tiếp tục giữ lạm phát toàn phần có thể kiểm soát trong năm 2013.

Về mặt thương mại, một sự kiện hiếm hoi đã diễn ra: từ tháng 1 đến nay Việt Nam đạt mức thặng dư thương mại 14 triệu USD. Nhu cầu tăng cộng với sự phụ thuộc vào hàng hoá chi phí cao như máy móc, xăng dầu (hai loại hàng nhập khẩu có chi phí cao hàng đầu) đã khiến cán cân thương mại luôn âm trong nhiều năm gần đây. Nhưng tăng trưởng kinh tế chậm lại làm giảm nhu cầu nội địa cộng với năng lực chế biến thành xăng dầu tăng đã giảm chi phí nhập khẩu mặc dù giá dầu thế giới vẫn tăng trong thời gian gần đây. Chi phí nhập khẩu xăng dầu từ đầu năm đến nay chỉ có khoảng 8,3 tỷ USD trong khi năm ngoái cùng thời điểm là 9,1 tỷ USD. Hàng điện tử thực tế đã thay xăng dầu đứng vị trí mặt hàng nhập khẩu lớn thứ hai, theo sau máy móc và phụ tùng thay thế. Trong khi đó sự đa dạng xuất khẩu sang nhóm hàng điện tử đã giúp Việt Nam xuất khẩu vượt trội (tăng 19,1% đến thời điểm hiện tại) trong khi nhập khẩu chỉ tăng ít,  khoảng 8,1% tính từ đầu năm đến nay. Ngay cả khi nhu cầu nội địa khôi phục trong năm tới, chúng tôi hy vọng cán cân thương mại sẽ cân bằng hơn so với ghi nhận trước đây trong lịch sử. Đầu tư vào năng lực chế biến sẽ tiếp tục làm giảm một trong những chi phí nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam.   Tháng 11 với tất cả những lý do trên là một trong những tháng ngọt ngào nhất của năm. Điều này thực sự cần thiết trong bối cảnh những thách thức mà Việt Nam và đặc biệt là những chủ doanh nghiệp đang phải đối mặt. Trong khi câu hỏi khó là làm sao Việt Nam sẽ tạo ra một bộ máy kinh tế nhẹ nhàng hơn (ví dụ giải quyết vấn đề nợ, tăng hiệu quả của đầu tư công cũng như xây dựng một kế hoạch cụ thể để phát triển trong kỷ nguyên mới) vẫn là một bài toán chưa thể trả lời. Người Việt Nam rất linh hoạt trong các chiến lược kinh doanh để sản sinh ra những nhu cầu mới, và nguồn tài nguyên thiên nhiên quốc gia tiếp tục hỗ trợ quá trình phát triển của đất nước. Do đó, câu hỏi không phải là liệu Việt Nam có thể phát triển được không mà là bằng cách nào và khi nào nền kinh tế sẽ cất cánh.

Nguồn: Báo Điện tử Diễn đàn doanh nghiệp