Lãi suất đầu vào sẽ tiếp tục giảm
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Ngân hàng đang nhìn nhau

Nếu đầu tháng 7-2008, NH Việt Á (VAB) áp dụng lãi suất không kỳ hạn 10,8%/năm thì hiện nay lãi suất chỉ còn 6%/năm (tiền gửi dưới 20 triệu đồng). Lãi suất kỳ hạn 12 tháng của NH Phát triển nhà TPHCM (HDBank) cũng giảm 0,3%/năm xuống còn 18,4%/năm… Các NH khác hiện đang nhìn nhau, sẵn sàng tung ra thị trường mức lãi suất tiết kiệm thấp hơn lãi suất hiện hành.

Theo số liệu của SBV chi nhánh TPHCM, huy động vốn của các NH trên địa bàn trong tháng 7-2008 chỉ tăng 0,7% so với tháng trước, lãi suất tiết kiệm phổ biến từ 17% – 18,2%/năm. Mặc dù mức lãi suất này khá cao nhưng xem ra không hiệu quả vì huy động vốn tăng không đáng kể khiến nhiều NH phải hạ lãi suất đầu vào để tiết giảm chi phí kinh doanh.

Tạo cơ sở để hạ lãi suất đầu ra

Ông Võ Văn Châu, Tổng Giám đốc NH Phương Đông (OCB), cho biết NH của ông có thể sẽ giảm mức lãi suất một số kỳ hạn tiết kiệm ngay trong tuần này. Hiện mức chênh lệch lãi suất giữa các NH rất ít. Người dân không còn chuyển dịch tiền từ NH này đến NH khác. Vì thế, NH đồng loạt giảm lãi suất tiết kiệm là hợp lý. Các NH nên đồng thuận giảm lãi suất theo nhóm kỳ hạn (1-3 tháng, 6-12 tháng…) nhưng SBV cần có động thái răn đe NH nào không tuân thủ để sự đồng thuận được bền vững.

Tổng Giám đốc NH An Bình Lưu Đức Khánh cho biết ông cũng đang xem xét để giảm lãi suất huy động vốn. Việc SBV tăng lãi suất tín phiếu bắt buộc từ 7,8%/năm lên 13%/năm, bơm thêm tiền cho các tổ chức tín dụng, phần nào đã giảm chi phí huy động vốn, ổn định lượng tiền ra vào của nhiều NH nên đây là điều kiện thuận lợi để các NH giảm lãi suất đầu vào. Lãnh đạo nhiều NH khác cho biết họ đã sẵn sàng phương án giảm lãi suất đầu vào để làm cơ sở hạ lãi suất đầu ra.

Ai dẫn dắt thị trường?

Tại cuộc họp mới đây giữa lãnh đạo SBV với các NH ở TPHCM, Phó Thống đốc Trần Minh Tuấn cho rằng lãi suất đầu vào bình quân 17,5%/năm là có lãi. Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cũng cảnh báo NH nhỏ sẽ gặp nhiều khó khăn khi nhiều khả năng NH lớn dẫn dắt thị trường vì chi phí kinh doanh khá thấp. Do vậy, các NH phải tự điều chỉnh hoạt động để phù hợp với tình hình thực tế.

Theo các chuyên gia tiền tệ, NH lớn cân đối nhiều nguồn vốn giá rẻ khác nhau nên chi phí huy động vốn bình quân chỉ khoảng 2%/năm (mức chi phí thông thường là 4%/năm). Trong khi nhiều NH huy động vốn chủ yếu từ dân cư nên giá vốn rất cao, lại muốn bảo đảm mục tiêu lợi nhuận buộc phải giảm lãi suất đầu vào. Hiện thị trường có khoảng 8 NH giảm lãi suất tiết kiệm. Nhiều NH khác sẽ tiếp tục giảm lãi suất đầu vào trong vài ngày tới.

Tín hiệu tốt để giảm lãi suất cơ bản

Theo ông Trần Hoàng Ngân, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TPHCM, mặc dù CPI (chỉ số tăng giá tiêu dùng) trong tháng 7-2008 là 1,13% (giảm so với các tháng trước là 2%-3%) nhưng Nhà nước vừa tăng giá xăng dầu nên SBV chưa thể điều chỉnh lãi suất cơ bản bởi e ngại CPI sẽ tăng lên. SBV giữ nguyên lãi suất cơ bản 14%/năm cho thấy thị trường tiền tệ bắt đầu ổn định. Nếu việc chống đầu cơ, tăng giá hàng hóa, dịch vụ… hiệu quả thì CPI trong tháng 8-2008 có thể dưới 2%. Đó sẽ là tín hiệu tốt để SBV hướng tới giảm lãi suất cơ bản. Các NH cần xem lại kế hoạch huy động vốn để điều chỉnh lãi suất đầu vào hợp lý, đồng thời SBV nên tăng lãi suất dự trữ bắt buộc của các NH từ 1,2%/năm bằng lãi suất cơ bản để các NH tiếp tục hạ thêm lãi suất cho vay, giảm chi phí cho người vay, giúp nền kinh tế tăng trưởng từ nay đến cuối năm 7%.

Nguồn: Báo Người Lao động