“Liệu cơm gắp mắm” làm nông thôn mới? 
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề xuất bố trí 51.100 tỷ đồng ngân sách để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025. Tuy nhiên, theo ý kiến của Hội đồng thẩm định Nhà nước, tổng vốn ngân sách trung ương cho Chương trình chỉ được 39,6 nghìn tỷ đồng. “Vậy phải liệu cơm gắp mắm thế nào?”, các thành viên trong Thường trực Ủy ban Kinh tế nêu câu hỏi.

Sáng qua, Thường trực Ủy ban Kinh tế có cuộc làm việc với lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về các nội dung liên quan đến Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (sau đây gọi là Chương trình) giai đoạn 2021 – 2025. Cuộc họp nhằm giúp Ủy ban hoàn thiện báo cáo thẩm tra Tờ trình của Chính phủ đề xuất chủ trương đầu tư chương trình này trong 5 năm tới để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phiên họp tháng 7, sau đó trình Quốc hội Khóa XV xem xét, thông qua tại kỳ họp đầu tiên.

<img alt=" Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai phát biểu tại cuộc làm việc Ảnh: Quang Khánh" src="” width=”850px” />
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai phát biểu tại cuộc làm việc
Ảnh: Quang Khánh

Chỉ có khởi đầu, không có kết thúc

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, bộ mặt nông thôn đã khởi sắc rõ rệt, thu nhập và đời sống của người dân được cải thiện nhiều sau 10 năm triển khai Chương trình. Vào cuối năm 2020, thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn đạt 43 triệu đồng/người/năm, gấp 1,8 lần so với năm 2015 và gấp 3,35 lần so với năm 2010. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn khoảng 5,6%…

Chương trình cũng đã hoàn thành vượt 12,4% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (62,4%) so với mục tiêu 5 năm 2016 – 2020 được giao. Đến hết tháng 5.2021, cả nước có 5.298/8.267 xã nông thôn mới, đạt 64,1%; trong đó có 305 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 24 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và bình quân cả nước đạt 16,7 tiêu chí/xã.

Ở cấp huyện có 192 đơn vị thuộc 51 tỉnh, thành phố hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 28,9%. Cả nước có 12 tỉnh, thành phố có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 4 tỉnh Nam Định, Hà Nam, Hưng Yên và Đồng Nai đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới.

“Với phương châm “xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc”, đặc biệt là phấn đấu thực hiện thành công mục tiêu xây dựng nông thôn mới trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, 5 năm tới cần tiếp tục đầu tư, hỗ trợ 20% số xã chưa đạt chuẩn”, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thanh Nam nói. Mục tiêu là đến năm 2025 có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới trong đó 40% đạt chuẩn nâng cao, 10% đạt chuẩn kiểu mẫu; ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 20% số huyện đạt chuẩn nâng cao và kiểu mẫu; cả nước có ít nhất 15 tỉnh, thành phố hoàn thành xây dựng nông thôn mới.

Ông Trần Thanh Nam kể, câu hỏi đặt ra trong nhiều cuộc họp là tại sao cần có chuẩn nâng cao, chuẩn kiểu mẫu? “Chúng tôi vẫn giữ 19 tiêu chí chuẩn nông thôn mới cho nhiệm kỳ mới, vì nếu nâng lên các xã khó khăn không làm được. Nhưng các xã đã đạt chuẩn thì cần nâng cao tiêu chí, ví dụ giao thông nông thôn từ huyện về xã đạt rồi nhưng từ xã về thôn mới đạt 60 – 70%, từ thôn sang thôn cũng vậy”. Bên cạnh đó, đời sống, thu nhập người dân phải tăng lên và cũng cần hỗ trợ các xã nông thôn mới duy tu, bảo dưỡng các công trình sau đầu tư… Trong số các xã đạt chuẩn nâng cao, nơi nào có mô hình nổi bật thì lên kiểu mẫu để khuyến khích người dân làm theo điển hình. “Nói quan niệm xây dựng nông thôn mới có điểm bắt đầu mà không có điểm kết thúc có nghĩa là thế”, ông giải thích và cho biết giai đoạn tới sẽ cố gắng nâng cao đời sống người dân, giải quyết những bức xúc của giai đoạn trước.

20% số xã còn lại rất khó

Tổng các nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình trong 5 năm tới theo tính toán của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là khoảng 2,6 triệu tỷ đồng. Theo ông Nam, do 20% số xã còn lại rất khó, chủ yếu ở vùng núi phía Bắc, Tây Nguyên nên vốn phải nhiều.

Trong số này, vốn ngân sách trung ương hỗ trợ trực tiếp 39,6 nghìn tỷ đồng (chiếm 1,5%); vốn ngân sách địa phương dự kiến 302 nghìn tỷ đồng (11,6%); vốn lồng ghép từ 2 Chương trình mục tiêu quốc gia (giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số) và các chương trình, dự án khác 224 nghìn tỷ đồng (8,6%); vốn tín dụng (phục vụ sản xuất – PV) gần 1,8 triệu tỷ đồng (68,8%); vốn từ doanh nghiệp, hợp tác xã… 115,8 nghìn tỷ đồng (4,5%). Còn lại huy động đóng góp tự nguyện của dân cư 130 nghìn tỷ đồng (5%).

Để hoàn thành đầy đủ các mục tiêu Chương trình đặt ra trong 5 năm tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tính toán ngân sách cần bố trí 51.500 tỷ đồng. “Đa số thành viên Chính phủ nhất trí với phương án của Bộ nhưng theo Hội đồng Thẩm định Nhà nước tổng vốn ngân sách trung ương cho Chương trình mới bố trí được khoảng 39,6 nghìn tỷ đồng”, ông Trần Thanh Nam thông tin.

“Vậy nếu chỉ được bố trí 39,6 nghìn tỷ đồng thì nguyên tắc phân bổ vốn, lựa chọn ưu tiên, liệu cơm gắp mắm như thế nào?”. Câu hỏi của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai cũng là mối quan tâm của các thành viên dự họp. “Quốc hội, Chính phủ cho chừng nào chúng tôi sẽ làm chừng đó”, ông Nam trả lời.

“Chúng ta không tiếc tiền, chỉ tiếc là không có tiền!”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nói và nhấn mạnh Bộ cần xác định vốn Nhà nước chỉ là vốn mồi, chỉ dành cho những công trình có tác động lan tỏa và thu hút được nguồn lực xã hội, đồng thời có giải pháp cụ thể huy động tối đa nguồn lực địa phương. Ông cũng gợi ý Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xem xét thiết kế 2 phương án, nếu được bố trí 51 nghìn tỷ đồng hoặc 39 nghìn tỷ đồng thì kết quả đạt được như thế nào, hơn kém nhau ra sao để Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội có đủ thông tin đưa ra quyết định.