Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ có hiệu lực – Tôn trọng và bảo vệ quyền của người tiêu dùng
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Có thể khẳng định, hiện nay, quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng vẫn chưa thực sự được bảo vệ, mà phần lớn trông chờ vào đạo đức kinh doanh của các doanh nghiệp, sự phát hiện của các cơ quan chức năng và sự thỏa thuận của người tiêu dùng và doanh nghiệp khi có sự cố xảy ra. Chúng ta vẫn được chứng kiến cảnh nhiều người tiêu dùng mua phải rau, củ, quả ở ngoài chợ không bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm. Nhiều loại thực phẩm chế biến sẵn được bày bán trên thị trường có nhuộm phẩm màu đã bị cấm, có chứa chất sudan, cloramin B gây ung thư… Khách hàng mua hàng điện – điện tử ở nhiều cửa hàng với giá trị hàng triệu đồng, nhưng chỉ vài tháng sau đã hỏng, và phải mất rất nhiều thời gian mang đi bảo hành, thậm chí còn tiền mất tật mang. Gần đây, các cơ quan quản lý thị trường của thành phố Hồ Chí Minh đã phát hiện một số cửa hàng kinh doanh xăng dầu gắn chíp điện tử để gian lận, đong thiếu xăng cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc xử phạt cũng không được giải quyết tận gốc, mới chỉ là ném đá ao bèo. Sau khi cơ quan chức năng kiểm tra xong, đâu lại vào đó. Ngoài ra, trên thị trường, không ngoại trừ các siêu thị lớn xuất hiện nhiều loại bánh kẹo 3 không tức là không rõ nguồn gốc xuất xứ, không nhãn mác, không có hạn sử dụng. Những loại bánh kẹo này có nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm cho người tiêu dùng bất cứ lúc nào. Một điều dễ nhận thấy nhất là có rất nhiều cửa hàng treo biển khuyến mại, giảm giá, nhưng rồi nhiều khách hàng đã phải thất vọng khi mua về sản phẩm bị hỏng hóc chỉ sau thời gian ngắn sử dụng.

Những ngày đầu năm nay, lợi dụng tình hình biến động về giá cả trên thị trường, nhiều kẻ xấu đưa hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng ra thị trường bán cho người tiêu dùng, khiến người tiêu dùng vừa mất tiền lại vừa mua phải hàng không bảo đảm chất lượng. Với mong muốn bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa  dịch vụ, bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, UBND TP Hà Nội đã thực hiện Chương trình Hành động vì quyền lợi người tiêu dùng triển khai từ ngày 1.3 đến 31.7.2011. Chương trình được kỳ vọng là lực đẩy giúp doanh nghiệp hành động hiệu quả, thiết thực vì người tiêu dùng, đồng thời là bước đệm để người tiêu dùng hiểu rõ quyền lợi của mình, từ đó góp phần nâng cao nhận thức của toàn xã hội về công tác bảo vệ người tiêu dùng. Phó giám đốc Sở Công thương Hà Nội Phạm Đức Tiến cho rằng: cần tăng cường tuyên truyền về quyền lợi của người tiêu dùng, doanh nghiệp cần tự giác nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ của mình. Mặt khác, người tiêu dùng cần phản hồi thông tin cho cơ quan chức năng về những sản phẩm không bảo đảm chất lượng hoặc nguy hại cho người tiêu dùng. Hiện, Sở Công thương Hà Nội đã giao lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, kiểm soát thị trường và tổng đài 1081 tiếp nhận các thông tin phản hồi từ phía người tiêu dùng.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực từ ngày 1.7 năm nay. Người tiêu dùng có thể kiện doanh nghiệp khi đưa sản phẩm có chứa chất độc hại ra thị trường, tình trạng gian lận ở một số cây xăng, vi phạm dịch vụ bán hàng qua mạng… Nhiều quy định mới trong Luật cũng bắt buộc các doanh nghiệp phải làm tốt khâu bảo hành sản phẩm cho người tiêu dùng. Trưởng Ban Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công thương Vũ Thị Bạch Nga cho biết: Luật Bảo vệ người tiêu dùng có hiệu lực sẽ giúp người tiêu dùng có thể tự bảo vệ mình, giúp cơ quan Nhà nước có công cụ tốt hơn để bảo vệ người tiêu dùng. Ví dụ, Luật cho phép các tổ chức xã hội có quyền khởi kiện tập thể để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Về vấn đề bảo hành, nhiều doanh nghiệp bảo hành đi bảo hành lại nhưng sản phẩm vẫn không bảo đảm chất lượng. Người tiêu dùng phải đi lại nhiều lần, chán nên cũng bỏ luôn hoặc bị ép mua cái khác. Nhưng với các quy định mới trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong thời gian bảo hành, các doanh nghiệp sẽ phải chịu toàn bộ chi phí bảo hành, thậm chí phải đưa sản phẩm khác cho người tiêu dùng sử dụng trong thời gian bảo hành.

Để Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng phát huy hiệu quả, rất cần sự vào cuộc của cộng đồng người tiêu dùng. Người tiêu dùng hoàn toàn có quyền đòi hỏi các ngành chức năng, doanh nghiệp cung cấp đầy đủ thông tin và tích cực phát hiện các vi phạm, thông báo cho các cơ quan quản lý để xử lý kịp thời. Các cơ quan chức năng cần nâng cao trách nhiệm, điều tra phát hiện nhanh những hành vi tiêu cực khi có thông tin từ phía người tiêu dùng.

8 quyền cơ bản của người tiêu dùng theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

– Quyền được an toàn
– Quyền được thông tin
– Quyền được lựa chọn
– Quyền được lắng nghe
– Quyền được thỏa mãn những
nhu cầu cơ bản
– Quyền được bồi thường
– Quyền được giáo dục
– Quyền được có một môi trường lành mạnh và bền vững.

Hoàng Lan