Loại bỏ ‘giấy phép con’: Bộ Công Thương sẽ gặp trở ngại?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo đó, những điều kiện ngặt nghèo về số lượng vỏ bình, dung tích bồn chứa… vốn là nguyên nhân chính gây bức xúc cho các công ty nhỏ kinh doanh gas đã được bãi bỏ. Chẳng hạn các công ty kinh doanh gas sẽ không còn phải bỏ ra từ 25 tỉ đến 100 tỉ đồng để mua vỏ bình rồi chất đống, cũng như phải thuê kho bãi khủng để chứa bình gas. Điều kiện phải có bồn chứa 300 m3 cũng được bãi bỏ.

Đây là động thái tiếp theo của Bộ Công Thương, sau khi quyết định bãi bỏ, đơn giản hóa 123 thủ tục, trong đó có nhiều quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh LPG.

Ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhận xét đây là một trong những tín hiệu rất tốt đối với quyền tự do kinh doanh trong lĩnh vực kinh doanh gas. Nếu việc này được thực hiện sớm thì các DN nhỏ kinh doanh gas sẽ không phải lâm vào tình cảnh khó khăn, thậm chí phá sản.

Ông Đức cho rằng, mong doanh nghiệp lớn mạnh là điều ai cũng muốn, nhưng phải lớn dựa trên việc người tiêu dùng tín nhiệm, mua nhiều, chứ không nên lớn vì mệnh lệnh hành chính. Nếu vì mệnh lệnh hành chính cấm doanh nghiệp nhỏ kinh doanh, ta sẽ có doanh nghiệp lớn nhưng không mạnh.

Tuy nhiên, chủ trương nói trên của Bộ Công Thương đang gây tranh cãi giữa các doanh nghiệp gas có quy mô lớn và các doanh nghiệp nhỏ.

Trong văn bản kiến nghị gửi các cơ quan chức năng, Hiệp hội Gas Việt Nam cho rằng hiện còn nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề này. Hiệp hội cho rằng việc hạ chuẩn các điều kiện kinh doanh là cần thiết song cần xét đến điều kiện hội nhập, các thương nhân cần đầu tư về hạ tầng cơ sở và nhân lực mới cũng như cần có đủ năng lực cạnh tranh tối thiểu.

Nhìn nhận nghị định này tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh của DN tùy theo năng lực của mình chứ không hạn chế kinh doanh đối với DN nhỏ, hiệp hội đề nghị Chính phủ giữ nguyên Nghị định 19 và tiếp tục theo dõi việc thực hiện để có tổng kết sau 3 – 5 năm nữa, khi đó nếu cần thiết sẽ có điều chỉnh.

Công ty TNHH MTV Khí đốt gia đình mới đây cũng đề nghị các cơ quan quản lý Nhà nước giữ nguyên các điều kiện đã quy định tại Nghị định 19, thậm chí cần siết chặt hơn nữa hoạt động kinh doanh gas.

Trong khi đó, nhiều DN nhỏ kinh doanh gas đang rất trông đợi khi biết thông tin Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo sửa đổi quy định về kinh doanh gas.

Bà Nguyễn Thị Thùy Trang, một người kinh doanh khí gas Khánh Hòa, cho rằng Nghị định 19 năm 2016 yêu cầu doanh nghiệp phải có 100.000 vỏ bình gas và có kho chứa tới 300m3, có 20 tổng đại lý, khiến cho những doanh nghiệp đang kinh doanh phải đầu tư lên tới gần 50 tỷ đồng. Đáng nói là nhu cầu thị trường lại có quy mô nhỏ hơn so với số lượng cung ứng của doanh nghiệp. “Quá bất cập,  bất hợp lý và lãng phí, hạn chế quyền tự do kinh doanh”, bà Trang nói.

Tương tự, ông Trần Trung Nhật, một người kinh doanh gas từ Tây Ninh cho biết phải có 20 đại lý ký hợp đồng thì mới được Bộ Công Thương cấp phép làm thương nhân phân phối khí. Nhưng muốn ký được hợp đồng với các đại lý thì Sở Công Thương lại yêu cầu phải có giấy phép thương nhân phân phối khí.

“Không ai biết con gà có trước hay quả trứng có trước, không biết lối nào mà mò. Rất khổ. Nghị định cũng can thiệp quá sâu vào hoạt động kinh doanh, đại lý này chỉ được ký hợp đồng với thương nhân kia. Nhiều khi chúng tôi không biết mình kinh doanh hay cơ quan nhà nước kinh doanh nữa”, ông Nhật nói.

Ba điều kiện

Bản dự thảo nghị định thay thế cho Nghị định 19 về kinh doanh gas đã sửa đổi theo hướng xóa bỏ gần hết các điều kiện với thương nhân phân phối. Cụ thể, để làm thương nhân phân phối, các đơn vị chỉ cần có giấy đăng ký kinh doanh, không cần phải lo về vỏ bình, kho chứa như lâu nay.

Dự thảo nghị định cũng chỉ quy định ba điều kiện để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện làm thương nhân kinh doanh khí. Thứ nhất là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật có đăng ký ngành nghề kinh doanh khí. Thứ hai, có hợp đồng mua bán khí với thương nhân sản xuất, chế biến khí hoặc thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu khí và thứ ba là đáp ứng các điều kiện về an toàn, phòng cháy và chữa cháy theo quy định.

Thành Đạt
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ