Lựa chọn cơ chế điều hành tỷ giá nào?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Ý kiến của bà Nguyễn Kim Thanh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2008 về định hướng điều hành chính sách tỷ giá trong thời gian tới.

Trong bối cảnh lạm phát gia tăng mạnh, thâm hụt cán cân thương mại lớn và dòng vốn đầu tư nước ngoài vào nhiều, việc lựa chọn một cơ chế điều hành tỷ giá phù hợp với tình hình và chính sách tiền tệ hiện tại có ý nghĩa quan trọng trong việc bình ổn kinh tế vĩ mô.

Cũng như hầu hết các nước khi mở cửa hội nhập, Việt Nam đang phải đối mặt với hiện tượng “bộ ba bất khả thi” gồm: dòng vốn chảy vào và chảy ra; tỷ giá hối đoái; và lạm phát.

Đó là khi dòng vốn nước ngoài vào nhiều, để ổn định tỷ giá Ngân hàng Nhà nước mua ngoại tệ, qua đó gây áp lực lạm phát, việc kiểm soát dòng vốn theo quy định của Pháp lệnh Ngoại hối thì Việt Nam đã tự do hoá giao dịch vãng lai, cũng có giao dịch vốn chưa được tự do hoàn toàn nhưng đã nới lỏng một cách tương đối.

Theo lý thuyết này, với một tài khoản vốn mở, một quốc gia không thể đạt được cùng một lúc hai mục tiêu ổn định lạm phát và ổn định tỉ giá (tỉ giá mục tiêu). Đối với các thị trường mới nổi, nơi mà thị trường tài chính và tiền tệ còn kém phát triển, thì hiện tượng bộ ba bất khả thi là vấn đề đặc biệt nghiêm trọng. Việc giải quyết hợp lí ba mục tiêu vĩ mô này, đối với mỗi quốc gia khác nhau thì có các phản ứng khác nhau.

Vấn đề đặt ra lúc này đối với Việt Nam là phải lựa chọn cơ chế điều hành tỷ giá nào là thích hợp trong quá trình hội nhập kinh tế luôn là những vấn đề hóc búa. Sự lựa chọn sai lầm rất có thể dẫn đến sự bất ổn tiền tệ, bất ổn kinh tế vĩ mô.

Trong ba mục tiêu trên, kiểm soát lạm phát là mục tiêu số một không thể loại bỏ, do đó vấn đề tỷ giá và kiểm soát dòng vốn cần có sự lựa chọn cho phù hợp để hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng của “bộ ba bất khả thi”.

Vậy cơ chế điều hành tỷ giá nào phù hợp với tình hình kinh tế và mức độ phát triển thị trường tài chính hiện nay của Việt Nam?

Có nhiều quan điểm khác nhau về việc áp dụng cơ chế tỷ giá hối đoái hiện nay, có ý kiến cho rằng trong bối cảnh lạm phát cao, dòng vốn vào nhiều nên để VND lên giá theo cung cầu thị trường thì mới kiểm soát được lạm phát; có ý kiến ngược lại là phải can thiệp để phá giá VND để giảm thâm hụt cán cân thương mại mà hiện nay đang thâm hụt ở mức báo động.

Có hai vấn đề quan trọng cần được xem xét khi lựa chọn cơ chế điều hành tỷ giá, đó là xem xét tác động chính sách tỷ giá trên khía cạnh vĩ mô và vi mô. Xét về khía cạnh vĩ mô, một chính sách tỷ giá cần phải được nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc thiết lập một cái neo rõ ràng và đáng tin cậy như một nhân tố của chiến lược chính sách nhằm ổn định mức giá trong nước và ổn định thị trường tài chính.

Về khía cạnh vi mô, chính sách tỷ giá cần phải được nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì khả năng cạnh tranh quốc tế của nền kinh tế, đảm bảo một vị thế cán cân thanh toán mạnh, theo đó chính sách tỷ giá gắn với cả biến số kinh tế thực.

Từ tình hình và đặc điểm kinh tế Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và lạm phát đang gia tăng như hiện nay, việc lựa chọn cơ chế điều hành tỷ giá để đạt được mục tiêu kiềm chế lạm phát và ổn định thị trường tiền tệ là không đơn giản với tình trạng đôla hoá như hiện nay.

Điều đó cũng cho thấy không thể lựa chọn cơ chế tỷ giá thả nổi ngay lập tức mà cần phải có lộ trình cụ thể để đảm bảo ổn định thị trường tài chính. Mặc dù kiềm chế lạm phát là mục tiêu quan trọng hàng đầu, song do tính tác động yếu của tỷ giá đến lạm phát và tăng trưởng kinh tế, vì vậy nên lựa chọn cơ chế điều hành tỷ giá hướng tới bình ổn thị trường tài chính hơn là hướng tới kiềm chế lạm phát cũng như tăng trưởng kinh tế.

Với thực trạng về mức độ phát triển thị trường ngoại hối, thị trường tiền tệ như hiện nay thì cơ chế điều hành tỷ giá khống chế biên độ như hiện nay là hợp lý. Chính vì vậy, trong lựa chọn chính sách vĩ mô để kiểm soát lạm phát cần hướng tới việc kiểm soát dòng vốn vào sẽ hiệu quả hơn thông qua công cụ tỷ giá.

Tuy nhiên, để chính sách tỷ giá hỗ trợ tích cực cho chính sách tiền tệ đạt được mục tiêu kiềm chế lạm phát trong trung hạn, thì phải từng bước tạo ra sự linh hoạt trong cơ chế điều hành tỷ giá.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam