Lời tỏ tình dũng cảm
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Tôi được nhận lời tỏ tình dũng cảm, vì người ấy biết nhiều khả năng bị chối từ.

“Cơ thể Tú có bệnh nhưng trái tim tớ rất lành lặn”, cậu nói. Trước khi đề nghị mối quan hệ tiến xa hơn mức bạn bè, Tú thông báo cho tôi biết mình nhiễm HIV đã vài năm. “Căn bệnh thế kỷ”, tôi nghĩ trong đầu. Suy nghĩ và hình ảnh tiêu cực liên tục xuất hiện. Tôi và bạn ấy thực sự rất hợp nhau, mình có chấp nhận không?

Tôi và Tú quen nhau qua vài người bạn năm năm trước. Khuôn mặt bầu, mái tóc bồng bềnh và đôi mắt đen lúc nào cũng điềm đạm nhìn tôi khi trò chuyện. Chúng tôi mất liên lạc sau khi tôi du học. Mãi cho đến đầu năm nay, dịch Covid-19 làm chúng tôi trò chuyện thâu đêm suốt sáng. Cả hai đều biết đối phương dường như đang mong muốn điều gì. “Cậu có thương hại tớ không?”, Tú hỏi sau khi ngỏ lời. Tôi im lặng sau dòng chữ ấy.

Tôi bỏ Sài Gòn lên Tây Nguyên, đi sâu vào ngôi làng nhỏ nằm ở xã Ea K’Ly, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk để gặp vợ chồng chị Ánh. Tôi chứng kiến cuộc sống của cặp vợ chồng nhiễm HIV, hàng tháng phải chạy xe vượt đồi núi hơn 50 km để nhận thuốc kháng virus (ARV). Căn nhà nhỏ chìm giữa khoảnh ruộng thơm ngát hoa cà phê của họ lúc nào cũng có tiếng cười sau muôn vàn nước mắt và sự ghẻ lạnh. Chưa hài lòng, tôi tìm đến một xóm nhỏ nằm bên con rạch bình lặng ở huyện Châu Thành, An Giang. Cô giáo Vân đã 20 năm sống cùng “H”. Tôi hỏi cô có oán hận người chồng đã mất vì đem bệnh cho mình không – “có”, cô trả lời. Nhưng mặc những kỳ thị của người đời, vì đứa con mới được năm tháng đã mất cha, cô tiếp tục sống trong những ngày Việt Nam còn loay hoay chưa có phác đồ điều trị HIV/AIDS. “Vợ chồng người ta nói ngoài cái tình còn có cái nghĩa”, cô khẳng định bằng giọng miền Tây dứt khoát. Tôi cũng gặp chị Linh ở Sài Gòn. Năm 2007, chị phát hiện mình nhiễm HIV từ chồng. 13 năm sau, chị hạnh phúc với gia đình mới. Vợ chồng chị sinh hoạt bình thường như mọi cặp đôi. Tôi xin nhắc lại là “bình thường”, bao gồm việc quan hệ tình dục. Suốt ba năm ròng bên nhau, chồng chị vẫn âm tính. Đó là bởi chị Linh uống ARV mỗi ngày.

Mỗi năm trên cả nước có hơn 10 nghìn người nhiễm HIV được điều trị ARV giống chị Linh, cô Vân hay vợ chồng chị Ánh. Họ là một phần của cộng đồng này. Y học tiến bộ đã giúp số ngày chờ từ khi đăng ký cho đến khi được điều trị ARV tại Việt Nam đã giảm từ trên 350 ngày năm 2011 xuống còn 0 ngày vào năm 2018.

Nhưng cũng đã 30 năm kể từ ngày Việt Nam ghi nhận ca mắc HIV đầu tiên. Dù đã tìm hiểu và tận mắt chứng kiến không ít trường hợp “có H” vẫn sống rất ổn định, nhưng lúc nghe Tú bày tỏ tình cảm, tôi đầy nghi hoặc và sợ hãi. Tôi đã im lặng và lờ đi dòng tin nhắn đó cho đến tận bây giờ. Cả tháng trời, đêm nào tôi cũng nghĩ về Tú, nhưng tôi đã câm lặng và sỉ vả rằng “mày thật tệ hại” khi không biết cư xử trong một mối quan hệ giữa người với người. Tôi cũng là người thường, dù cố gắng cao thượng, tôi đã rất sợ, HIV có thể tấn công tôi. Tôi mường tượng cuộc đời sẽ chấm hết khi tôi bị lây nhiễm H.

Trong các văn bản, chính sách liên quan đến người nhiễm HIV/AIDS của chính phủ, ngoài nhiệm vụ phòng, chống bệnh thì “chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người bị nhiễm HIV/AIDS” được coi là “trọng tâm, cấp bách và lâu dài”. Tuy nhiên, những pano, poster tuyên truyền về căn bệnh gắn với hình ảnh quả cầu gai gớm ghiếc, đầu lâu, nấm mồ, xương người vẫn còn giăng nhiều nơi khiến rất nhiều người đang nghĩ về nó với những gì kinh khủng nhất.

Tôi đã không bước qua nổi nghi ngờ, ám ảnh và cả sự ích kỷ của bản thân, tôi biết chính mình đã không thể bước qua bóng ma “phân biệt đối xử”. Sự thật là tôi đã thất bại. Mối quan hệ của tôi và Tú đã tổn thương bởi vì ám ảnh trong tôi quá lớn. Tôi ước gì mình có thể được tẩy não để không còn những hình ảnh ghê rợn, dòng chữ to tướng “đừng để HIV huỷ hoại cuộc đời bạn” trong tâm trí.

Hôm nay, 1/12, ngày Thế giới phòng chống AIDS. Hiện mỗi năm trên toàn cầu vẫn có 690 nghìn người tử vong do AIDS và hơn 12 triệu người đang phải chờ đợi để được điều trị bệnh. Tại Việt Nam, kể từ khi người nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện tại TP HCM năm 1990, trung bình khoảng 11 nghìn ca nhiễm mới và hơn 2 nghìn người tử vong mỗi năm. Nhưng số ca nhiễm HIV đã giảm liên tục trong 10 năm qua. Tính đến tháng 8/2020, đã có 213 nghìn người nhiễm HIV đang còn sống.

HIV/AIDS giờ đây đã được nói đến cởi mở hơn 30 năm trước – khi người ta phải thầm thì hoặc giữ bí mật trong sự tổn thương nhiều năm cả khi đã qua đời. Luật pháp nước ta cũng như nhiều nước khác quy định người dương tính với HIV có nghĩa vụ “thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính của mình cho vợ, chồng hoặc cho người chuẩn bị kết hôn với mình”. Tú đã thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ của mình.

Tại Hội nghị toàn cầu lần thứ 9 về AIDS ở Paris, 2017, Tiến sĩ Julio Montaner công bố nghiên cứu quan trọng về “một mức tải lượng virus HIV không phát hiện được là HIV không còn khả năng lây truyền”. Điều này có nghĩa rằng: một người nhiễm HIV được điều trị ARV khi có tải lượng virus dưới ngưỡng (dưới 200 bản sao mỗi ml máu) sẽ vừa bảo vệ sức khoẻ của mình và ngăn ngừa lây nhiễm HIV sang bạn tình. HIV đã không còn là bóng ma chết chóc.

Chúng ta không cần nữa những khẩu hiệu tuyên truyền đầy đe dọa, mà là những cách thông tin tháo xuống sự đóng khuôn hiểu biết và lòng vị kỷ của cộng đồng. Và rằng, những người có HIV được điều trị đúng phác đồ, họ hoàn toàn không phải mối đe dọa với bất cứ ai. Họ xứng đáng được nhìn bằng ánh mắt bình thường nhất, được tạo điều kiện để sống và cống hiến.

Tú có lẽ không biết rằng tôi vẫn dõi theo cậu. Tôi biết, việc tìm một ai đó ở bên cạnh với Tú sẽ rất khó. Tôi tự hỏi rằng với thời đại mạng xã hội náo nhiệt ngày nay, liệu bao dung và hiểu biết với cộng đồng “có H” sẽ được “lây lan”? Bởi với những người có HIV, bị kỳ thị cũng đã là một cái chết.

Phong Vinh