Lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Tránh “siêu nghị định”
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Phóng viên: Thưa ông, sau một tháng kể từ khi chính thức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), những vấn đề nào nhận được nhiều góp ý hơn cả?

* Ông LÊ THANH KHUYẾN:
 Qua tổng hợp từ các hội nghị, hội thảo và thông tin báo chí của chúng tôi, nhóm vấn đề về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất được khá nhiều người dân quan tâm, trong đó tập trung vào nguồn gốc đất được bồi thường, các chính sách hỗ trợ, bố trí tái định cư nhằm bảo đảm ổn định cuộc sống lâu dài cho người có đất bị thu hồi… Và giá đất cũng vậy, để khắc phục những vướng mắc, bất cập trong quá trình vận hành các quy định về giá đất theo Luật Đất đai 2003, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi lần này đưa ra 2 phương án:

Phương án 1, bảng giá đất sử dụng cho tất cả mục đích, có cập nhật khi giá đất thị trường có biến động tăng hoặc giảm 20% liên tục trong thời gian từ 60 ngày trở lên.

Đối với phương án 2, đây là phương án đang được nhiều nước thực hiện, theo đó bảng giá đất áp dụng cho mục đích thu thuế, phí, lệ phí quy định ổn định trong 5 năm; việc bồi thường, tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước giao, cho thuê đất, xác định giá trị quyền sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước sẽ xác định giá đất cụ thể. Như ở Hàn Quốc, một nước có nền kinh tế thị trường phát triển, giá đất do nhà nước quy định cũng không phải là hoàn toàn theo cơ chế thị trường mà chỉ bằng khoảng 80% – 85% giá thị trường và áp dụng cho một số mục đích liên quan đến quyền lợi của người dân. Các ý kiến đóng góp còn khác nhau về vấn đề này, có ý kiến thiên về phương án 1, có ý kiến lại ủng hộ phương án 2. 

* Ngoài những vấn đề trên, khi Quốc hội cho ý kiến tại hội trường về dự án luật cũng còn một số vấn đề khác, đơn cử như thẩm quyền thu hồi đất hay có bắt buộc phải công chứng các giấy tờ giao dịch về đất đai hay không?

* Đúng vậy, còn một số vấn đề khác, nhưng những ý kiến phản biện hầu hết đã được xử lý. Nói chính xác thì dự án luật đã được chuẩn bị từ năm 2010, sau quá trình tổng kết đầy đủ, công phu từ cấp cơ sở lên chứ không phải mới bắt đầu tiếp nhận các ý kiến đóng góp từ hơn một tháng qua. Trong suốt quá trình xây dựng dự án luật, chúng tôi đã luôn lắng nghe, nghiên cứu tiếp thu nhiều ý kiến góp ý, qua hàng loạt cuộc hội thảo được tổ chức ở khắp các vùng miền, cũng như qua các ý kiến góp ý bằng thư điện tử, thư gửi trực tiếp của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý, người dân và doanh nghiệp.

* Tại phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, ông rất quan tâm đến việc cần có bao nhiêu văn bản hướng dẫn thi hành luật này. Nếu dự thảo hiện nay được phê duyệt thành luật, liệu có cần đến những “siêu nghị định” như đã từng có hay không?

* Tiếp thu ý kiến Chủ tịch Quốc hội, cơ quan soạn thảo đã phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và các ủy ban của Quốc hội để cụ thể hóa tối đa các nội dung của luật; tránh việc sau khi ban hành luật phải ra nhiều nghị định. Tuy nhiên, với một luật lớn, phức tạp như Luật Đất đai, chúng tôi cho rằng vẫn cần phải có những văn bản hướng dẫn. Cụ thể là một số nghị định như: Nghị định hướng dẫn thi hành luật; về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; về nguyên tắc, phương pháp định giá đất và khung giá đất và về bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Các nghị định này đã được cơ bản xây dựng xong; cố gắng để khi luật có hiệu lực thì có thể thực thi được ngay.

* Liệu người dân bình thường có thể hiểu và giám sát được việc áp dụng luật này không, thưa ông? Vì thực tế đã có những phàn nàn rằng pháp luật đất đai hiện nay “vận dụng cách nào cũng được”? 

* Khi soạn thảo, chúng tôi đã cố gắng tối đa nhằm đảm bảo yêu cầu cụ thể nhất để những người dân bình thường có thể đọc, hiểu, thi hành và giám sát được việc thực thi luật. 

* Theo chương trình xây dựng pháp luật, sau khi lấy ý kiến nhân dân, bao giờ dự thảo được trình Quốc hội thông qua và nếu được thông qua thì khi nào có hiệu lực?

* Sau khi tập hợp đầy đủ ý kiến đóng góp về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), vào cuối tháng 4, Chính phủ sẽ thảo luận, cho ý kiến về dự thảo. Trước ngày 10-5, Chính phủ sẽ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả đóng góp của nhân dân về dự thảo, kèm theo dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Chính phủ chỉnh lý, hoàn thiện theo các ý kiến góp ý và sau khi được Thường vụ góp ý, dự thảo sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 5. Nếu được thông qua, luật mới dự kiến có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2014.

* Cảm ơn ông!

Về tiếp thu ý kiến nhân dân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Mạnh Hiển cho biết: “Hiện nay, bộ đã thành lập một tổ chuyên môn nhằm thu nhận và tổng hợp các thông tin góp ý của nhân dân từ các nguồn trên để xử lý. Tổ chuyên môn sẽ làm nhiệm vụ tổng hợp các thông tin góp ý của nhân dân và phân loại thành từng nhóm vấn đề. Trong đó sẽ gồm những vấn đề nào đã được xử lý, chưa được xử lý và vấn đề nào sẽ được tiếp thu để sửa đổi luật. Những vấn đề chưa thể hiện trong luật sẽ được giải trình rõ”…

ANH THƯ thực hiện
Nguồn: Báo Sài Gòn Giải phóng