Lao động xuất khẩu sẽ mang về 2 tỉ đô la
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Trong năm 2007, cả nước đã đưa khoảng 85.000 lao động đi xuất khẩu, vượt 6,3% so với chỉ tiêu. Đứng đầu là thị trường Malaysia với khoảng 26.700 lao động; kế đến là Đài Loan 23.600 lao động, Hàn Quốc khoảng 12.200 lao động và một số nước khu vực Trung Đông. Tổng số ngoại tệ người lao động ngoài nước tích lũy chuyển về được hơn 1,7 tỉ đô la Mỹ.

Trao đổi với  báo chí, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, cho biết các nước Trung Đông như Qatar, Oman và Baranh là những nước đang cần nhiều lao động Việt Nam nhất trong năm 2008, ước khoảng trên 50.000 lao động.

Theo ông Quỳnh, trong hai tháng đầu năm nay, số lượng lao động xuất khẩu không nhiều do nhằm thời điểm Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, dự báo số lượng lao động xuất khẩu đi các nước khu vực Trung Đông sẽ tăng cao kể từ đầu quí 2, đặc biệt là Quatar sẽ cần trên 21.000 lao động.

Theo ông Quỳnh, lao động Việt Nam tại Trung Đông được đánh giá là thông minh, cần cù, cơ bản đáp ứng được yêu cầu công việc nhưng họ vẫn còn hạn chế về trình độ ngoại ngữ và kỷ luật lao động.

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp xuất khẩu lao động cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các trường dạy nghề trong khâu đào tạo nghề, đặc biệt là các nghề có thu nhập cao bên cạnh tăng cường đào tạo ngoại ngữ và giáo dục ý thức kỷ luật lao động trước khi đưa lao động sang làm việc tại các nước. Định hướng đến năm 2010, Việt Nam sẽ tăng tỉ trọng xuất khẩu lao động có tay nghề và trình độ cao đạt khoảng 70%.

Công bố của tổ chức ActionAid International, một tổ chức quốc tế về chống đói nghèo hoạt động tại hơn 40 quốc gia, tại hội thảo ở Hà Nội ngày 18-1, cho thấy hiện có 57% lao động xuất khẩu Việt Nam mắc nợ do phải chi trả nhiều chi phí tuyển dụng và xuất cảnh để được ra nước ngoài làm việc, nhiều nhất là tại Philippines, chiếm 73%.

Ngoài ra, 88% lao động Việt Nam phải làm thêm ngoài giờ để trả nợ. Theo tổ chức này, tỷ lệ nữ lao động xuất khẩu của Việt Nam, hiện là 45%, có xu thế gia tăng và đó là đối tượng lao động phổ thông dễ bị phân biệt đối xử và lạm dụng.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online