Làm thế nào để ngăn chặn tình trạng khai thác đá thiếu an toàn???
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Những vụ tai nạn lao động xảy ra trong khai thác đá thường để lại hậu quả khôn lường. Việc khai thác đá ở các mỏ trông có vẻ bình thường, nhưng khi xảy ra mỏ sập, đá lăn là thế nào cũng có người chết và bị thương. Khi ấy, mỏ đá, trông như bãi chiến trường.

Liên tiếp cuối tháng 12-2007 và tháng 1-2008, đã xảy ra các vụ TNLÐ nghiêm trọng: Vụ Bản Vẽ (Nghệ An) làm chết 18 người; vụ Lèn Nây, thị trấn Hoàng Mai (Quỳnh Lưu, Nghệ An) làm chết ba người, bị thương bảy người; vụ núi Rú Mốc (Hà Tĩnh) làm chết bảy người; vụ núi Bèo (Hà Nam) làm chết ba người; vụ mỏ đá Hóc Trùm (Phú Yên) làm chết ba người… và sẽ còn nhiều vụ tai nạn thương tâm nữa xảy ra, nếu như chúng ta không nghiêm túc, hoặc lơ là trong công tác phòng ngừa, bảo đảm điều kiện làm việc an toàn của người lao động.
Buông lỏng công tác bảo đảm an toàn lao động
Từ Hà Nội về đến Hà Nam, xe chạy trên quốc lộ 1, nhìn sang bên phải là những dãy núi đá vôi chạy dài vào Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị… Núi đá nhiều thế, cũng là nguồn nguyên liệu cho các “nhà khai thác” đá ra đời và phát triển.

 
Nghề xây dựng làm việc
trên cao phải chú ý bảo đảm
an toàn lao động.

Hơn nữa, trong thời điểm hiện nay, ngành xây dựng và giao thông rất phát triển, cho nên sản phẩm đá rất hút hàng, khai thác ra bao nhiêu, thị trường cũng tiêu thụ hết. Vì thế, hồ sơ xin phép khai thác, sản xuất đá xây dựng ở các địa phương rất nhiều.
Rõ ràng, đây là một lĩnh vực sản xuất có tiềm năng phát triển và lợi nhuận cao. Thế nhưng, ở Ninh Bình gặp đồng chí Lê Ðức Mạnh, ở Thanh Hóa gặp đồng chí Mai Quang Lộc, đều phụ trách công tác thanh tra lao động, cả hai đều kêu rằng: Khi UBND cấp giấy phép cho các nhà khai thác, sản xuất đá, thanh tra lao động chúng tôi có bao giờ được hỏi ý kiến (chứ nói gì đến thẩm định) về công tác bảo đảm an toàn khi doanh nghiệp được phép sản xuất đâu?

Có thể nói rằng, chúng ta đã thực hiện cơ chế rất thoáng để doanh nghiệp ra đời, làm ăn và phát triển. Ðiều này không sai. Nhưng trong một số khâu, nhất là việc bảo đảm điều kiện làm việc an toàn cho người lao động lại buông lỏng quản lý. Chúng tôi được biết, ở Ninh Bình có 50 doanh nghiệp khai thác đá, ở Thanh Hóa, con số này là 300, nhưng khoảng 85-90% là doanh nghiệp tư nhân.
Chúng tôi không có ý phân biệt thành phần kinh tế nhà nước với kinh tế tư nhân trong lĩnh vực khai thác đá. Nhưng, ở đây, có một sự thật. Dù gì, doanh nghiệp nhà nước cũng được tổ chức một cách cơ bản, có đầy đủ các “phòng, ban” cần thiết, trong đó, không thể thiếu “Ban An toàn lao động”, chí ít cũng có một cán bộ phụ trách công tác an toàn lao động tại doanh nghiệp. Còn ở doanh nghiệp tư nhân thì sao? Chủ doanh nghiệp tư nhân là nhà đầu tư, đồng thời “kiêm” luôn là nhà sản xuất, kinh doanh, quan hệ đối tác, và đương nhiên kiêm luôn cả chức năng “bảo hộ lao động” của doanh nghiệp.
Chúng tôi đặt câu hỏi với một số cán bộ thanh tra lao động nhằm tìm hiểu nguyên nhân thật sự vì sao TNLÐ trong khai thác đá cứ liên tục xảy ra, dự báo TNLÐ trong thời gian tới như thế nào? Rất chân thành và câu trả lời cũng rất thẳng thắn (nhưng được đề nghị giấu tên) cho biết: Nguyên nhân chính, là buông lỏng công tác an toàn-vệ sinh lao động trong lĩnh vực khai thác, sản xuất đá, từ khâu thẩm định quy trình, thiết kế kỹ thuật để cấp phép, đến quản lý, kiểm tra quá trình khai thác.
Tất nhiên, muốn được cấp phép, họ không khó “vẽ” ra một hồ sơ thỏa mãn yêu cầu của các cơ quan tham mưu như tài nguyên và môi trường, công nghiệp, công an… Còn sau khi được cấp phép, họ có thực hiện đúng quy trình, kỹ thuật khai thác hay không lại là chuyện khác.
Nhưng, có một sự thật là: Cơ quan có chức năng và trách nhiệm trong việc thẩm định, giám sát công tác an toàn lao động là “thanh tra lao động” bị đặt ra ngoài cuộc. Vì thế, doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân không chịu sức ép của việc phải bảo đảm điều kiện làm việc an toàn cho người lao động, dễ tắc trách để xảy ra tình trạng không tuân thủ chặt chẽ quy trình kỹ thuật khai thác đá mà Nhà nước quy định.
Lợi nhuận làm “đổ” cả núi
Nếu khai thác đá theo quy trình, kỹ thuật mà Nhà nước đã quy định, nhà sản xuất phải khai thác theo kiểu “cắt tầng, phân lớp”, nghĩa là phải làm từ trên đỉnh xuống dần đến chân núi đá. Mỗi tầng khai thác phải “bạt” rộng ra, bóc lấy lớp đá này mới đến lớp khác. Làm theo quy trình này suất đầu tư trên một đơn vị sản phẩm hàng hóa thường lớn, sản lượng khai thác không nhiều, tốc độ ra “hàng” không nhanh, nhưng bảo đảm an toàn.
Xét trên góc độ kinh tế, nhà khai thác thường chọn cách làm “ăn xổi”: Thay vì khai thác từ trên cao xuống, họ khai thác từ dưới chân núi đá lên. Khoan lỗ, đặt mìn, cho nổ, tạo ra các “hàm ếch” và thuê lao động thủ công thời vụ để ra hàng. Làm như vậy mới bảo đảm có lợi nhuận, thu hồi được vốn. Chẳng thế mà trùng điệp, vững chãi như núi đá cũng phải đổ. Các thanh tra lao động địa phương cho chúng tôi biết: Các doanh nghiệp tư nhân thường chỉ thuê dài hạn một số lao động kỹ thuật cơ bản: như thợ khoan, thợ nổ mìn…

Nói là thợ “kỹ thuật”, nhưng thường các lao động này đều chưa qua đào tạo bài bản, phần lớn là “tay quen” do trưởng thành, lăn lộn từ các mỏ đá mà ra. Còn lại là lao động phổ thông, lao động nông nhàn, họ làm việc cho chủ với thời hạn không xác định, có thể dăm ba tuần hoặc một vài tháng. Công làm hiện nay của loại thợ “mùa vụ” này dao động từ 70 nghìn đến 100 nghìn đồng/ngày tùy theo tính chất công việc.

Bước đầu tìm hiểu nguyên nhân, cho thấy: Với tình trạng lao động như vậy, khó lòng họ được học, được huấn luyện về công tác bảo hộ lao động trong khi làm việc tại doanh nghiệp. Thật đáng tiếc, trong chuyến đi tìm hiểu, khảo sát các mỏ khai thác đá lần này, chúng tôi gặp thời tiết mưa phùn, gió rét, thợ phổ thông nghỉ việc vì sợ mưa ướt, đá trơn, dễ ngã; ở mỏ khai thác chỉ có vài cái máy xúc đá, xe tải chở đá là còn làm việc.
Chúng tôi đã đến tìm hiểu tình hình khai thác đá tại một số mỏ ở huyện Gia Viễn (Ninh Bình) và Ðông Sơn (Thanh Hóa). Lời đầu tiên người lao động ở các mỏ trên hỏi chúng tôi là liệu TNLÐ xảy ra nhiều thế, các mỏ đá có bị dừng khai thác hay không? Lạ chưa, họ lo nhất mỏ đá bị dừng khai thác, chứ không quá lo lắng phải làm việc trong điều kiện thiếu an toàn. Dừng khai thác, nghĩa là không còn việc làm, mất thu nhập.
Anh Hùng, làm việc ở mỏ núi Lấp (Ðông Sơn, Thanh Hóa) cho biết: Thu nhập của anh đạt 1,8 triệu đồng/tháng. Ăn uống cho cả nhà, chữa bệnh cho mẹ, tiền học cho con… tất tần tật đều trông vào khoản thu nhập này? Mất nó, gia đình anh sẽ lâm ngay vào cảnh nghèo khó. Chị Mai, lao động thời vụ ở một mỏ đá ở Gia Viễn (Ninh Bình) thì nói rằng, nhà nông bây giờ ít việc lắm, muốn có tiền chi tiêu, phải vào mỏ đá mà làm thôi.
Pháp luật về lao động đã “trao” cho người lao động quyền được từ chối làm việc ở nơi điều kiện làm việc nguy hiểm, độc hại, nhưng trên thực tế, họ không thể sử dụng quyền này, vì “cơm áo gạo tiền” buộc họ phải làm việc (trong bất kỳ điều kiện nào). Nhìn những khối đá nặng hàng chục tấn nằm treo bên rìa sườn núi đá mà sợ. Nói dại, nó mà lăn xuống thì thịt nát xương tan.
Mặt khác, cần thấy thêm rằng, trong điều kiện hiện nay, “biên chế” của thanh tra lao động ở trung ương và địa phương còn eo hẹp. Cả nước chỉ có 125 thanh tra lao động: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Bình Dương… số thanh tra lao động còn khá, mỗi nơi khoảng hơn mười người; các tỉnh, thành phố khác, mỗi địa phương chỉ có hai hoặc ba thanh tra lao động, cho nên việc thanh tra để chỉ ra các doanh nghiệp có nguy cơ để xảy ra TNLÐ là không nhiều, không thường xuyên.Có chuyên gia nước ngoài đã nói, với hơn 300 nghìn doanh nghiệp mà chỉ có 125 thanh tra lao động, thì một doanh nghiệp được thanh tra lần hai phải sau vài chục năm. Như thế, chúng ta đã hai lần buông lỏng công tác bảo đảm an toàn-vệ sinh lao động: Thẩm định phương án khi doanh nghiệp xin cấp phép, và thực hiện công tác quản lý, thanh tra, giám sát công tác AT-VSLÐ khi doanh nghiệp đi vào hoạt động.
Biện pháp khắc phục như thế nào?
Bức tranh toàn cảnh về AT-VSLÐ trong lĩnh vực khai thác khoáng sản (nhất là khai thác đá) hiện nay là: Với cả nghìn doanh nghiệp ở hàng chục tỉnh, thành phố bao gồm nhiều thành phần kinh tế, trong đó, doanh nghiệp tư nhân chiếm hơn 80%, có không ít đơn vị làm tốt công tác này, như quan tâm đầu tư và cải thiện điều kiện làm việc an toàn cho người lao động, nhưng cũng không thiếu doanh nghiệp chỉ chạy theo lợi nhuận, khai thác không đúng quy trình, quy chuẩn, không tuân thủ các nguyên tắc bảo đảm an toàn, để xảy ra nhiều TNLÐ nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người, gây thiệt hại tài nguyên thiên thiên, tài sản của Nhà nước và cộng đồng xã hội.
Chúng tôi cho rằng, việc trước mắt cần làm là thanh tra lao động ở trung ương phối hợp thanh tra lao động địa phương cần tổ chức đợt thanh tra đột xuất, “bóc tách” các doanh nghiệp làm tốt, làm xấu, bổ sung ngay các phương án và điều kiện bảo đảm sản xuất phải an toàn. Doanh nghiệp khai thác đá nào (qua thanh tra) phát hiện có nguy cơ để xảy ra TNLÐ phải dừng khai thác ngay lập tức để củng cố, hoàn thiện quy trình, kỹ thuật khai thác và bảo đảm an toàn mới cho sản xuất trở lại.
Về lâu dài, cần khắc phục ngay tình trạng buông lỏng khâu thẩm định phương án “bảo đảm an toàn” trong hồ sơ cấp phép mở doanh nghiệp khai thác đá; xem xét, bổ sung và hoàn thiện các giải pháp “bảo đảm an toàn” đối với các doanh nghiệp đã cấp phép và đang hoạt động; chấn chỉnh việc tuyển dụng nhân sự, yêu cầu người lao động được tuyển phải có nghề, được đào tạo, được hướng dẫn công tác bảo đảm AT-VSLÐ ở doanh nghiệp.
Trong tình hình thiếu trật tự, kỷ cương ở lĩnh vực khai thác đá hiện nay, rất cần thiết tăng cường đội ngũ thanh tra lao động ở trung ương và địa phương, nhất là những nơi có nhiều doanh nghiệp khai thác, để bảo đảm, nhà đầu tư đã bỏ vốn ra lập doanh nghiệp, bên cạnh việc thu lời, nhất thiết phải đầu tư cho việc bảo đảm điều kiện làm việc an toàn cho người lao động.
Nguồn: Báo Nhân dân