Lối thoát nào cho doanh nghiệp năm 2013?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Điều chỉnh sản xuất mặt hàng

Năm 2012 sắp qua đi với những dư âm của một năm nền kinh tế thế giới cũng như trong nước tiếp tục rơi vào tình cảnh khó khăn, chưa có lối ra sáng sủa. Nhận định về tình hình kinh tế thế giới năm 2013 tại Hội thảo “Kinh tế thế giới và Việt Nam 2012, triển vọng 2013- Lối thoát nào cho doanh nghiệp?” do Viện Kinh tế và Thương mại Quốc tế (Đại học Ngoại thương) tổ chức ngày 17-11, TS Lê Đăng Doanh, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lí kinh tế Trung ương cho rằng: Châu Âu đã rơi vào suy thoái khi hai quý liền tăng trưởng âm, còn tình hình của Hy Lạp thì thảm hại vô cùng. Ở châu Á, Nhật Bản cũng rơi vào suy thoái khi tăng trưởng âm 0,9% trong quý III-2012 và âm 0,3% trong quý II. Nợ công của nước này cũng lên tới 200% GDP.

“Dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng cho thấy đa số các nước châu Âu đều có mức tăng trưởng âm trong năm 2013, tích cực lắm cũng chỉ có nước tăng trưởng 0% chứ không có nước nào tăng lên” – TS Lê Đăng Doanh dẫn chứng.

Trước bức tranh kinh tế thế giới vẫn còn u ám trong năm 2013, TS Lê Đăng Doanh nhận định: Nhu cầu các mặt hàng của các nước cũng thay đổi. Người ta chỉ mua những gì cần thiết như thuốc chữa bệnh, thực phẩm và đẩy mạnh chính sách tiết kiệm bằng cách không mua các loại hàng hóa như đồ thủ công mỹ nghệ, đồ dùng gia đình… Cho nên các doanh nghiệp Việt Nam cần xem xét điều chỉnh mặt hàng, đối tượng khách hàng và có một chính sách thích hợp.

Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cho rằng vẫn còn có cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam vươn lên. “Vì hiện nay Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn đầu tư vào Việt Nam. Đây là cơ hội để chúng ta tìm cách liên kết với các doanh nghiệp đó để tiếp tục kinh doanh”.

Ổn định trước, phát triển sau

Cùng chung quan điểm nền kinh tế thế giới chưa thể khởi sắc, nên trong nhận định về tình hình kinh tế Việt Nam năm 2013, TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (Đại học Kinh tế- Đại học Quốc gia Hà Nội) tỏ ra thận trọng: Tăng trưởng kinh tế tiếp tục chậm lại, lạm phát tuy vẫn ở mức thấp nhưng sẽ có thể tăng cao hơn năm 2012. Cải cách hệ thống ngân hàng thương mại dù được hy vọng nhiều nhất nhưng đang vấp phải rào cản từ các nhóm lợi ích, cho nên hiệu quả tái cơ cấu ngân hàng sẽ diễn ra chậm chạp. Trong khi đó, nợ xấu vẫn chưa có một chương trình nào cụ thể.

“Một số chương trình xử lí nợ xấu được các cơ quan quản lí đưa ra mà tôi có dịp tiếp cận đều cho thấy không có nhiều hy vọng. Cho nên chính sách xử lí nợ xấu- vốn là vấn đề cốt lõi nền kinh tế cho đến hết năm 2013 cũng chưa thể có lộ trình giải quyết rõ rệt mà phải chờ đến năm 2014” – TS Nguyễn Đức Thành dự đoán.

Ngoài ra, vị chuyên gia này cũng nhận định dư địa để hạ lãi suất huy động không còn nữa cho nên các doanh nghiệp vẫn phải chấp nhận lãi suất cho vay cao. Khi đó doanh nghiệp không thể phục hồi được còn nợ xấu lại tiếp tục tăng cao. Nền kinh tế sẽ tiếp tục rơi vào vòng luẩn quẩn như vậy.

Nói về tác động của những khó khăn của nền kinh tế thế giới năm 2013 đến Việt Nam, TS Cao Sĩ Kiêm đưa ra hình ảnh ví von: “Họ hắt hơi sổ mũi thì chúng ta ốm nặng rồi”.

Trong bối cảnh đó, TS Cao Sĩ Kiêm cho rằng trong cộng đồng doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ là đối tượng gặp khó khăn, yếu thế nhất. Các doanh nghiệp này phải sử dụng phương châm “Tự cứu trước khi trời cứu”. Đó là cách làm mà ông Cao Sĩ Kiêm cho là “tốt nhất” và có khả năng “đóng góp nhiều nhất” cho sự thành bại của doanh nghiệp.

Ít nhất là các doanh nghiệp phải tự tổng kết, đánh giá, tự nhìn ra ưu khuyết điểm, những vấn đề mà doanh nghiệp có thể phát triển được, những vấn đề cần dừng lại để xây dựng chiến lược kinh doanh mới thích ứng hơn. Cũng phải theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, nâng cao năng lực dự đoán, dự báo để có thể điều chỉnh linh hoạt kế hoạch sản xuất kinh doanh.

“Làm như vậy trước hết sẽ giúp doanh nghiệp tồn tại được, chưa nghĩ đến việc phát triển. Bởi vì khi ổn định, vượt qua được khó khăn doanh nghiệp mới có cơ hội phát triển. Khi doanh nghiệp chưa đứng vững, khó khăn vẫn giăng mắc nếu tiến lên một bước hôm nay thì hôm sau sẽ bị kéo lùi trở lại” – TS Cao Sĩ Kiêm nhấn mạnh.

Lương Bằng
Nguồn: Báo Hải quan Online