Làm gì để cà phê chè là hướng mở cho xuất khẩu?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 3 năm từ năm 2009 đến 2011, giá cà phê chè tăng lên gần gấp đôi, từ 2.313 USD/tấn lên 4.261 USD/tấn. Khoảng cách chênh lệch giá giữa cà phê Arabica và Robusta ngày càng tăng, từ mức 880 USD/tấn năm 2009 nhưng đến năm 2011 mức chênh lệch đã tăng lên hơn gấp đôi, cao hơn cả giá trung bình năm của Robusta với mức 2.162 USD/tấn. Sản phẩm cà phê chè Việt Nam ngày càng được các nhà nhập khẩu trên thế giới đánh giá khá cao về chất lượng, ngay cả những thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Đức, Nhật Bản và Bỉ. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là, hiện nay, nước ta không có đủ cà phê chè để xuất khẩu, giá người nông dân bán cà phê chè thô là 70 triệu/tấn, nhưng không có hàng để bán, cung không đủ cầu. Bên cạnh đó, câu chuyện người nông dân phá vỡ hợp đồng cà phê dẫn đến tình trạng tranh mua nguyên liệu, dẫn tới giá cả bấp bênh. Nguyên liệu chủ yếu được bán cho doanh nghiệp FDI, còn doanh nghiệp trong nước thiếu nguyên liệu để sản xuất. Theo Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – ca cao Việt Nam Lương Văn Tự, cần đưa mặt hàng cà phê là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, những doanh nghiệp nào đủ điều kiện thì mới làm chứ không mua bán theo kiểu phong trào, gây bất lợi cho ngành sản xuất của mình.

Tuy nhiên, theo Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông – lâm nghiệp Tây Nguyên Lê Ngọc Báu, cà phê chè có ưu điểm về giá nhưng nhược điểm là chi phí trồng, chế biến cao và chỉ trồng ở nơi có thổ nhưỡng phù hợp với cây cà phê chè ở độ cao từ 800m – 1.000m so với mặt nước biển trở lên. Đặc biệt khâu chế biến, giá cà phê chè chế biến ướt mới có giá trị cao hơn giá cà phê vối từ 1,5 đến 2 lần còn chế biến khô thì giá trị rất thấp. Mặt khác, hầu hết các hộ dân trồng cà phê chè quy mô nhỏ không có khả năng đầu tư hệ thống chế biến ướt quy mô nhỏ, sản phẩm thu hoạch được bán dưới dạng quả tươi ngay sau khi thu hoạch và bị thương lái ép giá, đặc biệt là những vùng giao thông khó khăn người dân chỉ bán được giá bằng 2/3 giá thị trường. Nhiều chương trình, dự án phát triển cà phê chè tại Việt Nam nhằm đạt đến 100 ngàn héc ta cà phê chè nhưng vẫn chưa triển khai hiệu quả. Một trong nguyên nhân chính khiến các chương trình, dự án phát triển cà phê chè trước đây bị phá sản là do chất lượng công tác quy hoạch có vấn đề và không phù hợp với yêu cầu sinh thái của cây cà phê chè. Vì vậy, theo ông Lê Ngọc Báu, để phát triển cà phê chè bền vững thì thứ nhất là chọn vùng trồng đúng. Thứ hai phải đầu tư hỗ trợ cho nông dân ở vùng cao và đặc biệt sự tham gia của các doanh nghiệp để làm sao giảm được chi phí, giá thành, có như vậy mới có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Năm ngoái, nước ta đã xuất khẩu hơn 50.000 tấn cà phê chè. Thị trường tiêu thụ cà phê chè đang phát triển khá mạnh. Giá cà phê chè xuất khẩu của Việt Nam cũng tăng dần và đi theo xu hướng chung trên thị trường thế giới, tức là luôn tăng cao hơn giá cà phê vối xuất khẩu. Trước lợi thế và cơ hội phát triển này, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã định hướng phát triển cây cà phê chè ở những vùng có điều kiện sinh thái, thổ nhưỡng phù hợp, như ở một số huyện thuộc các tỉnh Lâm Đồng, Sơn La, Điện Biên, Quảng Trị, Kon Tum…, với mục tiêu có tổng diện tích đạt khoảng 40.000ha vào năm 2020 và duy trì ổn định diện tích này đến năm 2030, với tổng sản lượng khoảng 70.000 đến 80.000 tấn/năm. Từ thực tế này cũng đòi hỏi các doanh nghiệp cần nỗ lực hơn nữa, trong việc phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê chè của mình. Bên cạnh đó, việc quy hoạch cơ sở chế biến cũng cần phải xem xét lại. Hiện nay, ở một số địa phương, năng lực của các cơ sở chế biến cà phê đã gấp 3 – 3,5 lần sản lượng cà phê hiện có. Điều đó dẫn đến tình trạng, nhiều cơ sở chế biến thiếu nguyên liệu, cạnh tranh thiếu lành mạnh, làm giảm sút chất lượng sản phẩm cà phê chè trên thị trường.

Xuân Lan
Nguồn: Báo Đại biểu nhân dân