Loại bỏ đầu cơ vàng chụp giật
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Sau một ngày Nghị định 24 về hoạt động kinh doanh vàng được ban hành (ngày 3-4), hầu hết các chuyên gia đều cho rằng nghị định này có tác dụng tích cực, bởi thị trường vàng sẽ đi vào nề nếp hơn. Đối tượng kinh doanh, mua bán được sàng lọc qua các điều kiện cụ thể cũng sẽ hạn chế được tình trạng trốn thuế, buôn lậu…

90% tiệm vàng không đủ điều kiện kinh doanh vàng miếng

. Thưa ông, nghị định vừa được ban hành sẽ hạn chế đối tượng được phép kinh doanh vàng. Bên cạnh đó, đến đầu tháng 5, Thông tư 11/2011 chính thức có hiệu lực, các ngân hàng thương mại sẽ không được huy động dưới hình thức phát hành chứng chỉ vàng. Vậy thì quyền lợi của người dân trước và sau khi nghị định được ban hành có gì thay đổi?

+ Ông Trần Thanh Hải, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Kinh doanh và Đầu tư vàng Việt Nam: Từ trước đến giờ, ngay cả trong Nghị định 24 cũng khẳng định thêm một lần nữa là người dân có quyền được sở hữu vàng. Người dân có thể làm đủ mọi thứ vì đó là quyền định đoạt tài sản theo pháp luật dân sự, cụ thể là người dân có quyền được mua bán, cho tặng hoặc thừa kế.

Trước đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cấm việc thanh toán bằng vàng như một dạng tiền. Nghị định 24 sẽ thu hẹp lại đối tượng kinh doanh vàng miếng. Vì thế người dân chỉ được mua bán vàng ở những điểm có giấy phép của NHNN khi đáp ứng đủ các điều kiện trong Nghị định 24.

. Điều kiện để cấp giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng có quá khó?

+ Đối với các tổ chức tín dụng, điều kiện được cấp phép ngoài những giấy tờ như giấy phép đăng ký kinh doanh… thì nghị định yêu cầu thêm có vốn điều lệ 3.000 tỉ đồng trở lên và có mạng lưới chi nhánh từ năm năm ở các tỉnh. Theo tôi, điều kiện này không quá khó đối với các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp (DN) thì quy định là cần có vốn điều lệ 100 tỉ đồng trở lên và có số thuế đã nộp từ 500 triệu đồng/năm trong hai năm liên tiếp gần nhất… Điều kiện này sẽ loại bỏ 90% các tiệm vàng đang kinh doanh vàng miếng hiện nay, nên cũng phải tính là khi các ngân hàng đóng cửa, người dân có vài chỉ vàng mà nhà ở tận các xã sẽ đem bán ở đâu? Trong khi đó, trước đây họ chỉ cần ra xã hoặc thị trấn là có thể bán.

. Nhưng có ý kiến cho rằng điều kiện như vậy sẽ sàng lọc được một số DN yếu kém, tránh được việc trốn thuế…?

+ Trong một chừng mực nào đó, chính sách đưa ra luôn có nhiều điểm tích cực, tất nhiên khó tránh khỏi những biến tướng của chính sách. Theo tôi, sẽ có hai vấn đề: Thứ nhất, một số tiệm vàng lớn cũng có thể vì lý do nào đó họ không nâng vốn điều lệ hoặc họ nộp thuế khoán nên tuy họ kinh doanh tại hội sở chính mà vẫn có chi nhánh mà không đăng ký chính thức. Họ có thể “bắt tay” với các ngân hàng thương mại. Thứ hai, việc thu hẹp đối tượng kinh doanh, mua bán vàng miếng làm nảy sinh câu hỏi “dân bán vàng ở đâu?” như tôi đã nói trên.

Vàng vẫn còn sức hấp dẫn

. Theo Thông tư 11/2011, đến ngày 2-5 các ngân hàng sẽ không được phát hành chứng chỉ huy động vàng nữa. Sắp tới việc các ngân hàng không được phát hành chứng chỉ vàng, chỉ được giữ hộ vàng thôi. Theo ông, người giữ vàng nên làm gì với số vàng của mình?

+ Việc sử dụng số vàng trong thời gian sắp tới tùy thuộc quan điểm của mỗi người. Trong khi tiền đồng nước ta chưa tham gia giao dịch quốc tế được, kênh đầu tư khác không thể đến với tất cả triệu người dân bởi họ không thể biết hết chứng khoán là gì, cũng không đủ khả năng đầu tư bất động sản, lạm phát cao hơn lãi suất tiền gửi thì nhu cầu vàng trong dân vẫn còn nhiều. Tiền tích lũy từ việc bán cá, bán tôm sẽ được chọn mua vàng cũng để chống lại sự mất giá của tiền đồng.

. Nếu như ông phân tích, người dân vẫn sẽ giữ vàng, vậy nên chăng gia hạn thêm cho Thông tư 11 để ngân hàng phát hành chứng chỉ vàng cho người dân?

+ Tôi nghĩ rằng sẽ có một số người không muốn gửi VND vì cho rằng lạm phát cao nên gửi tiết kiệm thì lãi suất thực âm nhưng nếu mua vàng thì họ phải trả một giá vênh gần tới 3 triệu đồng/lượng so với thế giới. Bởi thế, họ muốn mua tín phiếu bằng vàng – giá thay đổi theo giá thế giới lại được lãi suất. Nếu Thông tư 11 áp dụng ngay thì sắp tới họ sẽ lúng túng không biết đầu tư ở đâu.

Thật ra ở các nước trên thế giới họ không mất quá nhiều thời gian bàn về việc quản lý vàng vật chất mà họ mở một sàn hàng hóa. Ai hiểu biết về dầu thì mua dầu, ai thích mua vàng thì mua vàng. Mọi giao dịch trên tài khoản cả!

. Xin cảm ơn ông.

Người trẻ lướt sóng vàng, người già chọn tiền gửi

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, những quy định mới trong Nghị định 24 sẽ khuyến khích DN liên kết lại hình thành một DN đủ lớn, nâng thị phần lên để có thể chủ động bán được vàng cho người dân với mức giá hợp lý, bảo vệ quyền lợi của người dân, hạn chế tình trạng đầu cơ giá của DN. Đồng thời, Nhà nước không khuyến khích người dân tích trữ, kinh doanh vàng miếng mà khuyến khích đưa nguồn vốn nhàn rỗi vào thị trường tài chính, thị trường vốn.

Theo một lãnh đạo Hiệp hội Kinh doanh vàng, dự kiến số lượng DN được phép kinh doanh mua bán vàng miếng sẽ thu hẹp từ khoảng 12.000 DN như hiện nay xuống chỉ còn một số DN, tổ chức tín dụng. Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu phân tích thêm: “Vàng là mặt hàng ẩn chứa nhiều rủi ro, nhiều DN cùng sản xuất vàng miếng sẽ tạo bất ổn trên thị trường. Nếu Nhà nước độc quyền trong sản xuất kinh doanh vàng miếng, giá vàng trong nước sẽ có khả năng tiệm cận với thế giới cao hơn, dù có thể trong quá trình giao dịch giá vàng có sự chênh lệch đầu vào – đầu ra nhưng không ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường”.

Vậy việc đầu tư vàng sắp tới nên như thế nào? Ông Hiếu nhận định: Nhà đầu tư nên có kế hoạch đầu tư dài hạn, ít nhất sáu tháng, tránh tình trạng đầu cơ trong thời gian ngắn bởi rủi ro lớn. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cần xem xét thời cơ để đầu tư vào ngoại tệ, tiền gửi VND, chứng khoán…. “Tùy vào độ tuổi, người trẻ nên đầu tư vàng bởi cơ hội rủi ro và sự phục hồi nhiều hơn, tính cơ may nhiều hơn. Đối với người cao tuổi, nên đầu tư vào tiền gửi ngân hàng vì đảm bảo sự an tâm, tỉ trọng lợi nhuận cao”.

Theo các chuyên gia, để thực hiện những quy định mới đề ra, Nhà nước cần tiến tới mở cửa thị trường vàng trong nước liên thông với thị trường vàng thế giới, khi đó giá vàng sẽ tự điều tiết để cân bằng và giao dịch sát với giá trên thị trường thế giới, thay vì phải dùng các biện pháp bình ổn bằng công cụ hành chính như hiện nay. Ngoài ra, NHNN nên áp dụng giao dịch vàng miếng bằng cách phát hành chứng chỉ để người dân giao dịch thông thoáng, tài sản được đảm bảo mà Nhà nước vẫn có thể dự trữ vàng.

TRÀ PHƯƠNG

Đêm hôm trước, giá vàng thế giới mất 20 USD/ounce xuống còn 1.625 USD/ounce. Điều này kéo theo giá vàng trong nước giảm về sát 43 triệu đồng/lượng. 15 giờ 30 phút, SJC mua vào giá 43,4 triệu đồng/lượng, bán ra giá 43,6 triệu đồng/lượng. So với mức chạm đỉnh vào tháng 9 năm ngoái, giá vàng đã giảm khoảng 6 triệu đồng/lượng. YT

Ngay sau khi Thủ tướng ký ban hành Nghị định 24, ngày 5-4, NHNN đã công bố Dự thảo thông tư hướng dẫn quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

NHNN tiếp tục khẳng định việc thực hiện các hoạt động kinh doanh vàng phải được NHNN cấp phép. DN và tổ chức tín dụng chỉ được hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ; kinh doanh mua bán vàng miếng và xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu sau khi được NHNN cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện. Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ và giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng là giấy phép cấp một lần.

Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ của DN có vốn đầu tư nước ngoài là giấy phép cấp hằng năm và có thể cấp điều chỉnh căn cứ nhu cầu và năng lực sản xuất thực tế của DN. Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu là giấy phép cấp từng lần căn cứ nhu cầu của thị trường vàng và mục tiêu chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ.

TRÀ PHƯƠNG

YÊN TRANG thực hiện
Nguồn: http://phapluattp.vn/2012040511132805p0c1014/loai-bo-dau-co-vang-chup-giat.htm