Luật Bảo đảm quyền được thông tin: Để bảo đảm sự công khai minh bạch
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Tuần này, vấn đề đảm bảo quyền được thông tin của người dân cùng các cơ chế pháp lý để thực hiện sẽ được thảo luận tại Hà Nội và TP.HCM.

Trao đổi với Pháp luật TP.HCM, TS Cao Đức Thái – Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Nghiên cứu quyền con người (Học viện Chính trị quốc gia) – cơ quan chủ trì tổ chức hội thảo nói: “Tư tưởng về quyền lực nhà nước thì từ Hiến pháp 1946 đã khẳng định “mọi quyền bính là của toàn thể nhân dân”. Như vậy, quyền được thông tin vừa là tiền đề, vừa là điều kiện cơ bản để đảm bảo tư tưởng đó thực thi trên thực tế. Hiến pháp 1946 không trực tiếp nói tới quyền này, nhưng có nhiều quy định rất ngắn gọn, súc tích. Chẳng hạn, nghị viện họp công khai, người dân có quyền đến nghe. Tức là người dân được tiếp cận tới sinh hoạt của cơ quan quyền lực cao nhất…

Tuy nhiên, trước đây trong điều kiện chiến tranh cũng như nhận thức chưa đầy đủ, việc bảo đảm các quyền công dân vẫn còn hạn chế, trong đó có quyền được thông tin”.

. Vậy những hạn chế trên đang được xem xét lại như thế nào, thưa ông?

TS Cao Đức Thái.+ Sau đổi mới, Đảng mới nhận thức được sâu sắc hơn về một nhà nước “của dân, do dân và vì dân”. Đến Cương lĩnh chính trị 1991, một quan điểm mới được nêu rõ là phải bảo đảm quyền được thông tin; phát triển các phương tiện thông tin đại chúng; thông tin đa dạng, nhiều chiều, kịp thời và chân thực về cuộc sống. Hiến pháp 1992 cụ thể hóa cương lĩnh tại Điều 69: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin…”.

Việt Nam đã tham gia Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền dân sự, chính trị. Trong văn bản này, các nước tham gia cũng công nhận một quyền cơ bản của con người là được thông tin.

. Thưa ông, Nghị quyết trung ương III năm 2006 đặt ra vấn đề mới là nghiên cứu xây dựng Luật Bảo đảm quyền được thông tin. Cơ chế thực hiện quyền trên trong thực tế vừa qua đã được đảm bảo ra sao?

+ Trước đòi hỏi dân chủ hóa đời sống xã hội ngày càng cao, nhà nước đã ban hành các quy định rải rác về quyền được thông tin, ở những góc độ, nội dung, hình thức khác nhau. Chẳng hạn Pháp lệnh Dân chủ cơ sở đề cập tới nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Luật Phòng chống tham nhũng cũng đề cao nguyên tắc công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan nhà nước. Đặc biệt, Luật Báo chí thể hiện rõ nhất tư tưởng quyền được thông tin bằng các quy định về quyền năng của báo chí, là diễn đàn của nhân dân, là cầu nối thông tin giữa nhà nước – xã hội… Quyền được thông tin còn thể hiện ở góc độ các quy định về quyền bí mật đời tư, bí mật thư tín qua các quy định trong Bộ luật Dân sự, chế tài của Bộ luật Hình sự.

Tuy nhiên, các quy định trên chưa được pháp điển hóa nên việc tiếp cận thông tin một cách đầy đủ, thuận lợi, chính thống chưa được bảo đảm.

. Việc “bảo đảm quyền được thông tin” theo Nghị quyết Trung ương III nên hiểu như thế nào?

+ Theo tôi, “bảo đảm” tức là nói tới trách nhiệm của nhà nước. Quyền của người dân thì không còn bàn cãi nữa, giờ phải tìm ra cơ chế đảm bảo thực hiện quyền đó.

. Thưa ông, báo chí là một kênh quan trọng, chuyên nghiệp trong việc cung cấp thông tin cho công chúng. Nhưng đôi khi người làm báo cũng khó tiếp cận được thông tin của nhà nước. Ông bình luận gì về hiện tượng này?

+ Khó khăn không phải là tại luật, tại chủ trương, chính sách của nhà nước, mà là trong từng quan hệ cụ thể, cơ quan có trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí lại né tránh, ngại tiếp xúc báo chí. Để bảo đảm quyền thông tin, từ vài năm trở lại đây nhà nước bắt đầu quy định về quy chế người phát ngôn. Chẳng hạn chính phủ mỗi tháng một lần họp báo cung cấp thông tin về phiên họp thường kỳ của chính phủ; các bộ, ngành chỉ ra một người phát ngôn cho đơn vị mình. Các cuộc hội thảo mở công khai góp ý các chủ trương, chính sách chuẩn bị ban hành cũng là hình thức cung cấp thông tin cho người quan tâm và công chúng.

Tuy nhiên, bên cạnh cầu nối báo chí, cần phải xây dựng những kênh thông tin trực tiếp hơn giữa cơ quan công quyền với người dân. Luật Bảo đảm quyền được thông tin phải tính tới yếu tố này.

. Các nước có truyền thống minh bạch thường xây dựng các trung tâm thông tin, điện tử hóa những tài liệu không thuộc diện mật để người dân tự do tiếp cận. Theo ông, Luật Bảo đảm quyền thông tin nên quy định vấn đề này như thế nào?

+ Quyền được thông tin là vấn đề rất mới, không chỉ với chúng ta. Ở các nước có truyền thống công khai, minh bạch, luật về quyền thông tin của họ có tên gọi rất khác nhau. Có nước là Luật về quyền tiếp cận văn bản của nhà nước, nước khác lại là Luật về quyền tự do thông tin, Luật về bảo mật dữ liệu, Luật về quyền tiếp cận tài liệu công…

Quan trọng nhất là phải phân định rõ các tiêu chí của thông tin, để nhận biết được đâu là tài liệu mật. Nghị quyết trung ương III về phòng chống tham nhũng định hướng là cần rà soát lại, theo hướng tăng cường công khai, minh bạch. Chỉ những tài liệu thực sự liên quan đến an ninh quốc gia, an ninh kinh tế, hoặc thuộc phạm vi bí mật đời tư công dân mới hạn chế thông tin.

Còn phương thức để người dân tiếp cận, công nghệ thông tin cho phép đơn giản hóa rất nhiều. Chính phủ, Quốc hội và nhiều cơ quan đang dần điện tử hóa hoạt động của mình. Chẳng hạn, những kỳ họp Quốc hội gần đây, không cần tới dự, người dân vẫn có thể tiếp cận được biên bản từng buổi họp được đưa lên trang web của Quốc hội.

.Xin cảm ơn ông!

Nguồn: Báo Pháp luật TP HCM