Kỳ 2: Phòng, chống tham nhũng và khắc chế chủ nghĩa dân túy 
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Phát huy vai trò Nhân dân trong chống tham nhũng

Nhớ lại, vào tháng 3.1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thẳng: “Trộm cắp tiền bạc của Nhân dân, tổn hại kinh tế của Chính phủ, cũng là mật thám, phản quốc, nếu không phải là tệ hơn nữa”. Và, Người cũng nhắc lại lời của V. I. Lê-nin: “Không xử bắn lũ ăn của đút lót… đó là một điều xấu hổ cho những đảng viên cộng sản, cho những người cách mạng… Phải lập tức đề nghị một đạo luật để trừng trị những vụ hối lộ (ăn hối lộ, tặng hối lộ, và những cách hối lộ khác)”.  

Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Tinh thần là phải tiếp tục làm, làm quyết liệt, làm tập trung, dứt điểm những việc đang dở dang, những khâu còn yếu, những địa bàn trọng điểm. Toàn Đảng, toàn Dân quyết tâm. Không có chuyện dừng lại hay ngập ngừng. Mà cũng không thể ngừng lại được. Đây là yêu cầu của cách mạng, yêu cầu, tình cảm của Nhân dân, mong muốn của Đảng ta. Phải khẳng định quyết tâm ấy. Còn trong chúng ta có ai dao động, ngập ngừng thì tự giác báo cáo, xin tự thôi đi!”.

Đó cũng chính là tư tưởng của bản “Quốc lệnh”, do Người phê chuẩn, ngày 26.1.1946, vào thời khắc chính quyền cách mạng non trẻ của Nhân dân ra đời chỉ ngót nghét 5 tháng; trong đó xác quyết án tử hình dành cho tệ tham nhũng, tại Điều 8 phần Phạt: “Trộm cắp của công sẽ bị xử tử”, cùng với 9 loại án tử khác: Phản quốc, ra trận tự ý rút lui… Và, ngay sau đó, trong phiên trả lời chất vấn của Quốc hội Khóa I, Người lại nói: “Chính phủ hết sức làm gương, nếu làm gương không xong thì sẽ dùng pháp luật mà trị những kẻ hối lộ, đã trừng trị, đang trừng trị và sẽ trừng trị cho kỳ hết” những “tên kẻ trộm “đường hoàng” – những tên “tệ hơn” lũ “mật thám, phản quốc”. “Thà chặt một cành sâu cho cây xanh tốt”.  

Cuộc chiến chống tham nhũng được Đảng, Nhà nước ta kiên quyết thực thi đang lấy lại niềm tin trong Nhân dân. Nhìn lại từ đầu nhiệm kỳ XII đến nay, mới hơn 4 năm, có tới 100 cán bộ, đảng viên, 30 tướng lĩnh thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị thi hành kỷ luật. Nhưng dù vậy, kinh nghiệm cảnh báo rằng, không thể chống được tham nhũng nếu thiếu vai trò của Nhân dân. Nếu xem Nhân dân là người chủ của mọi quyền lực quốc gia thì Nhân dân trước hết phải là người đi đầu chống tham nhũng và chống tham nhũng bằng Nhà nước, thông qua Nhà nước nhưng đó phải là một Nhà nước hoạt động theo phương thức pháp quyền và dân chủ. Nói cách khác, Nhà nước là công cụ của Nhân dân trong tất cả mọi việc, kể cả việc chống tham nhũng. Vì thế, việc chống tham nhũng đòi hỏi phải khẳng định vai trò của Nhân dân và đồng thời của Nhà nước. Tham nhũng không chỉ là vấn đề chính trị, kinh tế và còn là vấn đề xã hội nóng bỏng của Nhân dân. Thực tế, tham nhũng không chỉ làm tổn thương chính trị, suy yếu kinh tế, phân hóa giàu nghèo mà còn phân hóa xã hội, phá hoại toàn bộ sự yên ổn xã hội.

Vì thế, tiên quyết thành bại, cùng với việc, như Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ dẫn: “Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”, cấp thiết chúng ta “cần phải có biện pháp khác, biện pháp nghiêm ngặt hơn, để trừng trị chúng” trong lúc cuộc đấu tranh mất còn, sinh tử chống đại nạn tham nhũng của chúng ta đang mạnh mẽ hơn hết lúc nào? 

Biện pháp ấy là gì ? 

Chống tham nhũng, lúc này, hơn lúc nào hết, đòi hỏi phải thống nhất xã hội về chính trị, thống nhất xã hội về mặt tinh thần, thống nhất xã hội về mặt đạo đức và thống nhất xã hội về pháp luật. Cố nhiên sự thống nhất xã hội về mặt hành động chống tham nhũng là rất quan trọng. Chỉ có làm như vậy, chúng ta mới có thể kiểm soát và hạn chế được tham nhũng.      

Thứ nhất, dựa vào Nhân dân, cổ vũ Nhân dân, để “sửa chữa cán bộ và tổ chức ta”. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư”. Vừa qua, gần 75% số vụ, việc tiêu cực do Nhân dân và công luận phát hiện, theo đó các tổ chức đảng, các cơ quan bảo vệ pháp luật xử lý, dù đạt kết quả to, nhưng kỳ thực vẫn chưa xứng đáng với sức mạnh  muôn trùng của Nhân dân! Sửa sang cơ chế kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ để Nhân dân giám sát mọi cán bộ, đảng viên, ở tất cả các cấp, thực hiện Điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước từ thực thi công vụ tới cuộc sống, ở mọi nơi, mọi ngành… Bảo vệ Dân để không ai còn sợ bất cứ cán bộ nào cả gan đe dọa, trù úm hay trả thù. 

Thứ hai, “tham lam sẽ dẫn đến BẤT LIÊM, cho nên, cán bộ phải thực hành chữ LIÊM trước, để làm kiểu mẫu cho Dân… Cán bộ thi đua thực hành liêm khiết, thì sẽ gây nên tính liêm khiết trong Nhân dân. Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm, là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh, tiến bộ”. Trước mắt, bất cứ ai giữ trọng trách trước Dân, phải thực thi nghiêm các quy định về nêu gương rèn luyện đạo đức “cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”. Đó là liêm sỉ, là trách nhiệm và là thước đo phẩm giá cá nhân. Ai không giữ được Liêm, Sỉ thì nên từ chức, trước khi bị pháp luật “thẳng tay trừng trị”.

Thứ ba, nếu để bê trễ hay xem nhẹ tệ nạn này thì Đảng sẽ mất tín nhiệm với Nhân dân. Khi mất Lòng Dân là mất hết! Đó là một bài học sinh tử. Nhà nước và cả hệ thống chính trị nước nhà chống tham nhũng ngay chính trong những người của bộ máy chống tham nhũng, không ngừng tin tưởng, dựa hẳn và bảo vệ vô điều kiện để Dân giám sát, kiểm soát quyền lực (kinh tế, chính trị, xã hội…). Kinh nghiệm càng cho thấy, công khai là con đường ngắn nhất là “thanh bảo kiếm” nhiệm màu phòng, chống tham nhũng đủ loại. 

Không chống thành công tham nhũng đủ loại, đất nước không thể phát triển, và cao và sâu hơn thể chế bị đe dọa và nguy cơ mất nước sẽ hiện hình.

Khắc chế, đầy lùi chủ nghĩa dân túy

Trước hết, các cấp ủy, trước hết là người đứng đầu, nâng cao trách nhiệm trong việc kiên quyết thanh lọc đội ngũ, đưa ra khỏi Đảng và bộ máy các cấp những người theo đuôi hoặc nhiễm bệnh dân túy như thế. Đồng thời, trong việc xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ 2021 – 2026, thực thi nghiêm cách theo chỉ giáo của Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng: “Kiên quyết không đưa vào quy hoạch những người có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, có quan điểm lệch lạc, gây mất đoàn kết nội bộ, tham nhũng tiêu cực, đặc biệt những kẻ cơ hội chính trị. Dứt khoát không đưa vào quy hoạch những người có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, mất đoàn kết, gây rối nội bộ, tham nhũng tiêu cực, cơ hội chính trị như “con lươn, con chạch”. Cần ý thức rằng, bắt đầu từ công tác xây dựng quy hoạch cán bộ đến đào tạo, bồi dưỡng; đặc biệt là các hoạt động kiểm tra, giám sát, rà soát, đánh giá kịp thời cùng các chế tài xử lý… cũng như “tai mắt” của Nhân dân, mỗi khâu, mỗi bước đều đóng vai trò rất quan trọng. Kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước phải được toàn dụng! Nó quyết định sự thành bại trên phương diện này.       

Nói xác đáng, nếu những quan lại nhiễm dân túy, có thể gọi là nửa mùa quan túy, thật sự nguy hiểm vì sự nguy hại đáng sợ, nhất định phải tẩy trừ thì những người bị họ phỉnh phờ, dẫn dụ, lừa đảo, tôi gọi là những người túy quan lại thật đáng trách và phải cảnh tỉnh, ngăn chặn họ… Nhưng cả hai hợp thành hai chiếc giày của một đôi giày đều cần chỉnh đốn, thậm chí thải loại như nhau!

Quan sát ở nước ta, từ nhiều năm qua, bằng nhiều nỗ lực, ở nhiều nơi những người nửa quan túy hay những người túy quan, đã được phát hiện, có thể nhất thời thủ lợi hoặc đạt được tham vọng chính trị hoặc giành giật được chức vị nào đó nhưng đa phần đều mang một kết cục chung: Hoặc mau chóng suy tàn hoặc thân bại danh liệt hoặc vào tù ra tội. Hầu như tất cả điều đó trước sau đã và đang từng mảng lụn bại, như kết cục được báo trước.  

Đó là kết quả của sự nỗ lực kiên định, kiên quyết và kiên trì nhưng vô cùng trắc trở, nan giải của chúng ta, dù bước đầu nhưng rất quan trọng.