Lãi suất cho vay thỏa thuận: Lỗ hổng quản lý
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

* Doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn

Doanh nghiệp khó tiếp cận lãi suất thấp

Theo Thông tư 19 của NH Nhà nước (NN) Việt Nam, từ 11/6/2012, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 12 tháng là 9%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng là 2%/năm. Riêng lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 12 tháng trở lên không áp dụng trần lãi suất huy động mà do tổ chức tín dụng ấn định trên cơ sở cung – cầu vốn thị trường.

Như vậy, 3 tháng qua, NHNN đã 4 lần giảm lãi suất, từ 14%/năm xuống 9%/năm. Cùng với việc hạ trần lãi suất huy động, lãi suất cho vay ngắn hạn đối với 4 lĩnh vực ưu tiên cũng giảm theo (+3% biên độ chênh lệch lợi nhuận).

Theo giải thích của Thống đốc Nguyễn Văn Bình, NHNN đã đạt được một số kết quả trong điều hành như kỳ vọng lạm phát được kiểm soát tốt với khoảng 7 – 8% trong năm nay, thanh khoản hệ thống được củng cố và cải thiện rất tích cực. Từ nay đến cuối năm, lãi suất sẽ ổn định, ngoại trừ có yếu tố nào đó đột biến. Việc giảm lãi suất huy động vốn như vậy là phù hợp với thực tế và để các NHTM hạ lãi suất cho vay, tạo điều kiện để doanh nghiệp (DN) tiếp cận được vốn giá thấp.

Ngay sau khi trần lãi suất huy động có hiệu lực, các NHTM đã đồng loạt giảm lãi suất huy động. Song, trên thực tế, rất ít DN được vay. Trong khi đó, lãi suất cho vay thỏa thuận vẫn ở mức quá cao khiến mặt bằng lãi suất chung của NH như công bố của NHNN là trên 17%/năm. Nhiều DN vay vốn từ 1 năm trở lên ở thời điểm trước hiện vẫn phải chịu mức lãi trên 20%/năm.

Bà Đặng Phương Dung, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) chia sẻ, mặc dù ngành Dệt may xuất khẩu thuộc lĩnh vực ưu tiên vay vốn, song việc giảm lãi suất cho vay không phải là tin vui đối với các DN, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ (VVN) bởi khả năng tiếp cận không hề đơn giản.

Bà Dung phân tích, các DN xuất khẩu lớn, quy mô thì hầu như chỉ vay ngoại tệ, còn tiền Việt thì chỉ vay để trả lương cho công nhân, đầu tư… Vì có uy tín nên các DN này hầu như không khó khăn gì trong việc vay vốn. Dù vậy, với các DNVVN, nếu vay thì phải đối mặt với nhiều điều kiện khắt khe từ phía NH (NH) như: Chứng minh năng lực tài chính, thế chấp tài sản, trang thiết bị… mà các DN khó khăn thì vốn không thỏa mãn được các điều kiện này. Đó là chưa kể đến việc thế chấp tài sản của DN luôn nảy sinh nhiều hệ lụy.

“Khó khăn đối với DN là khi chưa trả hết nợ sẽ không được sử dụng tài sản đã thế chấp. Ví như, DN vay 100 tỷ đồng nhưng mới trả hết 80 – 90 tỷ đồng thì cũng không được sử dụng trang thiết bị đã thế chấp. Quy định khắt khe đó dẫn đến nhiều vấn đề trong hoạt động sản xuất, kinh doanh…”, bà Dung lý giải.

Chính vì vậy, bà Dung cho rằng, mức lãi suất cao trước đây vốn đã khó vay, nay hạ xuống 13% chả khác nào “thách đố” DN.

Thêm một thách thức nữa các DN gặp phải là minh bạch hóa tài chính. Đại diện của một DN chế biến và xuất khẩu mặt hàng mây, tre đan, chiếu cói… phân trần, phần lớn nguyên liệu của công ty mua từ nông dân và không có hóa đơn chứng từ. Do vậy, DN rất khó khăn trong việc chứng minh sự minh bạch về tài chính theo yêu cầu của NH.

Còn ông Nguyễn Hưng Hòa, Giám đốc Công ty Chế biến, xuất khẩu thủy sản Nguyễn Hưng chia sẻ, việc NH cho vay vốn với lãi suất cao trong một thời gian dài khiến sức “đề kháng” của DN yếu dần. Đến nay, dù lãi suất hạ nhưng nhiều DN đã “cạn” vốn, khó có cơ hội phục hồi sản xuất, kinh doanh. Mà trong điều kiện DN “hấp hối” như thế, việc vay vốn với mức lãi suất 13% càng khó khăn gấp bội lần bởi các điều kiện từ phía NH đặt ra.

Lãi suất dưới 10% mới cứu được DN

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, với mức lãi suất 13%, DN chỉ có thể sống lay lắt chứ khó có thể hồi phục.

Chuyên gia này lý giải, với độ mở của nền kinh tế hiện nay, DN xuất khẩu Việt Nam đang phải cạnh tranh khốc liệt với DN nước ngoài. Lãi suất cho vay ở Mỹ là 2 – 3%, nhiều quốc gia khác mức lãi suất cho vay trung bình 4 – 5%… Vậy thì với mức lãi suất 13% (và trước đó còn cao hơn) không hiểu DN Việt Nam sẽ cạnh tranh thế nào?

“Nếu NH TM (TM) không huy động được vốn với lãi suất thấp để cho DN vay với lãi suất hợp lý, thì đó là nhiệm vụ của NH Nhà nước phải giải quyết, chứ không thể để cho DN chết được”, ông Thành nhấn mạnh.

Về phía DN, ông Thành khuyến cáo: “Để tiếp cận nguồn vốn thuận lợi, DN nên giải trình cụ thể cho NHTM biết mục đích khoản vay là khả thi và khả năng trả nợ đúng thời hạn. Trường hợp gặp phải những quy định khắt khe từ NH, DN không nên đi vào “bánh xe phong bì” vì nếu làm vậy sẽ càng tăng thêm chi phí cho DN. Thay vào đó, DN nên đứng về phía hội đoàn, cùng lên tiếng để có được khoản vay thích hợp”.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, NHTM cũng là DN nên họ cũng phải hoạt động kinh doanh có lãi. Hiện tại, phía NH cũng không thể giảm lãi suất cho vay ngay lập tức vì trước đó họ vốn đã huy động vốn với mức lãi suất cao.

Với những yếu tố trên, theo chuyên gia này, DN khó tiếp cận vốn cũng không phải là điều khó hiểu. Bản thân các DN cũng phải nỗ lực giải quyết nợ xấu của mình để việc tiếp cận vốn vay với mức lãi suất mới dễ dàng hơn.

Ngoài ra, Chính phủ cũng cần thành lập quỹ bảo lãnh tín dụng DN để vực dậy những DN “còn khả năng hồi sinh” vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Ông Doanh giải thích, lúc này các NHTM đang “ôm” một lượng tiền gửi dồi dào mà không có đầu ra. Việc dùng quỹ bảo lãnh tín dụng sẽ tạo đầu ra an toàn cho các NH, khai thông được dòng vốn đồng thời giúp các DN một cách thiết thực.

Lợi nhuận cao, nợ xấu tăng

Báo cáo của NHNN cho biết, trong 5 tháng qua, vốn khả dụng dư thừa nhiều vì tín dụng tăng trưởng âm. Từ đầu tháng 6 tăng trưởng tín dụng mới nhích được lên 0%. Để đạt mục tiêu tăng trưởng đến cuối năm 17% sẽ là xa vời nếu không có nỗ lực, tận tâm của NH. Điều đáng nói là, dù tăng trưởng tín dụng âm, nhưng các NH vẫn “sống khỏe” nhờ lãi suất cho vay thỏa thuận trên 20% kéo dài từ đầu năm 2011 đến nay. Nhiều NHTM cổ phần lớn trả lương cho các thành viên hội đồng quản trị tới cả trăm triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, bên cạnh lợi nhuận cao, nợ xấu của NHTM tăng lên đáng lo ngại. Kết quả công bố nợ xấu ngành NH năm 2011 đến nay được NHNN đưa ra cho thấy, tỷ lệ nợ xấu toàn ngành khoảng trên 4%. Con số này, theo các chuyên gia kinh tế, vẫn chưa hoàn toàn phản ánh đúng thực chất tỷ lệ nợ xấu của ngành NH. Bởi, nếu phân loại nợ xấu theo tiêu chuẩn quốc tế thì tỷ lệ nợ xấu của các NH Việt Nam còn tăng lên 3 – 4 lần.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến nợ xấu của NH tăng là lãi suất cho vay quá cao, khiến các DN, hộ kinh doanh cá thể, người vay tiêu dùng kiệt quệ vì lợi nhuận làm ra không đủ trả lãi NH. Trong khi đó, hàng hóa làm ra khó tiêu thụ và tồn đọng ngày càng nhiều do sức mua của người dân giảm sút. Nhiều DN, hộ kinh doanh cá thể phải bán tháo tài sản vẫn không đủ để trả nợ NH.

Thực tế cho thấy, từ quý IV/2010 đến nay, thực hiện cơ chế lãi suất theo thị trường, lãi suất cho vay bị thả nổi, các NH tùy tiện đặt ra các mức cho vay thỏa thuận. Chênh lệch tỷ lệ lợi nhuận giữa lãi suất huy động và cho vay tùy thuộc vào từng NH, nhưng thấp nhất là 6%, cao 7 – 8%, chưa kể các loại phí bắt buộc người vay phải trả thêm (phí quản lý khai thác nợ, phí thẩm định tài sản thế chấp…) khiến có thời điểm lãi suất cho vay sản xuất lên tới 22%, lãi suất cho vay tiêu dùng 24 – 27%. Trong khi ở các nước khác, chênh lệch lợi nhuận giữa huy động được quy định chỉ 2,5 – 3% và trong nước trước đây cũng đã quy định 3%…

Rõ ràng, nếu có cơ chế kiểm soát thị trường lãi suất tốt, nhất là có quy định mức khống chế tỷ lệ lợi nhuận chênh lệch giữa huy động và cho vay hợp lý, cùng với chống được lãng phí, thất thoát, tham nhũng trong nội bộ NH sẽ có cơ hội để giảm lãi suất cho vay một cách chủ động.
                                                                                                Minh Phong – Thành Ngô

Đối với lãi suất cho vay, trong 5 tháng đầu năm 2012, Agribank đã 3 lần thực hiện điều chỉnh giảm lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.

Cụ thể: Trong tháng 2/2012, Agribank đã điều chỉnh giảm lãi suất cho vay bình quân 1,5%/năm so với đầu năm, đến tháng 3/2012 Agribank tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất cho vay bình quân 0,5% so với tháng 3, tháng 5/2012 Agribank điều chỉnh giảm lãi suất cho vay bình quân thêm 1 – 1,5% so với tháng 3.

Như vậy, qua 3 lần thực hiện điều chỉnh lãi suất cho vay của Agribank đã giảm khoảng 3 – 3,5% so với đầu năm. Lãi suất cho vay hiện nay thấp nhất là 12%; cho vay đối với các đối tượng theo Thông tư 14 tại Agribank tối đa 14%/năm; các đối tượng khác 15,5% – 17,5%; trung dài hạn từ 15,0% – 18,5%/năm. Qua 3 lần giảm lãi suất cho vay, lợi nhuận của Agribank đã giảm lũy kế xấp xỉ 4.000 tỷ đồng.

Trong thời gian tới, Agribank sẽ tiếp tục hạ lãi suất cho vay ngắn hạn theo Thông tư 14/TT-NHNN là 13%/năm; lãi suất cho vay đối tượng khác 14% – 15,5%/năm.

Đăng Khoa

Nguồn: Báo điện tử Thanh tra