Kinh tế Việt Nam 2014 đứng trước nhiều kỳ vọng
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Năm 2013, tình hình kinh tế thế giới vẫn còn nhiều bất ổn và biến động phức tạp. Tăng trưởng khu vực đồng tiền chung châu Âu, đặc biệt là các nước đang chịu ảnh hưởng của nợ công vẫn còn mờ nhạt, tác động không nhỏ đến sản xuất trong nước.

Bên cạnh đó, các yếu tố nội tại cũng chưa được giải quyết triệt để như hàng tồn kho ở mức cao, sức mua yếu, nợ xấu ngân hàng đáng lo ngại, nhiều doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, dừng hoạt động hoặc giải thể…

Trong bối cảnh trên, số liệu mới công bố của Tổng cục Thống kê cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2013 ước tính tăng 5,42% so với năm 2012, trong đó mức tăng trưởng của quý sau luôn cao hơn quý trước (quý I tăng 4,76%; quý II tăng 5%; quý III tăng 5,54% và quý IV tăng 6,04%) và được đánh giá cao hơn năm 2012.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2013 tăng khoảng 6,04% – thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. CPI tăng thấp phần lớn do kết quả điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, đặc biệt là chính sách tiền tệ.

Năm 2013, Ngân hàng Nhà nước đã điều tiết khá tốt mức cung tiền do đó kiểm soát được lạm phát, thêm vào đó giá lương thực, thực phẩm cũng chỉ tăng nhẹ…

Tuy nhiên, so với mục tiêu tổng quát đề ra, kinh tế năm 2013 mới hoàn thành một vế là “lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012”, còn yếu tố “tăng trưởng ổn định” vẫn được đánh giá là chưa vững chắc.

PGS-TS Đào Văn Hùng cho rằng mục tiêu tăng trưởng 5,8% có thể thực hiện được

Năm 2014, mục tiêu tăng GDP 5,8%
Các “đại gia” dự báo kinh tế 2014
Kinh tế 2014 – 2015 sẽ được cải thiện

Tăng trưởng cao hơn nhưng đây vẫn là năm thứ ba liên tiếp không hoàn thành mục tiêu. Chất lượng tăng trưởng của Việt Nam cũng thiếu bền vững khi dựa nhiều vào vốn và lao động.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, đóng góp của vốn và lao động trong tăng trưởng GDP luôn ở mức cao như năm 2011 lần lượt là 55,5% và 26,2%; năm 2012 là 59,2% và 30,9%; năm 2013 là 55,8% và 17,1%.

Đóng góp lớn vào tăng trưởng năm qua là khối doanh nghiệp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khi xuất siêu tới 14 tỷ USD, thu hút được 21,6 tỷ USD. Nhân tố chính giúp thu hút được dòng vốn ngoại này chính là nguồn lao động dồi dào và nhân công giá rẻ.

Tuy nhiên, một bất cập được chỉ ra là năng suất lao động của Việt Nam đang ngày càng giảm. Theo cơ quan thống kê, năng suất lao động giai đoạn 2001 – 2010 chỉ tăng 4,3%, thấp hơn so với mức 5,2% thời kỳ 1991-2000.

So với các nước trong khu vực, năng suất lao động Việt Nam cũng thua kém, chẳng hạn thấp hơn Indonesia 10 lần, Malaysia 20 lần, Thái Lan gần 30 lần và Nhật Bản 135 lần. Năng suất lao động tăng thấp hơn mức tăng lương sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của nền kinh tế và tốc độ tăng trưởng.

Lạm phát giữ ở mức thấp song nguy cơ tăng cao trở lại vẫn tiềm ẩn khi mức tăng thấp năm qua chủ yếu do thắt chặt chính sách tài khóa, tổng cầu nền kinh tế yếu. Thời gian tới, giá cả hàng hóa có thể phải chịu các cú sốc từ việc các hàng hóa cơ bản trong nước được điều chỉnh theo giá thị trường, lạm phát từ yếu tố tiền tệ cùng lúc có thể xuất hiện sau độ trễ nới lỏng bội chi ngân sách, tăng nợ công.

Bên cạnh đó, một điểm nghẽn quan trọng chưa được giải quyết triệt để những năm qua chính là nợ xấu. Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) được thành lập đang tiến hành mua nợ của các nhà băng nhưng còn vướng mắc về cơ chế xử lý. Với thực trạng kinh tế Việt Nam hiện nay, giải quyết nợ xấu cũng phải mất thời gian chứ không thể xử lý trong ngắn hạn.

Kinh tế tăng trưởng thấp, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều chinh sách, giải pháp nhằm khơi thông tín dụng nhưng các doanh nghiệp chưa thoát khó khăn. Ước tính năm 2013, cả nước có khoảng 60.737 doanh nghiệp phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động, tăng 12% so với năm trước.

Số doanh nghiệp đăng ký thành lập tăng 10% nhưng quy mô vốn bình quân lại giảm đi, từ mức 6,68 tỷ đồng một doanh nghiệp năm 2012 xuống còn 5,18 tỷ đồng.

Đặc biệt, 2013 là một năm đầy khó khăn cho ngành tài chính khi viễn cảnh hụt thu liên tục được đưa ra tại các hội nghị. Dù đến phút chót, Bộ Tài chính cho biết thu ngân sách đã hoàn thành sít sao kế hoạch, song con số “bù” để đạt dự toán cũng không phải là khoản thực thu mà chỉ là những khoản điều tiết.

Do vậy, không thể phủ nhận việc kinh tế trì trệ, số lượng doanh nghiệp thua lỗ gia tăng, nợ đọng lẫn nhau, nợ thuế nhà nước lớn đang tạo ra một vòng luẩn quẩn, khiến cân đối ngân sách mong manh.

Khép lại bức tranh kinh tế 2013 với cả gam màu sáng và tối, sang năm 2014, dự báo kinh tế thế giới thuận lợi hơn và môi trường vĩ mô trong nước dần đi vào ổn định, kinh tế Việt Nam kỳ vọng có nhiều cải thiện đáng kể.

Hai kịch bản tăng trưởng cho năm 2014 là 5,71% với xác suất xảy ra tương đối cao và trong điều kiện tốt nhất có thể đạt 6,18%. Do vậy, đạt mục tiêu tăng trưởng 5,8% do Quốc hội đặt ra là hoàn toàn có khả năng nếu Việt Nam tận dụng những thuận lợi trong mở rộng thương mại và thu hút các nguồn vốn bên ngoài.

Tuy nhiên, trọng tâm của năm 2014 vẫn sẽ là bội chi ngân sách và nợ công. Tình trạng thâm hụt ngân sách cao xảy ra trong thời kỳ kinh tế khó khăn khiến Chính phủ buộc phải tìm cách bù đắp thông qua vay nợ, phát hành thêm trái phiếu bổ sung.

Kế hoạch đã được Quốc hội thông qua khi cho phép nâng trần bội chi từ 4,8% lên 5,3% cho năm 2013-2014 và chấp thuận phát hành bổ sung 170.000 tỷ đồng trái phiếu giai đoạn 2014-2016 để có thêm nguồn tiền cho đầu tư phát triển.

Vay nợ của Chính phủ gia tăng cũng khiến tỷ lệ nợ công tăng nhanh. Tính đến 31/12/2012, tỷ lệ nợ công so với GDP đã là 57,3%. Mặc dù nợ công hiện tại chưa vượt qua ngưỡng 65% GDP mà Quốc hội đã thông qua, song hệ số an toàn nợ của Việt Nam đang giảm do phần trả lãi và chi phí ngày càng lớn, trong khi quy mô dự trữ ngoại hối so với tổng nợ thấp.

Dịch vụ nợ có nguy cơ tăng do Việt Nam ngày càng phải vay với lãi suất kém ưu đãi hơn khi bị xếp ra ngoài nhóm các nước thu nhập thấp. Ngoài ra, những khoản nợ xấu của khu vực doanh nghiệp Nhà nước đang trở thành mối lo lớn đến tính bền vững của nợ công Việt Nam.

Do vậy, trong bối cảnh này cần đẩy mạnh tái cơ cấu thu-chi ngân sách nhà nước, đặc biệt là giám sát chặt chẽ hơn các khoản mục trong chi tiêu công, lấy hiệu quả là mục tiêu chủ yếu, xác định chi phải trên cơ sở nguồn thu, tăng cường kỷ luật tài chính, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng.

Đồng thời, Chính phủ cần đánh giá lại đầy đủ và chính xác tổng số dư nợ công, dư nợ chính phủ và dư nợ quốc gia, bảo đảm an toàn trong giới hạn cho phép và phản ánh đầy đủ, toàn diện các nguồn lực vào cân đối ngân sách nhà nước, kiên định mục tiêu giảm dần bội chi, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia.

Việc áp dụng Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước về phân loại nợ vào ngày 1/6/2013 sẽ làm tăng chất lượng hoạt động cũng như minh bạch hóa hoạt động của các tổ chức tín dụng, tiến dần tới chuẩn mực quốc tế. Song, không thể tránh khỏi một số ngân hàng sẽ gặp nhiều khó khăn khi triển khai thực hiện thông tư này.

Tái cơ cấu kinh tế cũng luôn được thực hiện trong các năm qua và đối với bất kỳ nền kinh tế nào trên thế giới. Tuy nhiên, trong giai đoạn suy thoái, các vấn đề tái cơ cấu càng được nhắc đến nhiều hơn với mong muốn là nhanh chóng thoát ra khỏi khủng hoảng.

Chính phủ đã đặt ra ba trọng tâm và ba đột phá chiến lược phù hợp trong điều kiện kinh tế hiện nay và nhiệm vụ là sẽ phải kết hợp đồng bộ để đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế xã hội.

Ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế cũng phụ thuộc nhiều vào tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước. Giải quyết đươc vấn đề này sẽ tạo thêm động lực cho tăng trưởng và hiệu quả nền kinh tế sẽ tốt hơn.

PGS-TS ĐÀO VĂN HÙNG – Giám đốc Học viện Chính sách Phát triển Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia/VNEXPRESS