Lạm phát năm 2008 có thể lên tới 22,3%?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Sáng nay 8/5, tại Hà Nội, Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế TƯ (CIEM) công bố “Báo cáo kinh tế Việt Nam 2007”, trong đó có đưa ra dự báo về mức tăng trưởng kinh tế và một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô của Việt Nam năm 2008.

Đây là bản báo cáo thường niên được các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia xây dựng dựa trên những số liệu do Tổng cục Thống kê và nhiều Bộ ngành cung cấp, có cập nhật tình hình phát triển kinh tế của Việt Nam đến hết tháng 4/2008.

3 kịch bản cho nền kinh tế

Theo “Báo cáo kinh tế Việt Nam 2007”, những biến động khó lường của kinh tế thế giới, kéo theo sức ép lạm phát và nhiều rủi ro đi kèm đang là những thách thức lớn đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2008 và cả trong các năm tiếp theo.

Vì thế mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8,5 – 9% và kiềm chế lạm phát ở mức 11 – 12% cho năm 2008 là rất khó thực hiện.

Do đó, nói về kinh tế Việt Nam trong năm 2008, bản báo cáo đưa ra dự báo theo 3 kịch bản: Kịch bản cơ bản, GDP năm 2008 tăng 7,2%, mức lạm phát (trung bình) là 19,4%, xuất khẩu tăng 26,2% và cán cân thương mại thâm hụt ở mức tương đương 17,3% GDP.

Đáng chú ý, tăng trưởng kinh tế theo 3 khu vực chính: nông nghiệp, công nghiệp và xây dựng – dịch vụ, tương ứng là 3,2; 8,2 và 7,9.

Kịch bản bi quan cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2008 giảm khoảng 0,6 điểm phần trăm so với dự báo theo kịch bản cơ bản.

Và dẫu có lạc quan, GDP của Việt Nam năm nay chỉ có thể dừng ở mức 7,6%. Nhìn chung, các kết quả dự báo từ mô hình kinh tế lượng vĩ mô cho thấy, trong năm 2008 nền kinh tế Việt Nam sẽ khó có thể tiếp tục tăng trưởng với tốc độ cao như năm 2007.

Trong khi đó, lạm phát năm nay lại được dự báo vẫn đứng ở mức cao, cao hơn so với mức năm 2007 và xuất khẩu năm 2008 sẽ tăng ở mức 26,2%, cán cân thương mại thâm hụt ở mức tương đương 17,3% GDP, nhập siêu năm nay cũng còn lớn, chưa thể khắc phục ngay trong ngắn hạn.

Và xét trên cả 3 kịch bản, mức lạm phát trung bình cả năm nay sẽ là 19,4%, kịch bản lạc quan nhất có thể là 16,7% và bi quan nhất sẽ là 22,3%.

Cảnh báo về chất lượng tăng trưởng

Tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2007 đạt 8,5%, theo đánh giá của bản báo cáo, “cũng khó có thể nói đó là một con số thật ấn tượng”, dù đây là tốc độ tăng trưởng cao nhất kể từ năm 1997.

Bởi con số này không ghi nhận sự đột phá so với các năm liền kề 2005 – 2006 và tỷ lệ đầu tư so với GPD năm 2007 quá cao, chiếm tới 44%.

Cuối năm 2007, thời điểm đánh dấu tròn một năm Việt Nam trở thành thành viên WTO. Thời gian một năm là quá ngắn để có thể đánh giá và nhìn nhận đầy đủ tác động của việc gia nhập WTO đối với tiến trình cải cách bên trong và nền kinh tế Việt Nam.

Nhưng việc gia nhập WTO đã phần nào làm “lộ rõ những yếu kém, bất cấp cố hữu của nền kinh tế Việt Nam, nhất là đối với việc đảm bảo sự phát triển nhanh, vững bền” – báo cáo nhấn mạnh.

Theo TS.Võ Trí Thành, sự sôi động của thị trường tài chính, hoạt động ngân hàng và thị trường bất động sản năm qua ít chuyển hóa sang nền kinh tế thực; khu vực tài chính, ngân hàng và bảo hiểm vẫn chiếm chưa tới 2% GDP.

Điều này đang là lời cảnh báo về chất lượng tăng trưởng, chất lượng đầu vào của nền kinh tế. Vốn đầu tư của các doanh nghiệp lớn tăng 5,7% cũng là dấu hiệu bất thường, bởi một phần vốn rất lớn của các doanh nghiệp này đã không dẫn vào các kênh sản xuất kinh doanh tạo sản phẩm thật mà chủ yếu đổ vào các kênh đầu tư ảo: chứng khoán, bất động sản…

Ngược lại, tốc độ tăng tiêu dùng của người dân Việt Nam đang cao hơn rất nhiều so với tốc độ tăng GDP. “Bình quân đầu người năm qua đạt khoảng 841 USD/người/năm, trong khi tốc độ tiêu dùng của người dân lại đang cao hơn rất nhiều. Điều này dẫn tới tiết kiệm nội địa năm 2007 bị chững lại.

Tỷ lệ tiết kiệm trong GDP chỉ chiếm 30 – 31%, Việt Nam đang ngày càng dựa vào nguồn vốn nước ngoài, hơn là huy động tiết kiệm trong nước để đầu tư phát triển kinh tế – xã hội”- TS.Võ Trí Thành nói.

Nguồn:  Báo Điện tử Dân trí