Kinh tế Việt Nam – Cần tháo ngay ba ngòi nổ!?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Ba ngòi nổ nguy hiểm

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, Vụ trưởng Vụ chiến lược – Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước “ba ngòi nổ” cực kỳ nguy hiểm. Và theo ông, phải bằng mọi cách và nhiều giải pháp đồng bộ của Chính phủ để các ngòi nổ này từ từ “xì hơi”. Ngòi nổ thứ nhất, đó là hai chiếc “bong bóng” chứng khoán (CK) và bất động sản (BĐS). Biện pháp khả thi nhất là tìm cách cho nó xì từ từ chứ không thể để nổ tung, TS Nghĩa nói. Nếu hai quả bong bóng này nổ tung, sẽ kéo theo sự sụp đổ của toàn bộ hệ thống ngân hàng do phương pháp quản trị ngân hàng hiện nay còn yếu và mất khả năng thu hồi… Ông nêu bằng chứng gần đây nhất, Nhật Bản đã phải mất 14 năm để có thể vực dậy thị trường CK và BĐS. Ngòi nổ thứ hai là thâm hụt cán cân thương mại. Theo TS Nghĩa, hiện mức thâm hụt cán cân thương mại của Việt Nam đã ở mức 17% GDP, rất cao! Trong khi đó, với sự đổ bộ ồ ạt của nhiều dòng vốn đầu tư hiện nay là cực kỳ lớn nhưng chủ yếu là dòng vốn ngắn hạn của nước ngoài.

Do đó, cũng có thể xảy ra một cuộc rút vốn và tháo chạy của các nhà đầu tư nước ngoài nếu tình hình kinh tế không tiến triển khả quan. Hệ quả xấu của ngòi nổ này sẽ làm nền kinh tế Việt Nam lâm vào khủng hoảng và kiệt quệ, nó giống như cuộc khủng hoảng kinh tế ở Thái Lan vào những năm cuối của thập niên 90 thế kỷ trước. Ngòi nổ cuối cùng là lạm phát tăng. Về điều này, theo TS Nghĩa, hiện đang xuất hiện nguy cơ mất lòng tin của dân chúng và nhà đầu tư vào hệ thống tài chính quốc gia. Theo TS Nghĩa, nó bao gồm cả nguyên nhân chủ quan (nguyên nhân chủ yếu) và khách quan. Về chủ quan, chủ yếu là do cấu trúc nền kinh tế quốc gia còn yếu nhưng lại phải đón nhận một dòng vốn đầu tư nước ngoài quá lớn; về khách quan là do sự tăng giá xăng dầu và nguyên vật liệu nhưng việc tăng giá này không đóng vai trò chủ yếu.

Ấn tượng chính sách chấn chỉnh đầu tư công…

Các chuyên gia tại hội thảo đều nhận định về những chính sách tiền tệ gần đây của Chính phủ là hợp lý và kịp thời, nhất là chỉ thị 75 của Chính phủ đã tác động tích cực đến tháo nguy cơ “nổ ngòi”. Trong đó, đặc biệt ấn tượng nhất là giải pháp chấn chỉnh ngay chính sách đầu tư công. Theo TS Nghĩa, đây cũng là một trong những giải pháp căn cơ nhất đã được các chuyên gia kinh tế của đại học Harvard (Mỹ) tư vấn và cũng là lần đầu tiên Chính phủ công khai thực hiện mạnh mẽ. Liên quan đến chính sách chấn chỉnh đầu tư công, Chính phủ chỉ đạo: “Cải thiện môi trường đầu tư để huy động đủ vốn đáp ứng cho yêu cầu tăng trưởng; đồng thời, phải đặc biệt quan tâm nâng cao hiệu quả việc sử dụng vốn đầu tư, nhất là lĩnh vực đầu tư công; xem xét lại những công trình, dự án đọng vốn quá lâu, thiết kế ban đầu không còn phù hợp nữa hoặc công trình đầu tư kém hiệu quả; đình hoãn hoặc giãn những công trình chưa thật cần thiết…”.

Về chính sách tiền tệ, TS Nghĩa cho biết khá ấn tượng về các giải pháp như: rút tiền mặt trên thị trường, thu mua hết ngoại tệ cho nhà đầu tư và tiếp tục áp dụng biện pháp mua tín phiếu Ngân hàng Nhà nước bắt buộc đã công bố. Đặc biệt là việc Chính phủ và Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) mua vào cổ phiếu. Giải pháp này thực sự ấn tượng và tác động tích cực ngay sau đó khi cả hai sàn ở Hà Nội và TP.HCM bắt đầu “đỏ sàn”, hàng loạt cổ phiếu blue-chips đã ngay lập tức tăng kịch trần và sự tăng giá mạnh của gần như toàn bộ các cổ phiếu khác.

Tuy nhiên không nên quá trông chờ rằng, SCIC sẽ cứu thị trường.Tại hội thảo, Luật sư Nguyễn Ngọc Bích cũng đã đưa ra một số giải pháp đối với các doanh nghiệp, trong đó đặc biệt lưu ý các hội đồng quản trị và ban tổng giám đốc các ngân hàng, tổ chức tài chính và tín dụng cần chủ động xây dựng các giải pháp quản trị tiền tệ một cách khoa học để tránh nguy cơ sụp đổ trong tình hình diễn biến phức tạp như hiện nay.

Nguồn: Báo Thương mại điện tử