Lắp đặt “hộp đen” cho kinh doanh vận tải : DN sợ lộ bí mật
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

GPS có tính năng ghi liên tục, lưu giữ và truyền phát qua mạng Internet về máy chủ của DN để lưu trữ theo quy đinh những thông tin tối thiểu về quá trình khai thác và vận hành của phương tiện vận tải, như: tốc độ xe chạy, lượng nhiên liệu, số lần dừng đỗ, mở cửa xe…

Theo quy định tại Điều 67 “Điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô” của Luật Giao thông đường bộ năm 2008; Nghị định 91/2009/NĐ-CP – ngày 2/10/2009 và Thông tư “Quy định về việc kiểm tra chất lượng thiết bị giám sát hành trình của xe ôtô” từ ngày 1/7/2011, tất cả ôtô kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa có cự ly tuyến trên 500 km bắt buộc phải lắp đặt hộp đen – thiết bị giám sát hành trình (GPS).

Nhiều khó khăn bất cập

Theo Cục Đăng kiểm, VN hiện nay có khoảng 300 xe vận tải và vận tải hành khách công cộng nằm trong “diện” bắt buộc phải lắp đặt hệ thống thiết giám sát hành trình. Trên thực tế, để kịp thực hiện quy định này thì các DN phải hoàn tất kế hoạch tài chính, mua sắm thiết bị, lắp đặt và chạy thử theo ý kiến của nhà sản xuất hộp đen. Tuy nhiên, kế hoạch nêu trên khó lòng xong đúng thời điểm 1/7/2011.

Bà Nguyễn Thị Thuỷ – Chủ tịch HĐQT Cty cổ phần Duy Minh – đơn vị chuyên cung ứng thiết bị giám sát hành trình, được Bộ GTVT mời tham gia làm thành viên soạn thảo các quy định liên quan đến hộp đen cho biết: “Trên thực tế, phải qua tất cả các khâu kiểm tra của các đơn vị nêu trên thì mới cho ra đời sản phẩm đạt chuẩn, DN SX mới được phép bán ra thị trường và DN vận tải mới dám mua về để lắp đặt trên ôtô của mình. Các quy định về hộp đen đạt chuẩn đã có nhưng chưa nêu đích danh đơn vị nào được kiểm tra và cấp giấy chứng nhận”. Cũng theo bà Thủy: “Chúng tôi lo lắng không biết có sản xuất kịp thời điểm 1/7 vì đối tượng bắt buộc phải lắp đặt GPS quá lớn, không biết Bộ GTVT có tính tới phương án lùi thời gian áp dụng hay không…”.

Ngoài ra, nhiều DN bày tỏ lo ngại về độ chuẩn của các sản phẩm GPS trên thị trường hiện nay. Ông Nguyễn Quốc Mạnh – Chủ tịch HĐQT, GĐ Cty CP vận tải ôtô Điện Biên than thở: “ Hầu hết các DN vận tải ôtô của tỉnh là DN vừa và nhỏ điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, việc đầu tư lắp đặt GPS cần một khoản tiền lớn nên cần có lộ trình để chuẩn bị”. Đồng quan điểm với DN, Tiến sĩ Khuất Việt Hùng – GĐ Trung tâm hợp tác quốc tế trường Đại học GTVT cho biết: “Vấn đề nằm ở văn bản luật, hiện chưa thấy có văn bản nào quy định về tính bảo mật thông tin cho DN. Mặt khác, hạ tầng thông tin dữ liệu của VN chưa đáp ứng được nhu cầu hiện nay, giả sử DN muốn kiện cơ quan quản lý nhà nước vì để lộ những thông tin dữ liệu của họ thì DN phải làm cách nào ?”

Lợi có lợi nhưng…

Ông Lưu Huy Hà – Chủ tịch HĐQT – GĐ Cty CP KD XNK du lịch và vận tải Hoàng Hà chia sẻ: “Hoàng Hà hiện có gần 300 đầu xe các loại và đều được lắp đặt GPS. Chi phí đầu tư GPS ban đầu cao nhưng sau một thời gian áp dụng chúng tôi đã thu hồi được vốn, giảm được nhân công, quản lý doanh thu tốt hơn trước, giảm lực lượng thanh tra đã kéo theo giảm tiền lương tháng phải chi trả, kiểm soát được an toàn giao thông… Tuy nhiên, hiện mạng cơ sở viễn thông VN còn thấp, cơ sở dữ liệu chuẩn (bản đồ số) vẫn chưa có nên chúng tôi quan ngại về tính bảo mật thông tin. Để giải quyết được khó khăn này, chúng tôi rất hi vọng những cơ sở pháp lý liên quan đến vấn đề này sớm hoàn thiện và đưa vào áp dụng”. Còn bà Đinh Thị Nhì – GĐ Cty TNHH dịch vụ ôtô Việt Hàn -một đơn vị cung ứng GPS lại cho rằng: ở VN thị trường GPS thiếu sự kết nối, thiếu giải pháp đáp ứng nhu cầu sử dụng của DN vận tải trong nước, nhất là DN nhỏ nên cung – cầu chưa gặp nhau.

Về lâu dài các DN cần có một hệ thống máy chủ tiếp nhận và xử lý dữ liệu GPS. Tuy nhiên giải pháp trước mắt là mỗi DN chỉ cần thuê đường truyền và lắp đặt số hộp đen trên xe theo đúng số xe cần sử dụng, tránh được đầu tư dàn trải và đỡ tốn kém.

Khắc Lãng
Nguồn: Báo Điện tử Diễn đàn doanh nghiệp