Làm sống động tinh thần kinh doanh
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Ông có thể cho biết mục tiêu của VPBA khi tổ chức Diễn đàn Kinh tế tư nhân lần thứ nhất, diễn ra vào đầu tháng 4/2017?

Diễn đàn Kinh tế tư nhân lần thứ nhất do VPBA tổ chức nhằm giúp cộng đồng doanh nghiệp thấu suốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Qua đó, kinh tế tư nhân thêm vững tin, mạnh dạn hơn khi bỏ vốn đầu tư, kinh doanh.

Diễn đàn sẽ là nơi mà các đại biểu trao đổi về thực trạng phát triển kinh tế tư nhân, giải pháp phát triển kinh tế tư nhân trong thời gian tới trong bối cảnh hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới.

Chúng tôi kỳ vọng, Diễn đàn sẽ góp phần khơi dậy và làm sống động tinh thần kinh doanh của những người lính xung kích thời bình trong sự nghiệp chấn hưng đất nước và thực hiện sứ mệnh đưa kinh tế tư nhân thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế.

Vậy bức tranh kinh tế tư nhân hiện nay như thế nào, thưa ông?

Mấy thập kỷ qua, kinh tế tư nhân đã tăng nhanh về số lượng và từng bước nâng cao chất lượng, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế, giữ vững ổn định chính trị – xã hội của đất nước.

Hiện cả nước có khoảng 600.000 doanh nghiệp tư nhân, hơn 3,5 triệu hộ kinh doanh cá thể, đóng góp hơn 40% GDP, 30% kim ngạch xuất khẩu và chiếm 50% việc làm trong cả nước. Kinh tế tư nhân phát triển mạnh nhất trong các lĩnh vực như thương mại, dịch vụ, xây dựng, tiếp đến là công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Kinh tế tư nhân phát triển rộng rãi trong cả nước, trong đó, tập trung cao ở các đô thị và những địa phương có nhiều điều kiện kinh doanh thuận lợi, được quan tâm khuyến khích, hỗ trợ.

Phần lớn doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ (96% là doanh nghiệp nhỏ và vừa), vốn ít, công nghệ sản xuất lạc hậu, trình độ quản lý yếu kém, hiệu quả và sức cạnh tranh yếu, ít đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, tính riêng rẽ còn phổ biến. Nhiều đơn vị kinh tế tư nhân chưa thực hiện tốt những quy định của pháp luật đối với người lao động; không ít đơn vị vi phạm pháp luật, trốn lậu thuế, gian lận thương mại, kinh doanh trái phép…

Theo một số nghiên cứu mới đây, tỷ lệ đóng góp vào GDP của các doanh nghiệp tư nhân trong vài năm gần đây chỉ khoảng 10%, so với mức 8,5% của năm 2006. Mặc dù đã có lịch sử phát triển 3 thập kỷ, song đến nay, doanh nghiệp tư nhân nói chung còn yếu.

Trong khi đó, các hộ kinh doanh cá thể phi nông nghiệp mang tính phi chính thức đang làm chậm lại sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Tính phi chính thức thể hiện ở chỗ không thực hiện ghi chép sổ sách kế toán đầy đủ; thiếu ý thức tuân thủ pháp luật, tùy tiện, bất cẩn trong kinh doanh chỉ vì sự thuận tiện trong mưu sinh của mình; không có một cơ chế quản lý rõ ràng, minh bạch.

Theo ông, cần giải pháp gì để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân trong thời gian tới?

Trước hết, cần khắc phục tính riêng rẽ đang phổ biến trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, trước hết là các doanh nghiệp tư nhân, để xây dựng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam thống nhất. Phải tăng cường hợp tác, liên doanh, liên kết giữa các thành phần kinh tế trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, kể cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Có như vậy mới phát huy được sức mạnh tổng hợp của cộng đồng doanh nghiệp trong công cuộc chấn hưng kinh tế đất nước.

Với những doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động trên thương trường, cần mở rộng sản xuất, kinh doanh sang các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ có giá trị gia tăng cao và mở rộng địa bàn, thâm nhập vùng sâu, vùng xa, nơi đồng bào còn khó khăn, góp sức vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, phát triển ngành nghề nông thôn, góp phần vào việc phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và nâng cao đời sống nông dân.

Đối với doanh nghiệp mới, phải đặt khởi nghiệp là một ngành kinh tế dựa trên sự sáng tạo để khắc phục sự tụt hậu của các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam so với quốc tế hiện nay. 

Chỉ có nâng cao sức cạnh tranh mới tận dụng được cơ hội và hạn chế rủi ro khi nước ta hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế thế giới và thực hiện các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh, từng doanh nghiệp, doanh nhân phải xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp với thời đại; đầu tư hơn nữa cho đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; đề cao văn hoá kinh doanh; coi trọng quản trị doanh nghiệp.

Về văn hóa kinh doanh, doanh nghiệp, doanh nhân phải xây dựng quản lý kinh doanh minh bạch và trung thực, đạo đức kinh doanh liêm chính, kinh doanh bằng chính năng lực của mình, tuân thủ các quy định của pháp luật, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, khắc phục những hành vi gian lận thương mại, làm hàng giả, trốn thuế, gian lận sổ sách, đầu cơ, chộp giật, lừa đảo…

Tiếp theo là chuyển mạnh các hộ kinh doanh cá thể sang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, khắc phục tính phi chính thức của khu vực này.

Theo Thu Hà
baodautu.vn