“Luật báo chí cần phù hợp xu thế hội nhập thông tin”
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

“Hành lang pháp lý chặt chẽ nhưng vẫn có đủ điều kiện cho báo chí phát triển”

– Thưa Thứ trưởng, Bộ TT-TT đang sửa đổi bổ sung Luật báo chí. Vậy ông có thể cho biết những quy định chính của luật này?

Ông Đỗ Quý Doãn: Chúng ta vừa tổ chức Hội nghị Tổng kết 8 năm thi hành Luật báo chí, qua đó, đánh giá những việc đã làm được và chưa làm được trong thực thi luật báo chí.

Mặt khác, đây cũng là dịp rà soát lại, đánh giá lại những điều khoản nào chưa phù hợp, hoặc chưa đầy đủ…để sửa đổi bổ sung trong thời gian tới.

Yêu cầu được đặt ra rất lớn. Việc sửa đổi luật báo chí sẽ phải đảm bảo một số nguyên tắc:

Thứ nhất, phải bảo đảm sự ổn định cho hoạt động của báo chí.

Thứ hai, luật phải thể chế đầy đủ đường lối, chính sách của Đảng trong hoạt động báo chí, trong đó có những nguyên tắc, quan điểm cơ bản của Đảng.

Ví dụ như phát triển phải đi đôi với quản lí tốt; hoạt động báo chí đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lí của nhà nước, trong khuôn khổ của pháp luật; phát huy tính chiến đấu, tính đa dạng, tính nhân dân của báo chí…

Một điều quan trọng là trong xu thế hội tụ thông tin hiện nay, chúng ta cũng tiến tới để tất cả quy định của luật báo chí phù hợp với sự phát triển trong xu thế này. Tôi nghĩ rằng còn nhiều việc phải xây dựng trong Luật.

Ví dụ như sự xuất hiện của các loại hình báo chí mới, phải xác định, xem xét cho phép cơ quan báo chí nào được phép kinh doanh dịch vụ để tạo nguồn thu, đầu tư trở lại, với những dịch vụ phù hợp với chức năng báo chí; xem xét mô hình một cơ quan báo chí có nhiều loại hình báo chí, hay một loại hình mới xuất hiện hiện nay là tập đoàn báo chí, tập đoàn truyền thông…

Tôi nghĩ rằng, tất cả những loại hình đó sẽ xác định và bảo đảm làm sao cho báo chí có hành lang pháp lý chặt chẽ, nhưng vẫn có đủ điều kiện cho báo chí phát triển.

– Luật Báo chí sửa đổi sẽ quy định thế nào về quản lí báo điện tử?

Chúng ta đều biết đây là loại hình báo chí mang tính đặc thù rất cao, trước hết, được quản lí theo Luật báo chí. Nếu loại thông tin điện tử ở mức độ trang tin điện tử, nó sẽ được quản lí theo các quy chế, quy định trong việc thiết lập trang tin điện tử. Vì vậy, chúng ta cần phân định rõ ràng.

Tôi nghĩ phải theo nguyên tắc, theo quy định của pháp luật. Những điều nào chúng ta phát huy, thì chúng ta hỗ trợ, tạo điều kiện cho phát triển; còn những điều chúng ta nghiêm cấm, không được thông tin, thì báo chí cần tuân thủ nghiêm túc.

Nói một cách toàn diện hơn, trong tất cả cơ chế, chúng ta đang cố gắng tạo một hành lang pháp lý thông thoáng nhưng mà đảm bảo chặt chẽ theo đúng quan điểm phát triển gắn với quản lí.

Như tôi nói, thông tin báo chí đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, hoạt động trong khuôn khổ của pháp luật.

Nếu chúng ta đảm bảo được những điều đó thì tôi tin rằng, bất cứ sự phát triển nào hoạt động nào cũng được bảo đảm điều kiện thuận lợi trong sự phát triển chung.

– Cụ thể hơn, có phải vì vậy nên mới đây Chính phủ đã chấp nhận cho Bộ TT-TT được thành lập Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử để quản lí loại hình báo chí này?

Đúng thế, với tính chất đặc thù của báo điện tử, thời gian tới, ngoài luật báo chí, về văn bản hướng dẫn cụ thể, tôi nghĩ, nghị định mới thay thế nghị định 55 quản lí về Internet cũng có chế tài được ban hành sẽ góp phần quản lí báo điện tử. Nghị định này cũng góp phần cụ thể hóa hơn những yếu tố đặc thù của báo điện tử.

Dưới nghị định sẽ có những quy chế, ví dụ như quy chế, chế tài về thiết lập trang tin địên tử trên Internet và một số văn bản khác…

Hoặc là trong quá trình sau khi luật báo chí ban hành, chúng ta sẽ tiếp tục xây dựng. Như vậy mới có thể có đầy đủ những văn bản tạo thành hệ thống pháp luật quy định cho báo điện tử.

– Được biết, bên cạnh Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ TT-TT sẽ lập thêm Cục Thông tin đối ngoại. Ông có thể cho biết vai trò của Cục này?

Nghị định 187 do Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ của Bộ TT-TT vừa mới được ban hành và Bộ đang chuẩn bị những điều kiện về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy… để thực hiện theo Nghị định này.

Nhưng chắc chắn, khi Nghị định đã được Chính phủ thông qua thì Bộ cũng đã định hình được những nhiệm vụ cơ bản.

Tôi nghĩ trước hết, Cục Thông tin đối ngoại là cơ quan chịu trách nhiệm trước Bộ để thực hiện công tác quản lí Nhà nước về thông tin đối ngoại và là đầu mối để phối hợp với cơ quan chức năng của Chính phủ và của Đảng thực hiện nhiệm vụ thông tin đối ngoại.

Thứ hai là Cục cũng có trách nhiệm định hướng những vấn đề liên quan đến thông tin đối ngoại và làm những thông tin đối ngoại tốt nhất.

Điều quan trọng nhất, xuyên suốt là làm sao để thông qua các phương tiện thông tin, giới thiệu hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam ra nước ngoài càng nhiều càng tốt. Và làm sao trên báo chí của chúng ta có những sản phẩm thông tin đối ngoại tốt nhất.

“Hành lang pháp lý chặt chẽ, nhưng vẫn có đủ điều kiện cho báo chí phát triển”
(Nguồn: masternewmedia)

– Luật báo chí sửa đổi sẽ có những quy định gì về quyền và nghĩa vụ của tổng biên tập (TBT), thưa Thứ trưởng?

Đây là nội dung trong Luật sắp tới cần quan tâm vì thực ra, trong luật hiện hành, quy định rất chung là TBT chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của cơ quan báo chí. Có thể nói, quyền và nghĩa vụ rất mênh mông, không cụ thể. Và trong Nghị định 51, quy định cũng chung chung.

Tôi nghĩ đây là vấn đề cần xem xét kỹ lưỡng trong luật vì thực ra, TBT là người chịu trách nhiệm chính trong tờ báo, là linh hồn của tờ báo. Với những sai phạm của tờ báo, trên báo chí, nói cho cùng, TBT là người phải chịu trách nhiệm, vì là người quyết định cho đăng; còn nhà báo là người chịu trách nhiệm trước TBT.

Cho nên, trách nhiệm của TBT rất lớn. Luật báo chí sắp tới cần phải xác định, TBT là thế nào? Tiêu chuẩn của TBT, cần có trình độ gì? Thứ hai, quy định rõ TBT có quyền gì. Thứ ba, TBT có nghĩa vụ gì? Thứ tư, khi TBT không thực hiện những nghĩa vụ đó thì chế tài xử lý như thế nào. Tất cả quy định này sẽ phải cụ thể trong Luật báo chí mới.

“Đưa ra những chế tài phù hợp để hạn chế tối đa những thông tin sai sự thật”

– Thời gian gần đây, tồn tại khá nhiều tình trạng thông tin sai sự thật trên báo chí, Thứ  trưởng đánh giá thế nào về tình trạng này?

Trước hết, chúng ta cố gắng hạn chế tới mức thấp nhất tình trạng thông tin sai sự thật. Đây là sự nỗ lực rất lớn, giúp chúng ta hạn chế tối đa.

Tất nhiên, tình hình này vẫn diễn ra, nguyên nhân do một phần từ phía chủ quan là do các cơ quan báo chí do có yêu cầu bức bách, nhanh về cập nhật thông tin, mà thiếu sự thẩm tra, rà soát. Nguồn cung cấp thông tin không đảm bảo, không chính thống cũng dẫn đến thông tin sai sự thật.

Trong quy trình làm báo, đôi khi nhà báo đã bỏ qua một quy trình nào đó, dẫn đến việc kiểm tra tính xác thực của thông tin cũng hạn chế.

Về mặt khách quan, chúng ta thấy cũng có những yếu tố tác động tới tình trạng này, ví dụ do yêu cầu thông tin nhanh chẳng hạn. Chúng ta đã tiến hành thanh tra, kiểm tra xử phạt bằng nhiều hình thức: từ xử phạt bằng tiền đến thu hồi thẻ nhà báo; với cơ quan báo chí là đình bản trong một thời gian…

Tôi nghĩ, với tất cả hình thức đó, chúng ta phải đối chiếu, theo những quy định trong pháp luật để xử lý. Chúng ta cần tiếp tục tiến hành, để đưa ra những chế tài phù hợp, hạn chế tối đa những sai phạm báo chí nói chung, và thông tin sai sự thật nói riêng.

– Khi xử lý tờ báo thông tin sai sự thật, cơ quan quản lí có bị sức ép nào không?

Cơ quan quản lí Nhà nước chắc chắn không có sức ép nào, vì cơ quan quản lí là đại diện thay mặt cho Nhà nước để xem xét, xử lý những sai phạm trong hoạt động báo chí.

Điều đó được pháp luật quy định và khi pháp luật quy định thì sẽ được pháp luật bảo hộ. Và chắc chắn không thể có ai được đứng trên pháp luật, hoặc đứng ngoài pháp luật.

Nhưng vấn đề quan trọng ở đây là trình độ, năng lực của đội ngũ khi phân tích, đánh giá, kết luận vi phạm của những hành vi đó thuộc loại nào, mức độ nó đến đâu để đưa ra quyết định xử lý đúng mức, nhanh chóng và công bằng, mang tính minh bạch.

Điều đó phụ thuộc vào trình độ của người quản lí nhiều hơn chứ không dựa vào sức ép nào!

Doanh nghiệp, cá nhân có thể khởi kiện báo chí ra tòa nếu bị báo chí
đưa thông tin sai sự thật (Nguồn: statesrrg)

– Cũng có ý kiến cho rằng, việc xử phạt những trường hợp vi phạm luật báo chí hiện tại đang ở mức nhẹ. Ông đánh giá thế nào về ý kiến này?

Nhẹ hay không phải đánh giá, kiểm nghiệm. Nếu với những chế tài của Luật báo chí hiện nay, chúng ta áp dụng một cách đầy đủ thì cũng là biện pháp mạnh trong việc răn đe, ngăn ngừa các sai phạm. Tất nhiên, tất cả những quy định của pháp luật cũng chỉ có mức phù hợp trong những giai đoạn nhất định.

Đặc biệt, trong đời sống xã hội, hành vi vi phạm luôn có sự biến đổi. Vì vậy, trong quá trình vận hành, chúng ta cần xem xét cái gì đầy đủ, cái gì còn thiếu để tiếp tục bổ sung trong thực tế.

“Mọi người cần nghiên cứu đầy đủ luật để bảo vệ lợi ích của mình”

 – Với những cá nhân, doanh nghiệp bị thông tin sai sự thật, thì họ nên phản ứng thế nào, thưa Thứ trưởng?

Có vấn đề cần đặt ra với tổ chức, cá nhân là khi báo chí thông tin sai sự thật thì các bản thân tổ chức, cá nhân đó chưa biết hết được quyền của mình cần làm gì. Do đó, đây là điều thiệt thòi, tạo cho một số cơ quan báo chí vốn là cửa quyền lại càng cửa quyền hơn. Điều này cũng cần phải xem xét.

Còn tôi nghĩ, nếu như nghiên cứu đầy đủ Luật báo chí, Nghị định 51, và nhiều văn bản luật đưa ra thì Luật đã quy định đầy đủ về quyền hạn của mỗi công dân được bảo đảm uy tín, danh dự của mình trên báo chí. Vì theo quy định của Luật ban hành, đi liền với quyền cũng là nghĩa vụ. Đối với DN, tổ chức, cá nhân, bên cạnh nghĩa vụ, cũng có quyền lợi.

Nhưng trên thực tế, đôi khi, DN chỉ thấy mình luôn bị động với nhiệm vụ của mình mà không thấy quyền của mình nên không phát huy tối đa những quyền đó. DN có thể khởi kiện với báo chí ra toà. Theo tôi, mọi người cần nghiên cứu đầy đủ luật, thậm chí, có người tư vấn về pháp luật trong việc cung cấp thông tin và bảo vệ lợi ích của mình khi thông tin đã sai phạm.

– Hiện tại, Bộ có nhận được nhiều đơn khởi kiện báo chí của cá nhân, tổ chức về việc bị thông tin sai sự thật hay không?

Tôi nghĩ càng ngày càng nhiều người phản ánh về tình trạng này, vì càng ngày, trình độ và sự am hiểu luật của các tổ chức, cá nhân càng lớn. Tôi ví dụ, trước đây, mỗi năm chỉ có khoảng 200-300 người gửi đơn thư phản ảnh. Và số lượng này cứ tăng dần theo hàng năm. Và những vấn đề liên quan đến hoạt động báo chí là phải xem xét và xử lý đến đâu? Tôi nghĩ đó là điều đáng mừng trong xã hội.

Nhưng ngược lại, tôi vẫn nói đa số vẫn còn e ngại, hay gọi là “ngán ngại” với báo chí vì báo chí có phương tiện, và thông tin nên DN sợ bị vạ lây, thường chọn giải pháp im lặng. Khi báo chí thông tin sai sự thật, xúc phạm đến uy tín của cá nhân, thì cá nhân đó có quyền yêu cầu báo chí phải cải chính, xin lỗi nếu có căn cứ cho rằng thông tin đó sai sự thật.

Nếu báo chí không xin lỗi hoặc cải chính, xin lỗi không thỏa đáng thì mọi người có quyền khiếu nại lên cơ quan chủ quản, thậm chí, khởi kiện ra tòa. Điều này được Luật cho phép.

– Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Nguồn: Báo Điện tử VietNamNet