Lấy ý kiến nhân dân về Bộ luật quy mô nhất
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, sáng nay, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày trước Quốc hội tờ trình về dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi).

Theo tờ trình, dự thảo Bộ luật có tổng số 710 điều, được bố cục thành 6 phần, 29 chương. So với Bộ luật dân sự năm 2005, dự thảo Bộ luật giữ nguyên 265 điều, sửa đổi 298 điều, bổ sung 174 điều, bãi bỏ 147 điều.

Dự thảo Bộ luật gồm 6 phần:

– Phần thứ nhất: Quy định chung (từ Điều 1 đến Điều 177) quy định về phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc cơ bản, áp dụng pháp luật dân sự; xác lập, thực hiện và bảo vệ quyền dân sự; địa vị pháp lý của các chủ thể trong quan hệ pháp luật dân sự; tài sản; giao dịch dân sự; đại diện; thời hạn và thời hiệu.

– Phần thứ hai: Quyền sở hữu và các vật quyền khác (từ Điều 178 đến Điều 301) quy định về căn cứ xác lập và thời điểm xác lập quyền sở hữu, các vật quyền khác và hiệu lực đối kháng với người thứ ba; bảo vệ, hạn chế quyền sở hữu và các vật quyền khác; quyền sở hữu, quyền địa dịch, quyền hưởng dụng, quyền bề mặt, quyền ưu tiên.

– Phần thứ ba: Nghĩa vụ và hợp đồng (từ Điều 302 đến Điều 629) quy định về căn cứ phát sinh; thực hiện nghĩa vụ; các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ; trách nhiệm dân sự; giao kết, thực hiện và chấm dứt hợp đồng; các hợp đồng thông dụng; thực hiện công việc không có ủy quyền; nghĩa vụ hoàn trả do chiếm hữu, sử dụng tài sản, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật và trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

– Phần thứ tư: Thừa kế (từ Điều 630 đến Điều 686) quy định chung về thừa kế, thừa kế theo di chúc, thừa kế theo pháp luật, thanh toán và phân chia di sản.

– Phần thứ năm: Pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài (từ Điều 687 đến Điều 708) bao gồm quy định chung, pháp luật áp dụng đối với cá nhân, pháp nhân, về quan hệ tài sản, nhân thân có yếu tố nước ngoài.

– Phần thứ sáu: Điều khoản thi hành (từ Điều 709 đến Điều 710) quy định về hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp.

Bộ luật dân sự quy định về những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý về cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân; quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản của cá nhân, pháp nhân trong các quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và các quan hệ khác hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm của các chủ thể tham gia quan hệ (sau đây gọi chung là quan hệ dân sự).

Nguồn: http://baodautu.vn/lay-y-kien-nhan-dan-ve-bo-luat-quy-mo-nhat.html