Lạm phát: dấu ấn từ bất cập của chính sách tiền tệ
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Trong các nguyên nhân của động thái lạm phát diễn ra những năm 2007 và 2008 ở nước ta, không thể không nhận thấy dấu ấn từ những bất cập của các chính sách tiền tệ, cũng như của bản thân ngành ngân hàng, thể hiện ở việc điều hành tỷ giá, ở chính sách cung tiền và quản lý ngoại tệ, ở các hoạt động tín dụng và ở chính sách lãi suất… từ đó gây ra những nghịch lý sau đây:

Thứ nhất, về đối ngoại, chính sách tỷ giá và quản lý ngoại hối làm cho đồng tiền Việt Nam bị định giá quá cao, khiến hàng xuất khẩu trở nên đắt đỏ, nhập siêu tăng vọt và nghẽn mạch lưu thông tiền tệ …

Bên cạnh và cả do sự cộng hưởng từ những nguyên nhân khách quan khác (như do sự gia tăng về chi phí đầu vào, do sự lạc hậu về cơ cấu kinh tế và công nghệ, cũng như do phần lớn các hoạt động ngoại thương và dự trữ ngoại tệ của Việt Nam đều được thực hiện thông qua USD), song cần khẳng định rằng bản thân việc duy trì quá lâu tỷ giá gần như cố định giữa VND và USD bất chấp những sự trồi sụt giá trị đồng USD khá mạnh trên thị trường tiền tệ thế giới đã khiến VND luôn trở nên bị định giá quá cao, làm cho hàng Việt Nam trở nên đắt đỏ trên thị trường thế giới và nhập siêu tăng vọt trong 2 năm 2007 và 2008.

Đáng lẽ, trên thực tế cần có sự điều chỉnh tỷ giá theo hướng linh hoạt, giảm giá trị VND từ những năm trước, chậm nhất là phải từ năm 2006, trước khi Việt Nam gia nhập WTO, hoặc chí ít cũng phải kịp thời phá giá VND theo mức độ mất giá thực tế của USD, thì tình hình tỷ giá VND đã được cải thiện theo hướng sát với giá trị thực của nó, làm tăng sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam, từ đó kéo theo nhiều hệ quả tích cực khác, tạo động lực phát triển kinh tế đất nước.

Hơn nữa, sự bất cập trong điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong thời gian gần đây còn thể hiện ở chỗ, một mặt, NHNN chỉ đạo bắt buộc các ngân hàng thương mại chỉ được mua vào đồng USD đang dồi dào với giá sàn đắt hơn nhiều giá trên thị trường, để duy trì tỷ giá VND danh nghĩa theo mục tiêu được biện hộ là duy trì sức cạnh tranh cho hàng xuất khẩu (nếu các ngân hàng thương mại mà mua theo giá này, thì chắc hẳn các nhà đầu tư tư nhân đã có cơ hội làm giàu hiếm có do hưởng lợi lớn từ chênh lệch giá cao giữa giá trong và ngoài ngân hàng);

Mặt khác, NHNN lại không chịu mua lại số USD này dù theo giá sàn chỉ đạo trên, khiến các ngân hàng thương mại “ chê”” USD (điều chưa từng có trong nhiều thập kỷ qua ở nước ta, khi mà NHNN thường buộc các nhà xuất khẩu và tổ chức kinh tế bán lại USD cho mình và ra sức chống lại nạn đô la hóa). Từ những quy định trên, xuất hiện tình huống thực tế đầy nghịch lý là lạm phát cao, trong khi các nhà đầu tư nước ngoài khan hiếm VND và dư thừa USD, còn dự trữ ngoại tệ quốc gia cũng chưa phải thực sự vững chắc và cuộc săn lùng VND của các ngân hàng và nhà đầu tư nước ngoài trở nên nóng bỏng hơn, khiến có những sự “bán tháo” USD và nghẽn mạch lưu thông tiền tệ không đáng có, gây tổn hại chung cho nền kinh tế đất nước.

Tình huống này trên thực tế như là hệ quả của sự bất cập khác trước đó, tức trong năm 2007, NHNN tung tiền VND mua USD dự trữ ngoại tệ quá lớn, song không có giải pháp trung hòa cần thiết lượng dư tạm thời của VND trong lưu thông, khiến tăng xung lực lạm phát tiền tệ trong nền kinh tế. Bài toán này cho đến nay vẫn còn là thách thức lớn, mà NHNN chưa tìm ra lời giải thỏa đáng.

Thứ hai, về đối nội, chính sách lãi suất tiền gửi thực âm khiến đồng tiền Việt Nam không được coi trọng và kéo dài nạn dư thừa tiền trong lưu thông, trong khi các ngân hàng mất tính thanh khoản và ngưng trệ hoạt động cho vay.

Một trong những nguyên tắc cơ bản và phổ biến của đơn thuốc chống lạm phát tiền tệ trong kinh tế thị trường, cũng như là bài học đắt giá còn nóng hổi trong thực tiễn chống lạm phát ở nước ta suốt 2 thập kỷ qua là thực hiện lãi suất thực dương.

Tuy nhiên, dù buộc phải vào cuộc chống lạm phát (thể hiện qua việc tăng dự trữ bắt buộc, thắt chặt hạn mức tín dụng và nâng lãi suất chiết khấu…), nhưng những chỉ đạo của Chính phủ phải bảo đảm lãi suất thực dương theo nguyên lý trên, các ngân hàng ở Việt Nam mới thực hiện được ½ đơn thuốc này, tức mới bảo đảm lãi suất tiền cho vay cao hơn hẳn lãi suất huy động, còn lãi suất huy động lại thấp hơn nhiều mức lạm phát.

Thậm chí, lo ngại sự đảo chiều của các dòng tiền gửi, nhất là việc một số ngân hàng thương mại nhà nước bị các ngân hàng khác cạnh tranh hút bớt khách gửi tiền, NHNN còn chính thức ra thông báo yêu cầu các ngân hàng thương mại phải triệt để áp dụng trần lãi suất huy động 12%, rồi phải hạ tiếp xuống 11%…, trong khi mức lạm phát trên thực tế cùng thời điểm là 16-18%, hơn nữa lại cho phép thả nổi trần lãi suất cho vay.

Kết quả là dư lượng tiền thừa trong lưu thông vẫn quá nhiều, trong khi nhiều ngân hàng không huy động đủ tiền mặt để bảo đảm tính thanh khoản và cho vay cần thiết, nhân viên tín dụng một số ngân hàng phải chơi dài trong nhiều tháng qua. Rõ ràng là, trong bối cảnh tính độc quyền còn cao thì cạnh tranh thị trường và thực hiện các đơn thuốc chống lạm phát theo đúng nguyên tắc thị trường còn là quá đắng, không dễ và càng không thể tự nguyện đối với ngành ngân hàng ở Việt Nam .

Thứ ba, về tổng thể, các hoạt động tín dụng chạy theo bề rộng, khiến lạm phát gia tăng, người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế chịu nhiều thiệt hại, trong khi các ngân hàng lãi cao ngất ngưởng…

Làn sóng thành lập các ngân hàng mới, đua nhau tăng vốn điều lệ và phát hành các loại chứng khoán mới được thổi giá lên cao ngất ngưởng một cách thiếu minh bạch, sự gia tăng các hoạt động cho vay chéo, đầu tư đa ngành mang nặng tính đầu cơ và mở rộng tín dụng theo bề rộng trước sức ép thu lợi nhuận cơ hội… đã tạo ra những xung lực cực mạnh làm gia tăng tổng phương tiện lưu thông, trực tiếp và gián tiếp gây ra, dung dưỡng và thúc đẩy vòng xoáy tăng giá – lạm phát trong thời gian gần đây ở nước ta.

Hơn nữa, trong khi thoải mái “ mua rẻ -bán đắt” các nguồn vốn đang dồi dào của xã hội thông qua vay tín dụng với lãi suất thấp, còn cho vay với lãi suất cao, các ngân hàng thương mại đã thu được các khoản lợi nhuận kếch sù từ chênh lệch lãi suất vay và cho vay, cũng như từ chênh lệch giá ảo với giá thực khởi điểm của các chứng khoán ngân hàng và cả từ nguồn thu phí dịch vụ kinh doanh chứng khoán các loại được tung ra ào ạt và giao dịch thiếu kiểm soát lành mạnh trên thị trường tài chính trong nước…

Hơn nữa, cần chỉ ra rằng, việc cho vay thiếu bảo đảm, hoặc cho vay mang tính đầu cơ cao trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản và kinh doanh chứng khoán, cũng như các kỹ năng nghiệp vụ hạch toán “lãi giả – lỗ thật” của các hoạt động tín dụng, nếu không được nhận diện và xử lý kịp thời, hiệu quả thì rất dễ tạo ngòi nổ nhạy cảm cho các chấn động và đổ vỡ tài chính trong tương lai ở nước ta, mà những khuyến nghị từ các giáo sư Đại học Havard Mỹ và Ngân hàng Thế giới (WB) là một cảnh báo cần thiết.

Nguồ: Báo Đầu tư