‘Lên đời doanh nghiệp’: Nhà nước khuyến khích, người dân lưỡng lự
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Thế nhưng có một bộ phận cá nhân kinh doanh (hộ kinh doanh)(1) vẫn không muốn “lên đời doanh nghiệp”. Điều gì khiến họ lưỡng lự?

Dưới góc nhìn quản lý nhà nước, chế độ kế toán thuế đặc thù của cá nhân kinh doanh (hộ kinh doanh) khiến cho rủi ro thuế tăng lên. Bởi vậy, các cơ quan quản lý nhà nước đang tìm cách ép “lên đời doanh nghiệp” nhưng vẫn phải bảo đảm tôn trọng quyền tự do kinh doanh của công dân. Đâu là giải pháp phù hợp?

Nói không vì chi phí tuân thủ?

Hầu hết lĩnh vực mà các cá nhân (hộ kinh doanh) đang tham gia kinh doanh đều là lĩnh vực kinh doanh không kèm theo điều kiện, không đòi hỏi vốn pháp định, bởi vậy việc “lên đời doanh nghiệp” rất dễ. Chỉ cần tra Google với từ khóa “dịch vụ thành lập doanh nghiệp”, người dân dễ dàng tìm thấy dịch vụ thành lập doanh nghiệp trọn gói (bao gồm chi phí nộp ngân sách nhà nước và thù lao dịch vụ) từ 800.000 đồng đến 2 triệu đồng. Với gói dịch vụ 2 triệu đồng, thân chủ chỉ cần ngồi ở nhà gọi điện thoại, ký vào các form mẫu và nhận lại giấy đăng ký doanh nghiệp, con dấu, tờ khai thuế lần đầu, tài khoản ngân hàng… Như vậy, vốn hay chi phí thành lập doanh nghiệp hoàn toàn không phải là vấn đề lớn đối với các cá nhân kinh doanh nói chung.

Vấn đề chính là ở chi phí vận hành sau khi “lên đời doanh nghiệp”. Nếu tiếp tục kinh doanh theo mô hình cũ, cá nhân kinh doanh không cần phải lập sổ sách kế toán phức tạp như sổ sách kế toán của một doanh nghiệp. Đa số cá nhân (hộ kinh doanh) xưa nay chỉ biết đến một cuốn sổ thu/chi duy nhất; thậm chí một số tiệm tạp hóa quy mô nhỏ, không thuê người lao động thì không có cả sổ thu/chi. Các khái niệm kế toán, hệ thống tài khoản kế toán là một thứ xa lạ, rắc rối đối với đa số cá nhân kinh doanh. Bởi vậy, sau khi “lên đời doanh nghiệp” (nhỏ và vừa), họ phải thuê một kế toán với chi phí dao động từ 600.000  đến 50 triệu đồng/năm.

Sau khi “lên đời doanh nghiệp”, chủ doanh nghiệp phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp với thuế suất 20%, khá cao so với thuế suất áp dụng đối với thuế thu nhập cá nhân nếu họ tiếp tục kinh doanh với mô hình cá nhân (hộ kinh doanh).

Rủi ro quản lý thuế

Nhưng chi phí tuân thủ sau khi “lên đời doanh nghiệp” không phải là vấn đề lớn đối với các cá nhân kinh doanh (hộ kinh doanh) nhà hàng, khách sạn, quán bar… Bởi dù có “lên đời doanh nghiệp” hay không, để quản lý dòng tiền doanh thu lên đến hàng tỉ đồng/tháng, họ phải thuê cả một đội ngũ quản lý, bao gồm nhân viên chuyên theo dõi các số liệu kế toán.

Vấn đề chính đối với họ lại là “thuế khoán”. Trong mô hình thuế khoán, cá nhân kinh doanh không phải nộp thuế theo từng giao dịch, từng món hàng thực tế, mà được cơ quan quản lý thuế ấn định một khoản thuế được tính toán dựa trên “doanh thu ước tính”. Bằng một cách nào đó, cá nhân kinh doanh (hộ kinh doanh) tác động vào nhân viên cơ quan quản lý thuế để đạt được một “doanh thu ước tính” thấp hơn doanh thu thực tế nhiều lần thì cả hai đều được lợi, chỉ có ngân sách nhà nước là thất thu. Đây chính là nhóm đối tượng mà cơ quan quản lý nhà nước đánh giá có rủi ro thuế cao và đang tìm cách “chặt đứt” sự thông đồng trong việc áp dụng thuế khoán.

Bên cạnh rủi ro thuế, thì việc cá nhân kinh doanh (hộ kinh doanh) không lập các sổ sách kế toán còn gây ra khó khăn khi cần truy xuất nguồn gốc hàng hóa, ví dụ khi xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm; hoặc bản thân cá nhân kinh doanh (hộ kinh doanh) không có hành vi gian lận thuế nhưng vô tình trở thành nơi cho các doanh nghiệp khác “dấu đầu, dấu đuôi” vào.

Tôn trọng quyền tự do kinh doanh và phân bổ chi phí loại trừ rủi ro thuế

Với những rủi ro nêu trên, Nhà nước khuyến khích “lên đời doanh nghiệp” bằng cách áp đặt một số hạn chế đối với mô hình cá nhân kinh doanh (hộ kinh doanh) như hạn chế về quy mô sử dụng lao động không được quá 10 người; hạn chế trong việc sử dụng hóa đơn… Thế nhưng những giải pháp này dường như không có tác dụng đối với nhà hàng, khách sạn, quán bar… hay các lĩnh vực kinh doanh khác mà người mua hàng, sử dụng dịch vụ không có nhu cầu lấy hóa đơn. Việc thông đồng trong thuế khoán vẫn diễn ra.

Gần đây, Sở Công Thương TPHCM đề xuất với mô hình kinh doanh cá nhân (hộ kinh doanh) thì vẫn bắt buộc lắp đặt phần mềm tính tiền có xuất hóa đơn cho khách hàng dù khách hàng có nhu cầu lấy hóa đơn hay không (2). Tuy nhiên, nếu phần mềm máy tính này không kết nối với cơ sở dữ liệu tập trung của cơ quan thuế và theo một chuẩn chung thì doanh nghiệp dễ dàng chỉnh sửa phần mềm và trích xuất ra hai hệ thống số liệu kế toán: một hệ thống sử dụng nội bộ và một hệ thống để nộp cho cơ quan thuế. Nếu áp dụng đồng loạt yêu cầu phần mềm kết nối với cơ sở dữ liệu thuế tập trung trên toàn quốc, đối với tất cả các ngành nghề, đối với tất cả quy mô kinh doanh thì hạ tầng công nghệ thông tin ở Việt Nam chưa sẵn sàng trong vòng năm năm tới, mà phải có lộ trình dài hơn.

Để khuyến khích “lên đời doanh nghiệp”, loại trừ các rủi ro thuế, nên chăng nhà nước cần áp dụng đồng thời các giải pháp:

Thứ nhất, sử dụng các nguồn quỹ hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) để hỗ trợ 30% chi phí thành lập doanh nghiệp đối với cá nhân đã đăng ký kinh doanh từ hai năm trở lên nay có nhu cầu “lên đời doanh nghiệp”.

Thứ hai, xây dựng phần mềm cung cấp miễn phí cho các DNNVV khai thuế, lập sổ sách kế toán trên đám mây (cloud computing) đơn giản như là họ đang sử dụng Facebook vậy. Để tránh lạm dụng, gây quá tải cho server thì sẽ thiết lập quota miễn phí, vượt quota thì sẽ tính phí.

Thứ ba, xây dựng chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp nhiều bậc thang như đối với thuế thu nhập cá nhân. Để làm sao sau khi “lên đời doanh nghiệp”, họ thấy thuế vẫn tương đương với thuế thu nhập cá nhân ở mô hình kinh doanh cũ.

Thứ tư, đối với các cá nhân kinh doanh không “lên đời doanh nghiệp”, cần tăng thuế suất dựa trên nguyên tắc: việc không lên đời doanh nghiệp sẽ làm cho quá trình kiểm tra thuế, thu thuế gặp rủi ro, làm tăng chi phí kiểm soát tuân thủ từ phía Nhà nước và họ sẽ phải gánh chịu phần chi phí tăng thêm này; phần chi phí tăng thêm này được ngầm tính bằng một thuế suất cao hơn.

(1) Từ ngày 1/7/2017, “hộ gia đình” không còn được Bộ luật Dân sự 2015 công nhận là một chủ thể pháp lý có tư cách tham gia các giao dịch dân sự nữa; và tương ứng với việc này “hộ kinh doanh” sẽ biến mất, mà mọi hoạt động kinh doanh sẽ quy về cá nhân, nhóm cá nhân kinh doanh.

(2) http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/doanh-nghiep/tp-hcm-tinh-chuyen-thu-thue-ban-hang-tren-facebook-3544057.html

TS. Võ Trí Hảo – LS. Bạch Phạm Đăng Huy
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn