Lao động sau tết: Bức tranh nhiều mảng tối
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Những mảng sáng hiếm hoi…

Đi một vòng các khu công nghiệp trong TP.HCM, các bảng tuyển dụng vẫn treo với những lời mời gọi như lương từ 1,2 đến 1,6 triệu, có nhà lưu trú, không đòi hỏi trình độ học vấn, tay nghề… Tuy vậy, bảng treo thì vẫn treo, “nhưng cũng không thấy lao động nào đến đọc”, theo lời bảo vệ một công ty tại khu công nghiệp Lê Minh Xuân. Công ty này treo bảng tuyển dụng với mức lương tối thiểu là 1,3 triệu đồng/tháng, có hỗ trợ chỗ ở và có lương tháng 13.

Theo ông Lê Văn Khanh, Trưởng Ban quản lý khu công nghiệp Lê Minh Xuân, hiện đa số các công ty trong khu công nghiệp vẫn hoạt động bình thường và nhiều doanh nghiệp vẫn đang có đơn hàng để thực hiện. Do đó, công ty vẫn phải tuyển dụng thêm lao động vì sau khi nghỉ tết, nhiều công nhân đã không quay lại làm việc.

Tại nhiều công ty có mức thưởng tết cao, mức lương ổn định, và có đơn hàng cho đến hết quí 2/2009 thì biến động lao động là không đáng kể. Ở một doanh nghiệp dệt may lớn, lượng lao động biến động là 30 người trong tổng số lao động trên 5.000 người. Chủ tịch công đoàn công ty này cho biết, mức thưởng tết bằng 2,5 tháng lương cùng với mức lương tối thiểu là 1,6 triệu là lý do giữ được chân công nhân.

Khác biệt với những năm trước, dù tìm mọi cách vẫn không có được công nhân thì năm nay ngày nào trước cửa phòng tổ chức lao động tiền lương của công ty này cũng có người xếp hàng chờ đến lượt. Cũng vì lượng lao động xin vào đông như thế nên công ty đã đưa ra tiêu chuẩn tuyển dụng cao hơn như có tay nghề, có kinh nghiệm làm ngành may để chọn lọc lại.

Hiện tại Liên đoàn lao động TP.HCM cũng đang nhận được nhiều thông báo đề nghị tiếp nhận lao động mất việc của nhiều doanh nghiệp. Tập đoàn Dệt may Việt Nam cũng đang có kế hoạch nhận khoảng 10.000 công nhân mất việc, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Ủy viên thường vụ công đoàn của tập đoàn cho biết.

…và màu tối nổi bật

Theo ông Trương Lâm Danh, Phó chủ tịch Liên đoàn lao động TP.HCM, thành phố đã có hơn 19.000 người mất việc, 135 doanh nghiệp giải thể và thu hẹp sản xuất. Tại hai tỉnh có nhiều khu công nghiệp là Đồng Nai và Bình Dương cũng đang đối diện với tình hình công nhân mất việc. Trong đó, Đồng Nai đã có đến hơn 8.500 công nhân bị sa thải, Bình Dương có trên 5.000 lao động mất việc.

Tại nhiều công ty trong khu công nghiệp Việt Nam- Singapore, chuyện giảm lương đã trở nên phổ biến. Một số công ty đang thực hiện chính sách cho công nhân nghỉ thêm ngày trong tuần để giảm bớt tiền trả lương. Còn tại khu công nghiệp Biên Hòa 1, các doanh nghiệp điện tử, sản xuất lốp xe ô tô đã cho công nhân ngừng việc khá nhiều, chủ yếu là thu hẹp sản xuất.

Chị Thu, một công nhân của Công ty điện tử Sanyo cho biết công ty này đã cắt giảm 1.000 người lúc cận tết. Trong lộ trình sắp tới, công ty còn có thể tiếp tục cắt giảm thêm, chị Thu cũng đang lo lắng không biết khi nào thì đến lượt mình.

Cách đây vài ngày, tại khu công nghiệp Lê Minh Xuân, Công ty Hùng Mẫn, một công ty chuyên về wash hàng jean cho các công ty khác, đã tuyên bố đóng cửa. Trước đó, tháng 10/2009, Hùng Mẫn đã giảm bớt một xưởng sản xuất, cố cầm cự xưởng còn lại cho đến ngày 10/2 thì vì không có cách nào để xoay xở đơn hàng nên công ty đã tuyên bố đóng cửa.

Tại Công ty may Phương Đông, một trong những công ty may khá lớn trong Tập đoàn Dệt may Việt Nam, cũng đã bắt đầu đối diện với khó khăn. Tại một xí nghiệp của công ty, công nhân vẫn chưa vào làm trở lại vì không có đơn hàng. Còn ở Công ty dệt Việt Thắng, những cuộn vải được dệt xong chất đầy kho, không tiêu thụ được. Công nhân của công ty này cũng đang chuẩn bị đối diện với khó khăn.

Tết vào, rất nhiều xưởng gia công nhỏ tập trung tại khu vực quận Tân Bình và Tân Phú đã bán máy móc, trả lại mặt bằng, đa phần công nhân tại khu vực này đã phải trở về quê, tiếp tục công việc nhà nông.

Tình hình cắt giảm lao động sẽ vẫn tiếp tục diễn ra, theo dự báo của liên đoàn lao động TPHCM thì đã có 99 doanh nghiệp thông báo tình hình khó khăn và có thể sẽ sa thải thêm hơn 6.000 lao động trong thời gian tới.

Ông Lâm Duy Tín, Phó giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai thì cho biết, sở này sẽ cập nhật hàng ngày con số mất việc để hỗ trợ người lao động trong việc tìm kiếm việc làm mới. Ông Tín cũng cho biết, dự báo, trong những ngày tới, tình trạng mất việc tại Đồng Nai sẽ xảy ra trầm trọng hơn.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online