Lấy ý kiến góp ý dự thảo VBQPPL: Công khai và xây dựng chính sách
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Nhiều ý kiến xác đáng đã được tiếp thu

Từ góc độ của cơ quan xây dựng dự thảo văn bản pháp luật, bà Lê Minh Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Công chức – Viên chức, Bộ Nội vụ cho biết: qua Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Vụ đã nhận được nhiều ý kiến góp ý của người dân đối với một số văn bản mà Vụ được Bộ giao dự thảo. Đơn cử, dự thảo Nghị định về chế độ phụ cấp công vụ sau 2 tháng đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Vụ đã nhận được gần 100 ý kiến tâm huyết của người dân.

Các ý kiến đó đã phản ánh rất rõ tâm tư, tình cảm, sự quan tâm của người dân. Nhiều ý kiến xác đáng, có giá trị. Với tư cách là đơn vị được giao dự thảo, Vụ trân trọng tất cả các quan điểm đã chia sẻ.

Bà Hương cho biết: Tất cả những ý kiến góp ý của độc giả đều được Vụ nghiên cứu, lựa chọn và tiếp thu. Không ít những ý kiến xác đáng của độc giả đã cung cấp nhiều thông tin hữu ích, giúp Vụ hoàn thiện dự thảo trình cấp có thẩm quyền ban hành.

Bà Hương chia sẻ, ý kiến của độc giả là một trong những yếu tố quan trọng, giúp cho văn bản sau khi được thông qua sẽ có tính khả thi cao hơn. Bởi vì, một văn bản có ý kiến góp ý của đông đảo nhân dân, nghĩa là văn bản đó hạn chế được suy nghĩ chủ quan, áp đặt từ phía nhà quản lý, văn bản đã có sự đồng thuận cao giữa chính quyền và nhân dân… đương nhiên sẽ có nhiều thuận lợi và dễ dàng đi vào cuộc sống.

Tuy vậy, vẫn còn dự thảo sau khi đăng tải chưa nhận được nhiều thông tin phản hồi. Nhưng đây cũng là cơ hội để công khai, minh bạch chủ trương, chính sách của Nhà nước, để người dân được biết, được bày tỏ ý kiến, được tham gia xây dựng chính sách,… và đó cũng là yêu cầu tất yếu của công cuộc xây dựng một nền hành chính công khai, minh bạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả.

Cùng quan điểm với bà Hương, ông Nguyễn Trọng An – Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết: Thông qua Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em đã nhận được phản hồi rất nhanh chóng, có chất lượng đối với nhiều dự thảo, như: Chương trình Quốc gia về Bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011-2015; Chương trình phòng chống Tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2011-2015; Chính sách hỗ trợ phẫu thuật tim cho trẻ em bị tim bẩm sinh; Chính sách cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi…

Các ý kiến góp ý của nhân dân gửi qua Cổng Thông tin điện tử Chính phủ là những ý kiến tâm huyết thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến trẻ em. Ban soạn thảo rất trân trọng những ý kiến góp ý xác đáng, đồng thời, rất xúc động trước mong muốn của độc giả, mong chính sách cho những em nhỏ khó khăn sớm được áp dụng.

Lợi ích thiết thực nhiều mặt

Bà Trần Thị Hảo, cán bộ Học viện Báo chí và Tuyên truyền đánh giá: Việc tổ chức lấy ý kiến của người dân vào dự thảo văn bản pháp luật trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ nói riêng cũng như trên các website của các cơ quan chức năng nói chung thực sự mang lại lợi ích thiết thực về nhiều mặt đối với đời sống chính trị, xã hội. Bởi vì, thông qua việc lấy ý kiến của người dân, người hoạch định chính sách sẽ có thông tin phản hồi về thực tế cuộc sống để đưa ra được những quy định phù hợp với các điều kiện xã hội hiện có.

Bà Hảo phân tích: Nếu kết quả lấy ý kiến phù hợp với tâm tư, nguyện vọng, lợi ích của đa số quần chúng nhân dân thì văn bản sẽ dễ dàng đi vào cuộc sống. Ngược lại, nếu văn bản pháp luật không phù hợp với lợi ích của một số nhóm nhỏ trong xã hội thì quy trình lấy ý kiến văn bản cũng chính là cơ hội để các cơ quan có thẩm quyền có những biện pháp tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm với cộng đồng, xã hội. Từ đó, tránh được hiện tượng một bộ phận nhỏ người dân phản ứng khi lợi ích của họ bị ảnh hưởng dưới tác động của văn bản.

Đồng quan điểm với bà Hảo, Ths. Lường Thế Anh – Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng những ý kiến của các tầng lớp nhân dân trong xã hội về một văn bản dự thảo chứa đựng trong đó những luồng ý kiến thuận – nghịch, là ý kiến bổ sung đóng góp cho các văn bản dự thảo được hoàn chỉnh, tăng tính thực tiễn. Đây cũng là biện pháp giúp dân nắm bắt đầy đủ thông tin một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất. Đó cũng là diễn đàn để trao đổi thông tin hai chiều giữa Chính phủ với người dân.     Thêm thông tin để dân biết, để dân bàn, dân làm

Bà Lê Thị Thúy – Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp góp ý, để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động lấy ý kiến góp ý của nhân dân, các cơ quan soạn thảo khi gửi đăng dự thảo văn bản pháp luật trên Cổng TTĐT Chính phủ cần đăng toàn bộ hồ sơ của dự thảo văn bản gồm: Tờ trình, Dự thảo, Báo cáo tổng hợp ý kiến và giải trình tiếp thu, Báo cáo đánh giá tác động, Báo cáo thẩm định.

Qua đó, độc giả có thể biết được toàn bộ quá trình xây dựng dự thảo văn bản, những ý kiến còn khác nhau đối với nội dung văn bản. Từ đó, người dân sẽ góp ý cho dự thảo văn bản được sâu sắc và cụ thể hơn.

Bên cạnh đó, cơ quan soạn thảo cũng cần có một bản gợi ý những vấn đề lấy ý kiến góp ý vì không phải người dân nào cũng có thời gian đọc hết hồ sơ dự thảo văn bản và hiểu được tinh thần của dự thảo văn bản. Việc làm này giúp cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ lấy được ý kiến của người dân về những nội dung trọng tâm, trọng điểm của dự thảo văn bản.

Cùng ý kiến với bà Thúy, anh Trần Vũ Thành, giảng viên Trường Đại học Đồng Nai chia sẻ: để phục vụ cho việc nghiên cứu, giảng dạy anh thường xuyên truy cập, tìm hiểu về chính sách mới, nhất là thông tin về xây dựng pháp luật trên các cổng thông tin điện tử.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy còn không ít dự thảo văn bản quy phạm pháp luật nhận được ít ý kiến đóng góp, xây dựng. Vấn đề này có nhiều nguyên nhân, ngoài những lý do mang tính kỹ thuật, thì thực tế cho thấy nhiều dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có nội dung mang tính chuyên ngành sâu. Đòi hỏi người góp ý phải có trình độ chuyên môn và am hiểu thực tế về những nội dung dự thảo đề cập mới có thể góp ý xây dựng.

Mặt khác, tự thân việc góp ý dự thảo văn bản pháp luật cũng là hoạt động có tính khoa học, nên không phải tất cả mọi người đều có thể tham gia hiệu quả. Hoặc đơn giản là nội dung dự thảo đề cập không liên quan trực tiếp đến lợi ích, nhu cầu, nguyện vọng của người đó thì họ càng ít bày tỏ quan điểm,…

Do vậy, để nâng cao hiệu quả hoạt động lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, anh Thành đề nghị cần đẩy mạnh hoạt động liên kết, cộng tác với các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý của các ngành, các lĩnh vực. Trên cơ sở đó tiến hành đặt chuyên gia viết bài góp ý, phản biện, hoặc tổ chức tọa đàm, hội thảo trực tuyến về góp ý xây dựng pháp luật, chính sách,…

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ