Luật An toàn thực phẩm : Vướng khi thực thi
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo PGS TS Phạm Xuân Đà – Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia (ATVSTPQG), đến nay mới có Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành văn bản hướng dẫn.

Lúng túng – rối rắm !

Nhiều DN cho biết họ gặp không ít khó khăn khi làm thủ tục nhập khẩu các mặt hàng thực phẩm, đặc biệt là nhập khẩu qua đường hàng không. Một DN chia sẻ với DĐDN: Nhập khẩu thực phẩm qua đường hàng không đòi hỏi việc giải phóng hàng nhanh vì thời hạn sử dụng ngắn. Nếu cơ quan hải quan không thông quan sớm, ách hàng sẽ gây nhiều thiệt hại cho DN. Theo quy định, cơ quan hải quan chỉ được cho DN nợ chứng từ trong 30 ngày, nhưng trong luật chưa nêu rõ từ khi lấy mẫu đi kiểm tra sau bao nhiêu ngày phải có kết quả ? Hay việc giám sát hàng hóa (khi DN NK và đưa hàng về kho để bảo quản trong thời gian chờ kết quả kiểm tra) với cơ quan hải quan cũng rất khó khăn vì không đủ nhân lực…

Đồng tình với quan điểm này, PGS Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm bình luận : Luật quy định những vấn đề rất chung nếu không có văn bản hướng dẫn dưới luật thì dễ dẫn đến việc áp dụng thiếu thống nhất hoặc không áp dụng được. Đơn cử, tại Điều 40 về trình tự, thủ tục và phương thức kiểm tra đối với hàng nhập khẩu (NK), có quy định phương thức kiểm tra gồm ba mức là : kiểm tra chặt, thông thường và kiểm tra giảm. Nhưng thế nào là chặt, là thông thường, là giảm và những DN nào được kiểm tra theo các mức trên lại chưa quy định rõ trong luật.

Trong khi đó, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội) Mai Thị Thu Hà cho biết : Nhiều vướng mắc gây khó cho các đơn vị hải quan cửa khẩu. Cụ thể, Điều 40 quy định : Thực phẩm chỉ được đưa về kho bảo quản chờ hoàn thành việc thông quan khi có giấy đăng kí kiểm tra ATVSTP và hàng hóa thực phẩm chỉ được thông quan khi có kết quả kiểm tra ATVSTP đạt yêu cầu. Trong khi đó, theo Quyết định 36/2010/QĐ-TTg ngày 15/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ ban hành “Quy chế phối hợp kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hoá” quy định hàng hóa NK chưa có chứng nhận, kết quả giám định chất lượng được thông quan khi có giấy đăng kí kiểm tra ATVSTP theo phương thức đăng kí trước, kiểm tra sau.

Thống nhất quản lý

Theo các DN, một mặt hàng thực phẩm chỉ cần một cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm định là tốt nhất, vừa tránh khó khăn cho cơ quan kiểm tra, vừa đỡ mất thời gian, tiền bạc cho DN. Đặc biệt đây là mặt hàng đặc thù, cần giải quyết thủ tục nhanh chóng để lâu sẽ không có lợi cho sức khoẻ người tiêu dùng.

Ví dụ, theo quy định của luật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra một số ngành hàng gồm: ngũ cốc, thủy sản và sản phẩm thủy sản, thịt và sản phẩm thịt, rau củ quả và sản phẩm sau củ quả, trứng và sản phẩm trứng, sữa tươi nguyên liệu, mật ong và sản phẩm mật ong… Bộ Công Thương quản lý: rượu, bia, nước giải khát, sữa chế biến, dầu thực vật, sản phẩm chế biến bột – tinh bột… Bộ Y tế quản lý chất phụ gia và hỗ trợ chế biến, nước uống đóng chai, nước khoáng thiên nhiên…

Đại diện cơ quan hải quan cũng thừa nhận, nếu DN NK một lô hàng có nhiều mặt hàng sẽ phải gõ cửa ở nhiều cơ quan khác nhau chỉ để thực hiện cùng một nội dung “kiểm tra chất lượng thực phẩm NK”. Việc này sẽ làm cho DN phải tăng thêm nhân lực, thời gian, chi phí…! Đơn cử như mặt hàng mì gói, chỉ trong 1 gói mì nhưng đã có đủ thành phần mặt hàng của ba bộ quản lí, như muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lí); bột gạo, dầu tinh luyện (Bộ Công Thương quản lí), chất phụ gia (Bộ Y tế quản lí). Vậy nếu DN NK một mặt hàng có những thành phần như gói mì nêu trên thì họ sẽ phải kiểm tra chất lượng ở cơ quan nào ?

Theo các chuyên gia, việc một mặt hàng phải qua sự kiểm tra, kiểm định của nhiều bộ, ngành ở góc độ nào đó sẽ là tốt bởi mỗi bộ, ngành có chuyên môn riêng về lĩnh vực của mình, việc kiểm tra, kiểm định sẽ tốt và chính xác hơn. Tuy nhiên, điều đáng nói là thực phẩm là mặt hàng có liên quan trực tiếp tới sức khoẻ của người tiêu dùng, nếu việc kiểm tra, kiểm định phải qua nhiều khâu, mất nhiều thời gian đôi khi lại thành “lợi bất cập hại”. Vì vậy, để giải quyết vướng mắc này chỉ cần quy định cơ quan quản lý nhà nước chịu trách nhiệm cao nhất về vấn đề sức khỏe là Bộ Y tế làm đầu mối. Điều này sẽ giúp DN giảm thời gian khi làm thủ tục. Khi phải kiểm tra chất lượng hàng NK, DN chỉ cần liên hệ đến Bộ Y tế, còn việc phối hợp kiểm tra với các bộ, ngành liên quan do Bộ Y tế thực hiện. Quốc Anh
 Nguồn: Báo Điện tử Diễn đàn doanh nghiệp