Làm rõ khái niệm pháp nhân
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

 Xác lập quyền sở hữu từ thời điểm đăng ký lập thuế trước bạ

Đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, có một nguyên tắc khác của Luật Dân sự cần phải làm rõ, đó là nguyên tắc bất động sản và những tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký, việc chiếm hữu không suy đoán là sở hữu. Ông Lịch phân tích: Chẳng hạn một cái xe trong nhà anh không có nghĩa là của anh nếu anh chưa đăng ký với cơ quan nhà nước. Nhà anh đang ở chưa thể suy đoán là của anh nếu như anh không có đăng ký với Nhà nước. Theo ông Lịch, thời điểm xác lập quyền sở hữu phải là thời điểm đăng ký lập thuế trước bạ. “3 quyền đối với tài sản là chiếm hữu, sử dụng, định đoạt không thể có nếu không qua thủ tục nộp thuế trước bạ. Đó là nguyên tắc mà nếu phá bỏ sẽ gây rối loạn xã hội”- ông Lịch nhấn mạnh. 

Đồng quan điểm về việc thời điểm xác lập quyền sở hữu phải là thời điểm tài sản đó được đăng ký, đối với quy định bảo vệ quyền của người thứ ba ngay tình – Đại biểu Nguyễn Công Hồng (Đồng Nai) đề nghị, bổ sung cơ sở xác định ngay tình hay không. Theo ông Hồng, chúng ta không thể nói ngay tình đối với việc cố ý mua một tài sản chưa được đăng ký có thể là tài sản bị chiếm đoạt hoặc không minh bạch. Bởi nếu không rõ ràng thì chúng ta đang tiếp tay cho việc mua bán tài sản kiểu này.

Về quy định bảo vệ người thứ ba ngay tình, Đại biểu Lù Thị Lừu (Lào Cai) cho rằng, quy định như dự thảo Bộ luật chưa đảm bảo được quyền dân sự của công dân, xem nhẹ người chủ đích thực, nhất là những đối tượng giao dịch được lưu truyền nhiều đời cũng như việc bảo vệ hành vi trái pháp luật của cá nhân, cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc đăng ký tài sản là bất động sản hoặc động sản được đăng ký quyền sở hữu. Từ đó bà Lừu đề nghị: Trong trường hợp tài sản giao dịch là bất động sản hoặc động sản để đăng ký quyền sở hữu đã được chuyển giao bằng một giao dịch khác cho người thứ ba ngay tình, thì giao dịch với người thứ ba vô hiệu trừ trường hợp người thứ ba ngay tình có được tài sản này thông qua bán đấu giá theo đúng quy định của pháp luật, hoặc giao dịch với người mà theo bản án của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản.

Làm rõ quan hệ giữa các pháp nhân

Về các loại pháp nhân, dự thảo Bộ Luật quy định 2 loại pháp nhân cơ bản gồm Pháp nhân thương mại và Pháp nhân phi thương mại. Theo đó, Pháp nhân thương mại là pháp nhân hoạt động vì mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận; còn Pháp nhân phi thương mại là pháp nhân hoạt động không vì mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và không phân chia lợi nhuận cho các thành viên. 

Theo Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) chế định pháp nhân còn nhiều bất cập và cần được sửa đổi tuy nhiên dự thảo lần này không thay đổi cách tiếp cận so với Bộ Luật hiện hành về khái niệm pháp nhân, thậm chí quy định của dự thảo còn thiếu rõ ràng so với luật hiện hành. Ông Lộc cho rằng, chưa có đột phá nào trong dự thảo về khái niệm pháp nhân và do vậy tất cả những vướng mắc trên thực tế đã không được xử lý. Để giải quyết vấn đề này, ông Lộc đề nghị: Cần thay đổi cách tiếp cận theo hướng việc xác định tổ chức là pháp nhân hay không theo quy định cụ thể của pháp luật. 

Đồng quan điểm, Đại biểu Nguyễn Công Hồng (Đồng Nai) cũng cho rằng, dự thảo mới chỉ giải quyết mối quan hệ giữa pháp nhân cũ và pháp nhân mới khi hợp nhất, sáp nhập, chia tách và chuyển đổi mà chưa đề cập đến giải quyết mối quan hệ giữa pháp nhân cũ và pháp nhân mới đối với quyền và lợi ích đã được xác định trước thời điểm trên giữa các pháp nhân này đối với bên thứ ba. “Bộ Luật cần có nội dung khẳng định nguyên tắc việc hợp nhất, sáp nhập, chia tách, chuyển đổi pháp nhân không phải là việc chuyển quyền và lợi ích của bên thứ ba được xác lập trước thời điểm đó, trừ trường hợp có sự nhất trí của bên thứ ba. Điều này là hết sức quan trọng vì sẽ đảm bảo tính ổn định và mang tính chất dân sự”- ông Hồng nhấn mạnh.

Trong khi đó, Đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) đề nghị, cần làm rõ pháp nhân công và pháp nhân tư. Đối với pháp nhân công cần làm rõ hai loại: pháp nhân công quyền và pháp nhân phi công quyền. Trong đó, pháp nhân công quyền là các cơ quan chính quyền, Tòa án. Còn pháp nhân phi công quyền là những tổ chức xã hội như bệnh viện, trường học.

Theo Báo Điện tử Đại đoàn kết