Lắng nghe Dân, dựa vào Dân 
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.
Với 4 nhiệm kỳ tham gia Quốc hội, trong đó có tới 15 năm hoạt động chuyên trách, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội, TS. BÙI SỸ LỢI chia sẻ, bài học sâu sắc nhất mà ông rút ra trong hành trình 20 năm là người đại diện của Nhân dân chính là phải dựa vào cử tri, vào Nhân dân và hệ thống thông tin truyền thông, báo chí. Chỉ có sâu sát, gắn bó với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, cả những ý kiến trái chiều thì đại biểu Quốc hội mới có thể đưa ra quyết định đúng đắn nhất.
<img alt="" src="” width=”250px” />
Ảnh: Thái Bình

Đưa chính sách vào cuộc sống, nhất là trong lĩnh vực an sinh xã hội rất phức tạp vì khi ban hành các chính sách đó, mong muốn chung của Đảng, Nhà nước là chăm lo an sinh xã hội cho người dân nhưng cái khó là cân đối được nguồn lực để thực hiện. Có khi Nhà nước đã quyết chính sách rồi nhưng nguồn lực ngân sách không thu được thì cũng rất khó khăn trong việc chi trả. Bài học kinh nghiệm trong hoạch định chính sách an sinh xã hội là cần phải linh hoạt. Có khi chính sách đã được quyết định rồi nhưng không có nguồn lực thì phải giải trình với người dân và xây dựng phương án lùi lại hoặc là thực hiện theo lộ trình.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội BÙI SỸ LỢI 

Nơi neo đậu tình cảm chân thành, ấm áp

– Nhiệm kỳ Quốc hội XIV là nhiệm kỳ thứ tư liên tiếp ông làm đại biểu Quốc hội. Nhìn lại hành trình này, ông có cảm xúc như thế nào?

– Nhiệm kỳ Quốc hội XIV là nhiệm kỳ thứ 4 và cũng là nhiệm kỳ cuối cùng tôi làm đại biểu Quốc hội. Thực tiễn sinh động trong hoạt động Quốc hội đã cho tôi cơ hội trải nghiệm và đóng góp cho sự nghiệp dân cử trên cả ba chức năng cơ bản của Quốc hội: lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Công việc tuy rất bộn bề nhưng luôn cuốn hút tôi say sưa nghiên cứu, cống hiến.

Tôi cảm thấy may mắn và hạnh phúc khi có những người đồng nghiệp, đồng chí, có anh, chị em kề vai sát cánh bên nhau, chia sẻ, động viên để cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ. Với tôi, Quốc hội là nơi neo đậu những tình cảm chân thành, ấm áp. Nhiều thế hệ cán bộ đã trưởng thành và đang tiếp nối truyền thống tốt đẹp của Quốc hội – “Đoàn kết, thống nhất, đổi mới, sáng tạo và chia sẻ”. Điều đọng lại sâu sắc nhất trong trái tim tôi chính là tình cảm thắm thiết giữa bạn bè đồng nghiệp, để mỗi khi nhớ về những tháng ngày hoạt động trong Quốc hội, nhớ về những gương mặt của đồng nghiệp là thấy ấm lòng.

Những năm tháng gắn bó với sự nghiệp dân cử để lại cho tôi nhiều bài học sâu sắc. Trước hết, mọi thành công đều xuất phát từ tinh thần đoàn kết, thương yêu, hỗ trợ và chia sẻ của anh chị em, bạn bè, đồng nghiệp và cử tri. Thành công cũng bắt nguồn từ tổ chức bộ máy hợp lý, khoa học, bố trí đúng người đúng việc. Sự đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ dám làm nhưng cũng phải bảo đảm nguyên tắc kỷ cương và tuân thủ pháp luật; gần dân, gắn bó với Nhân dân và chia sẻ với cộng đồng cũng là những tố chất tạo nên thành công của người làm đại biểu dân cử.

Gắn bó với cử tri, gần gũi với báo chí

– Với 20 năm làm đại biểu Quốc hội, trong đó có 15 năm làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội, có thể thấy, ông luôn trăn trở, đau đáu với hệ thống an sinh xã hội, với người nghèo, người yếu thế trong xã hội?

– Đúng vậy. Có thể nói rằng, việc nghiên cứu, hoàn thiện chính sách, pháp luật về hệ thống an sinh xã hội của đất nước, về lao động, việc làm, tiền lương, xóa đói giảm nghèo, bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) cho người dân… là mối quan tâm hàng đầu trong hoạt động của tôi tại Quốc hội với mong muốn phải bảo đảm được quyền lợi của người dân trên cơ sở hài hòa lợi ích của các bên: Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Phát biểu, nghiên cứu chính sách xã hội khác với phát biểu, nghiên cứu các chính sách về kinh tế hay khoa học kỹ thuật bởi kinh tế, khoa học kỹ thuật thì có chuẩn mực nhưng chính sách xã hội thì không chỉ là vấn đề khoa học mà nó còn là vấn đề xã hội, nhân văn; phải gắn với thực tiễn đời sống Nhân dân, bảo đảm được dân chủ, công bằng, hiệu quả và văn minh.

– Theo ông điều quan trọng nhất giúp ông làm tốt vai trò đại biểu Quốc hội là gì?

– Bài học sâu sắc nhất mà tôi rút ra trong 20 năm làm đại biểu Quốc hội của mình chính là phải dựa vào cử tri, Nhân dân và hệ thống thông tin truyền thông, báo chí.

Chỉ có sâu sát, gắn bó với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của cử tri và Nhân dân, cả những ý kiến trái chiều thì đại biểu Quốc hội mới có thể đưa ra quyết định đúng đắn nhất. Không có chính sách hay định hướng mới nào khi đưa ra đều được 100% người dân ủng hộ mà người đại biểu dân cử phải lựa chọn phương án chung nhất, tối ưu nhất phục vụ lợi ích cho số đông cử tri và Nhân dân, nhất là trong quá trình ra quyết định. Việc gắn bó, sâu sát với thực tiễn khiến đại biểu tăng thêm sự đồng cảm, thấu hiểu, chia sẻ với Nhân dân. Thông qua các hoạt động tiếp xúc cử tri; thăm, tặng quà cho các đối tượng chính sách, người có công, bà mẹ Việt Nam Anh hùng, người nghèo, người khuyết tật; cùng ngồi xuống với họ để nói chuyện, ăn cùng, uống cùng, sinh hoạt cùng họ giúp tôi nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của người dân, biết được họ đang khó cái gì, cần cái gì, mong muốn gì… Làm chính sách là để cho dân. Muốn làm chính sách cho dân thì phải hiểu dân và lắng nghe ý kiến phản hồi từ Nhân dân. Nếu chính sách đã ban hành rồi mà không đi vào cuộc sống hoặc có khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thì đại biểu Quốc hội phải lắng nghe phản hồi và kịp thời kiến nghị sửa đổi.

Cùng với đó, tôi luôn cởi mở, gần gũi với báo chí bởi muốn dựa vào hệ thống báo chí quanh mình để tuyên truyền, vận động chính sách, nhằm huy động sự ủng hộ của người dân đối với các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ví dụ, trong quá trình tham vấn công chúng về dự thảo Bộ luật Lao động năm 2019, tôi thường xuyên xuất hiện trên báo chí, say sưa trò chuyện với người lao động, thậm chí chat thâu đêm suốt sáng với những người quan tâm tới Bộ luật này nhằm đi đến chân lý trong các vấn đề được thảo luận như là tại sao tăng tuổi nghỉ hưu, không tăng giờ làm thêm? Tại sao phải nâng mức đóng BHXH và không nên hưởng BHXH một lần?… Hay trong vấn đề cải cách tiền lương, tôi muốn thông qua hệ thống truyền thông báo chí để giải thích các quan điểm, tư tưởng của Nhà nước về cải cách chính sách này, rồi làm trung gian cho các bên về vấn đề thỏa thuận tiền lương tối thiểu vùng, phân tích lý lẽ để các bên đồng thuận với nhau về vấn đề tại sao lại tăng 7% mà không phải là 8%, tại sao năm nay chỉ tăng 5 – 6 % hoặc tại sao năm 2021 lại không tăng…

Hạnh phúc và thanh thản

– Hoạt động dân cử vốn đã rất bận rộn nhưng ông vẫn dành thời gian, công sức và cả tiền bạc cho các hoạt động từ thiện. Ông có thể chia sẻ cơ duyên và quá trình làm từ thiện của mình?

– Những năm 80 của thế kỷ trước, khi tôi ra trường và công tác tại quê nhà Thanh Hóa, khi đó rất nghèo khó, tôi đã nung nấu ý định và nghiên cứu hình thức xây nhà tình nghĩa đầu tiên cho bà mẹ Việt Nam Anh hùng ở một xã miền núi của tỉnh. Sau khi thực hiện thành công dự án này, tôi thấy việc làm này không chỉ có ý nghĩa thiết thực trong đền ơn đáp nghĩa các bà mẹ Việt Nam Anh hùng mà còn tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, vì vậy tôi tiếp tục ấp ủ những dự định tiếp theo.

Cơ duyên đến với tôi khi Bà Cherie Clark, Giám đốc Quỹ Hy vọng thế giới, nhận tôi như là một cậu em trai, mỗi tháng hỗ trợ cho tôi 1.000 USD để làm từ thiện trong 3 năm liên tục, chỉ với một yêu cầu là tôi phải đến trực tiếp giúp đỡ chia sẻ với các gia đình bị hoạn nạn. Tôi luôn tâm niệm, làm từ thiện, nhân đạo là phải từ tấm lòng và không có bất kỳ lợi ích nào cho bản thân.

Dần dần sau này tôi dành tất cả nguồn thu nhập từ việc đi thuyết trình, giảng dạy, nghiên cứu khoa học, làm đề tài khoa học cấp nhà nước, cấp bộ… cho các hoạt động từ thiện. Rất nhiều người thấy tôi làm từ thiện đã chủ động liên lạc với tôi và tự nguyện tham gia cùng tôi làm việc thiện. Niềm tin của họ dành cho tôi là tuyệt đối và điều quan trọng nhất là các tổ chức, cá nhân đều hướng thiện với một tấm lòng trân trọng, yêu thương và chia sẻ. Tấm lòng nhân ái ngày càng lan tỏa và số người tham gia vào các chương trình từ thiện của chúng tôi ngày càng đông hơn.

Từ năm 2017, tôi bắt đầu sáng lập chương trình “ngân hàng bò” nhằm giúp đỡ các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn phát triển chăn nuôi, từng bước vươn lên thoát nghèo. Đến bây giờ, chương trình hoạt động ổn định và phát triển tương đối bền vững, với hơn 600 con bò đang sinh sôi nảy nở. Tiếp đó, tôi khởi xướng chương trình Ngày chủ nhật yêu thương, với sự tham gia của các cán bộ, viên chức, người lao động trong Văn phòng Quốc hội, Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội và Vụ các vấn đề xã hội chủ trì với nhiều tổ chức, cá nhân tham gia. Đến nay, chương trình này đã bước sang năm hoạt động thứ 4.

Gia đình tôi cũng rất ủng hộ việc tôi làm từ thiện. Vợ và các con tôi cũng ủng hộ tiền để tôi làm từ thiện. Việc thực hiện các hành động đền ơn đáp nghĩa, giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn khiến tôi cảm thấy hạnh phúc và thanh thản, mà qua đó còn giúp tôi giáo dục con cái về cách sống tình nghĩa, sẻ chia với mọi người.

– Xin trân trọng cảm ơn ông!