Lạm phát tăng cao, lúng túng trước dòng vốn ngoại lớn
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Đúng ngày Tổng cục Thống kê công bố chỉ số giá cả năm 2007 với con số lên đến mức kỷ lục 12,63% (so với tháng 12/2006), Viện Nghiên cứu Khoa học Thị trường giá cả và các chuyên gia hàng đầu về thị trường giá cả Việt Nam đã cùng ngồi lại với nhau để nhìn lại diễn biến giá cả lạm phát năm 2007 và đưa ra những dự báo cho năm tới.

Theo các chuyên gia, năm 2007, tốc độ phát triển kinh tế chưa đạt đến mức 8,5% như kỳ vọng, trong khi đó, chỉ số giá đã vượt quá xa mục tiêu kiềm chế. Tốc độ tăng giá năm nay chưa đến mức là một “thảm họa” đối với một nền kinh tế đang phát triển nhanh như Việt Nam. Tuy nhiên, đây vẫn là một tín hiệu không tốt cho đời sống người dân và nền kinh tế. Diễn biến giá cả và lạm phát năm 2007 cần được mổ xẻ để tìm biện pháp điều hành giá cả trong bối cảnh nền kinh tế đang hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới.

Hàng loạt mặt hàng tiêu dùng tăng giá, đời sống người dân khó khăn. (Ảnh: Phước Hà)

Bội thực ngoại tệ: Nguyên nhân chính

Ông Nguyễn Đại Lai, Vụ phó Vụ Chiến lược – Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng, yếu tố lớn nhất vẫn là dòng vốn nước ngoài vào nhiều mà Việt Nam không hấp thu tốt. Theo ông Lai, Việt Nam đang là điểm đến của nhiều dòng ngoại tệ, có ít nhất là 5 dòng ngoại tệ như: vốn trực tiếp, gián tiếp, ODA, ngoại tệ từ dịch vụ thu qua biên giới, nguồn kiều hối… Những nguồn này năm nay có thể lên đến 25 tỷ USD. Khi nguồn vốn ngoại tệ vào nhiều, Ngân hàng Trung ương sẽ là người mua cuối cùng. Chúng ta đã có những giải pháp vô hiệu đồng tiền đã bỏ ra mua ngoại tệ. Nhưng việc đó còn chưa kịp thời, còn có những hạn chế và nó đã gây ra một số hiệu ứng lạm pháp về vấn đề tiền tệ.

Không thể “đổ lỗi” hết cho giá dầu tăng!

Theo ông Nguyễn Đại Lai, sau hơn 10 năm, thuật ngữ “lãi suất âm” đã bắt đầu xuất hiện. Điều này đang thực sự trở thành nỗi nhức nhối trong cộng đồng dân cư.

Cũng theo ông Lai, giá thị trường thế giới không phải là nguyên nhân chính. Giá thế giới tác động đến nhiều nước khác nhưng lạm phát của họ không cao như Việt Nam. Trung Quốc cao nhất cũng hơn 6% nhưng bù lại GDP của họ là 2 con số. Việt Nam chưa đạt được GDP 8,5% nhưng lạm phát lên đến 12,63%.

Giáo sư Kenichi Ohno cũng nhấn mạnh rằng, không thể đổ lỗi hết cho giá dầu. Đây là vấn đề của cả thế giới nhưng các nước trong khu vực không có mức lạm phát cao như Việt Nam.

Tiến sĩ Nguyễn Khánh Long – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Thị trường Giá cả cũng cho rằng, yếu tố cơ bản gây nên lạm phát là “tiền nhiều”. Riêng kiều hối lên đến 5 tỷ USD thậm chí có thể lên đến 7,5 tỷ USD. Trong khi Nhà nước lại chủ động tăng dự trữ ngoại hối lên từ 13 – 20 tuần nhập khẩu. Hàng trăm ngàn tỷ đồng tung ra trong thời gian ngắn để hút USD đã gây tác động lớn đến tăng giá hàng hoá, dịch vụ.

“Trước đây, chỉ vài chục ngàn tỷ đồng tung ra đã đủ làm khuynh đảo thị trường, năm nay tung ra đến hàng trăm ngàn tỷ đồng là rất lớn đối với thị trường trong nước và tác động đến tăng lạm phát”, ông Long nói.

Giáo sư Kenichi Ohno, chuyên gia Diễn đàn Phát triển Việt Nam (VDF) trong khảo sát về bùng nổ nguồn vốn và lạm phát ở Việt Nam ước tính, có ít nhất 15 tỷ USD đã đổ vào Việt Nam trong năm 2007 từ các nguồn: dịch vụ (du lịch) 4,6 tỷ USD; vốn FDI giải ngân 2,2 tỷ USD; vốn vay ODA 1,8 tỷ USD, cổ phiếu và trái phiếu 2,5 tỷ USD…. và đây là nguyên nhân chính gây nên tình trạng lạm phát ở Việt Nam.

Ông Kenichi Ohno cũng cho rằng, có nhiều nước tiếp nhận rất lớn ngoại tệ nhưng vẫn cơ bản giữ được tỷ lệ lạm phát ở mức tương đối thấp. Vấn đề của Việt Nam là do chính sách quản lý tài chính, tiền tệ chưa hợp lý nên đã có mức lạm phát cao nhất trong các nước mới nổi ở Đông Á.

Các chuyên gia cũng cho rằng, yếu tố tiền tệ sẽ tiếp tục là nguyên nhân tác động dài hạn đến lạm phát ở Việt Nam. Ông Lai nhận định, dòng vốn tiếp tục đổ vào Việt Nam là điều không có gì phải hoài nghi. Như thế, nếu không có những thái độ rõ ràng từ đầu năm thì năm 2008 sẽ chứng kiến tình cảnh “na ná” như năm 2007. Tiến sỹ Nguyễn Thị Hiền, nguyên thành viên Ban cố vấn Chính phủ, cho rằng, có thể năm 2007 yếu tố nguồn vốn chưa tác động hết vì vốn mới vào nhưng đây là yếu tố có tác động dài hạn và Chính phủ cần có giải pháp thích hợp nếu không có thể dẫn đến khủng hoảng.

Với một cái nhìn dài hạn, ông Kenichi Ohno cho biết, Việt Nam dường như có tất cả các dấu hiệu của một nước tiếp nhận nhiều tiền mà không hấp thụ tốt: sự bùng nổ về xây dựng, tài sản, dự trữ ngoại tệ tăng, định giá cao tỷ giá hối đoái, lạm phát gia tăng…, và điều này làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát. Vì vậy, dòng vốn nước ngoài cần được kiểm soát đúng và điều chỉnh khi cần thiết nếu không muốn tình trạng khủng hoảng như đã xảy ra với nhiều nước trong khu vực.

1

Tuy nhiên, lạm phát năm 2007 có nguyên nhân chính từ nguồn cung tiền tệ năm 2007 quá lớn.  Đây là điểm cơ bản và đặc trưng của lạm phát năm 2007. (Ảnh: PH, LAD, HD, AFP)

Năm 2008, lạm phát sẽ thấp hơn?

Tiến sĩ Lê Quốc Lý, Vụ trưởng Vụ Tài chính – Tiền tệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra dự báo năm 2008, tăng trưởng kinh tế sẽ đạt 9% và chỉ số CPI tăng từ 7,5%-8%.

Theo ông Lý, năm 2008, Chính phủ sẽ có những giải pháp đối phó hiệu quả hơn với tăng giá và lạm phát. Các giải pháp quản lý chặt tổng phương tiện thanh toán, mức tăng trưởng tín dụng sẽ được phát huy. Bên cạnh đó cũng sẽ có những biện pháp đối phó với các tác động lớn bởi các yếu tố: giá dầu, sức ép tăng giá trên thị trường thế giới đối với Việt Nam.

Dự báo kém

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiền cho rằng, công tác dự báo của ta có vấn đề, mới chỉ là cảm tính, không có một dự báo đủ tin cậy, không có sự phối hợp giữa các cơ quan với nhau để có một dự báo tổng thể. Khi Bộ KHĐT thông báo dự kiến FDI năm 2007 có thể vượt 15 tỷ USD, nhưng các bộ, ngành không nhận thấy đây là một yếu tố tác động đến lạm phát để đưa ra giải pháp kiểm soát lạm phát chủ động hơn.

Công tác này cần được đầu tư tốt hơn. Cụ thể phải có những công cụ dự báo tốt, phối hợp chặt chẽ và Chính phủ cần có những trung tâm dự báo tầm quốc gia.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Thương mại, Dịch vụ và Giá cả, Tổng cục Thống kê cho rằng, CPI sẽ tiếp tục tăng cao, dự báo CPI 2008 bằng 108,2%-108,5% so với năm 2007.

Cùng một nhận định, ông Phạm Minh Thụy, Trưởng phòng Phân tích Dự báo giá cả thị trường, Viện Nghiên cứu Khoa học Thị trường giá cả đưa ra con số khác: chỉ số CPI tháng 12/2008 so với tháng 12/2007 sẽ ở mức 108,5%-109%. Cơ sở cho những nhận định này là nguồn vốn ngoại hối vào Việt Nam còn tăng nhanh; giá nhiều loại nguyên, vật liệu: xăng dầu, phân bón, phôi thép… trên thị trường thế giới chưa có dấu hiệu giảm; tình hình thiên tai, dịch bệnh phức tạp…

Ông Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế – xã hội Hà Nội lại cho rằng, lạm phát 2008 sẽ không còn tăng cao đột biến và có sự cải thiện đáng kể. Trước hết, giá cả thế giới sau khi tăng lên một mặt bằng mới sẽ đi vào giai đoạn ổn định. Trong khi đó, chính sách điều hành của Nhà nước cũng sẽ có những thay đổi hiệu quả hơn, cơ chế thị trường cạnh tranh sẽ hoàn thiện hơn là yếu tố tất yếu tác động đến giá cả trong nước đi vào ổn định. Vì vậy, mức 7,5% – 8% là hợp lý.

Tuy nhiên, rất nhiều chuyên gia lưu ý rằng, đà tăng giá năm 2007 sẽ tiếp tục vào những tháng đầu năm 2008, bên cạnh đó các yếu tố tâm lý như tăng lương, yếu tố thời vụ tết sẽ khiến cho Quí I/2008 chưa thể thoát khỏi vòng vây tăng giá.

Tiến sỹ Lý Minh Khải – Tổng cục Thống kê cho rằng, trong tháng 1 và tháng 2/2008, CPI sẽ tiếp tục tăng ở mức cao, thậm chí có thể tăng cao hơn mức trung bình của các tháng cùng kỳ năm trước do các áp lực tăng giá mạnh mẽ hơn. Rất có thể, cực đại của CPI năm nay sẽ rơi vào tháng 2. Vào tháng 3, giá cả sẽ dần ổn định trở lại và có thể giảm, đưa CPI quý I và cả năm dần đi vào ổn định.

Nguồn: VNN