Làm mạnh hơn nữa, quyết liệt và hiệu quả cao hơn nữa! 
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.
Đây là nội dung được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh khi phát biểu kết luận Phiên họp thứ 20 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng diễn ra sáng qua. Thực tế vừa qua cho thấy, mặc dù có nhiều khó khăn, nhất là đại dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp, nhưng công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng “không dừng, không nghỉ, chỉ có tiến lên, và đây là vì sự nghiệp chung, không phải cốt đánh ai, xử ai”.

Không dừng, không nghỉ

Báo cáo tại Phiên họp cho thấy, trong 6 tháng đầu năm nay, công tác xây dựng Đảng và phòng, chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả quan trọng. Đặc biệt là chỉ đạo đồng bộ công tác kiểm tra, giám sát của Đảng với thanh tra, kiểm toán, điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng, kinh tế. Cùng với đó là gắn phòng, chống tham nhũng với công tác cán bộ, xử lý nghiêm sai phạm theo quy định về kỷ luật Đảng, Nhà nước và xử lý hình sự, kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, xây dựng Đảng ta thật trong sạch, vững mạnh theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo. Công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh ở Trung ương và địa phương, đạt nhiều kết quả tích cực, có mặt cao hơn năm trước.

Đáng chú ý, công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán tiếp tục được đẩy mạnh, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vụ việc tham nhũng, tiêu cực và nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm cả đương chức và nghỉ hưu, cả cán bộ cao cấp. Trong 6 tháng đầu năm, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật đối với trên 70 tổ chức đảng, trên 8.000 đảng viên vi phạm, trong đó có gần 180 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái và hơn 20 đảng viên bị kỷ luật do vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thành lập 14 đoàn kiểm tra, trong đó có 10 đoàn kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với các tổ chức đảng, đảng viên liên quan đến các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Qua kiểm tra đã xử lý, kiến nghị xử lý kỷ luật một tổ chức đảng trực thuộc Trung ương, 7 cán bộ diện Trung ương quản lý và nhiều cán bộ, lãnh đạo quản lý các doanh nghiệp nhà nước có sai phạm.

Ngành thanh tra, kiểm toán đã phát hiện sai phạm về kinh tế 54.474 tỷ đồng và 1.760ha đất; kiến nghị xử lý tài chính hơn 23.499 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi 7.017 tỷ đồng và 644ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 851 tập thể và 2.073 cá nhân. Qua công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ và giải quyết khiếu nại, tố cáo, ngành thanh tra đã phát hiện, xử lý 20 vụ, 35 đối tượng tham nhũng và có liên quan đến tham nhũng.

Công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, khởi tố mới nhiều vụ án, nhiều bị can, trong đó có nhiều bị can là cán bộ cấp cao, thực hiện đúng quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng ở nhiều địa phương có chuyển biến tích cực, khắc phục dần tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Các địa phương qua thanh tra, kiểm tra đã chuyển 80 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Một trong những nội dung vốn được coi là “khâu yếu”, “xử xong nhưng không thu hồi được tài sản”, thì  bây giờ thu hồi được rồi. Số liệu cho thấy, các cơ quan tố tụng đã thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn giao dịch tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế có giá trị hơn 14.413 tỷ đồng; cơ quan thi hành án dân sự đã thu hồi hơn 1.995 tỷ đồng. Riêng các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn tẩu tán tài sản trị giá trên 1.467 tỷ đồng và nhiều tài sản có giá trị khác; trong giai đoạn thi hành án đã thu hồi gần 1.900 tỷ đồng.

Một trong những kết quả nổi bật nữa, đó là tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế về xây dựng Đảng, quản lý kinh tế – xã hội và phòng, chống tham nhũng, góp phần tạo cơ sở chính trị – pháp lý đồng bộ, khả thi để phòng, chống tham nhũng hiệu quả. Đặc biệt, đã kịp thời thể chế hóa, cụ thể hóa kết luận của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo, về cơ chế mới xử lý sai phạm được phát hiện trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Theo đó, các cơ quan chức năng trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, thi hành án, nếu phát hiện vi phạm có dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay hồ sơ vụ việc đến cơ quan điều tra có thẩm quyền để thụ lý, điều tra, xử lý theo quy định pháp luật, không chờ kết thúc quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, thi hành án. Trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế, nếu phát hiện vi phạm liên quan đến cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, thì báo cáo ngay cho Thường trực Ban Chỉ đạo để kịp thời chỉ đạo xử lý; đồng thời chuyển ngay thông tin, hồ sơ, tài liệu liên quan đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương để kiểm tra, xử lý theo đúng quy định của Đảng…

Những kết quả rõ rệt như vậy cho thấy, trong bối cảnh bộn bề công việc, nhất là đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến đời sống và sức khỏe Nhân dân, song công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả quan trọng. Điều này giải tỏa tâm trạng lo lắng của người dân rằng, liệu công tác này có tiếp tục được duy trì không, hay lại chùng xuống? Đúng như nhận định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo, tại Phiên họp, đó là những việc chúng ta làm được trong 6 tháng vừa qua đã chứng minh rằng, cuộc chiến đấu này vẫn “không ngừng, không nghỉ”, thậm chí ngày càng quyết liệt hơn, ngày càng có hiệu quả và bài bản hơn, đồng thời cho chúng ta thêm nhiều bài học quý và nhiều kinh nghiệm tốt hơn. “Bây giờ gần như thành quy trình rồi, khâu nào làm trước khâu nào làm sau đều đã có kinh nghiệm, phối hợp rất nhuần nhuyễn”, Tổng Bí thư nói, “chúng ta làm liên tục, rất bền bỉ những rất bài bản”.

<img alt="" src="” width=”850px” />
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên họp
Ảnh: Trí Dũng

Với những kết quả, bài học và kinh nghiệm đã có, Tổng Bí thư chỉ rõ, phương hướng sắp tới “phải làm mạnh hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, hiệu quả cao hơn nữa, không dừng, không nghỉ, chỉ có tiến lên thôi, đây là vì sự nghiệp chung, không phải cốt đánh ai, xử ai. Như tôi đã nói nhiều lần là rất đau xót…, nhưng vì sự nghiệp chung chúng ta không thể không làm. Cắt một vài cành sâu để cứu cả cái cây cơ mà”. “Chúng ta làm rất quyết liệt, nhưng nhân văn, nhân đạo, có lý, có tình, tâm phục, khẩu phục”, Tổng Bí thư nói.

Nhiệm vụ sắp tới còn nặng nề, còn khó khăn, chúng ta không được chủ quan. Nhấn mạnh điều này, Tổng Bí thư chỉ rõ: “Mong mỏi của Nhân dân vẫn là phải tiếp tục cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng này, không được dừng”.

Nguy hiểm nhất là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống

Một trong những nội dung được Ban Chỉ đạo xem xét tại phiên họp, đó là cho ý kiến đối với Đề án sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo để chỉ đạo phòng, chống cả tham nhũng và tiêu cực. Đề án xác định đối tượng của công tác phòng, chống tiêu cực là cán bộ đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của các tổ chức trong hệ thống chính trị. Trọng tâm chỉ đạo phòng, chống tiêu cực của Ban Chỉ đạo là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Ban Chỉ đạo trực tiếp chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc, hành vi tiêu cực khác ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín, phẩm chất, đạo đức, vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, làm suy giảm niềm tin của Nhân dân đối với chế độ.

Trong phát biểu kết luận về nội dung này, Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Tiêu cực ở đây nguy hiểm nhất là suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất, đạo đức, lối sống – cái này mới dẫn đến tham nhũng. Vừa rồi ta mới xử chủ yếu là kinh tế. Tôi đã đề nghị và các đồng chí đã nhất trí là nên thêm chữ “tiêu cực” (Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực – PV), còn nội hàm “tiêu cực” là gì thì hôm nay ý kiến các đồng chí phát biểu nên cân nhắc, chọn lọc, nhưng mà không thể không có chữ “tiêu cực” này được, mở rộng phạm vi chỉ đạo ra chứ không chỉ chống tham nhũng, mất tiền, mất bạc đâu”. “Mất người mới là nguy hiểm. Suy thoái về đạo đức, lối sống thì mất cả chế độ”, Tổng Bí thư cảnh báo. Cũng theo Tổng Bí thư, “tham nhũng tiền bạc thì còn có thể thu lại được, chứ con người mà đã mất phẩm chất chính trị, trở thành phản bội rồi thì khó lắm”. Đặc biệt, “hư hỏng về con người sẽ lây lan ra những người khác, thành sự chống đối lại chế độ mới là nguy hiểm”.