Luật Cạnh tranh làm khó doanh nghiệp
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Khó trong xác định thị phần

Theo Luật Cạnh tranh 2004, tập trung kinh tế là hành vi của doanh nghiệp bao gồm sáp nhập, hợp nhất, mua lại, liên doanh giữa các doanh nghiệp và các hành vi tập trung kinh tế khác theo quy định. Trong trường hợp tập trung kinh tế mà thị phần của các doanh nghiệp nhỏ hơn 30% thì các doanh nghiệp được tự do thực hiện. Trong trường hợp thị phần kết hợp lớn hơn 30% cho tới dưới 50% thì các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế phải có thông báo lên cơ quan quản lý cạnh tranh.

Luật sư Nguyễn Bích Ngọc, Công ty Luật Freshfields cho biết, Luật Cạnh tranh quản lý về tập trung kinh tế thông qua thị phần, trong đó nghĩa vụ xác định thị phần thuộc về doanh nghiệp. Trước khi hoạt động tập trung kinh tế xảy ra, doanh nghiệp phải thu thập thông tin, tìm hiểu thông tin không chỉ thị phần của mình mà còn của đối thủ tham gia cạnh tranh. Mặc dù đã có Tổng cục Thống kê cung cấp các thông tin về thị trường nhưng những thống kê đó không đi sát vào mảng thị trường nhỏ, vào những giao dịch mua bán, sáp nhập mà các bên quan tâm. Hiện nay, không hề có hệ thống báo cáo hay khảo sát hoàn chỉnh nào được công nhận rộng rãi, được cập nhật thường xuyên về thị phần, lĩnh vực sản xuất kinh doanh thương mại hàng hóa dịch vụ trong nền kinh tế Việt Nam, do vậy gây ra không ít khó khăn cho doanh nghiệp.

Mặt khác, quy định về thị trường sản phẩm liên quan là thị trường của những hàng hóa, dịch vụ có thể thay thế cho nhau về đặc tính, mục đích sử dụng và giá cả, cũng khiến doanh nghiệp mơ hồ khi xác định thị phần, có thể làm kéo dài thời gian chuẩn bị giao dịch, thậm chí là làm cho các giao dịch không thực hiện được. Bởi ngay cả cơ quan chức năng cũng gặp khó khăn trong quá trình tính toán xác định thị phần liên quan hay thị phần kết hợp nhiều doanh nghiệp tập trung kinh tế.

 Nhiều chuyên gia kiến nghị rằng, để bảo đảm tính khả thi, Luật Cạnh tranh nên được sửa đổi theo xu hướng chung của thế giới, không quản lý tập trung kinh tế bằng thị phần mà bằng doanh thu của doanh nghiệp sau tập trung kinh tế, tức là quản lý bằng tài sản. Khi đó sẽ đưa ra được mức giá trị của tài sản, doanh thu, nếu như trên mức đó thì các doanh nghiệp phải có nghĩa vụ báo cáo tập trung kinh tế với cơ quan quản lý cạnh tranh. Rõ ràng, nếu quản lý bằng cách như vậy sẽ dễ dàng hơn với doanh nghiệp và cơ quan quản lý cạnh tranh, dễ xác định các mức giá trị có ảnh hưởng như thế nào tới thị trường.

Nhiều quy định mơ hồ

Theo nhận định của các chuyên gia, quy định liệt kê về những hành vi tập trung kinh tế tại Luật Cạnh tranh còn khá mơ hồ, “các hành vi tập trung kinh tế khác” là những hành vi như thế nào, hiện vẫn chưa rõ. Thực tế, theo báo cáo về tập trung kinh tế của Cục Quản lý cạnh tranh, đã từng có dự án của 3 tổ chức vận tải chỉ kí hợp đồng hợp tác vận tải nhưng không thành lập pháp nhân vẫn phải báo cáo thị phần tới cơ quan có thẩm quyền. Vậy, hành vi tập trung kinh tế khác có thể hiểu là việc kí hợp đồng mà không thành lập pháp nhân được hay không? Rõ ràng, nếu không có quy định chi tiết thì việc kí hợp đồng giữa các bên rất dễ bị coi là hành vi tập trung kinh tế, như vậy sẽ không phù hợp với mục tiêu của Luật Cạnh tranh. 

Việc đưa ra một định nghĩa đầy đủ về mua lại doanh nghiệp là điều rất cần thiết để xác định đâu là hành vi tập trung kinh tế, bởi Điều 35 Nghị định 116/2005 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cạnh tranh đã đưa ra những trường hợp ngoại lệ, đó là doanh nghiệp bảo hiểm, tổ chức tín dụng mua lại doanh nghiệp khác nhằm mục đích bán lại trong thời hạn dài nhất là 1 năm không bị coi là tập trung kinh tế nếu doanh nghiệp mua lại không thực hiện quyền kiểm soát hoặc chi phối doanh nghiệp bị mua lại, hoặc thực hiện quyền này chỉ trong khuôn khổ bắt buộc để đạt được mục đích bán lại đó. Tuy nhiên, chính vì những quy định mù mờ với định nghĩa chưa đầy đủ về mua lại trong Luật Cạnh tranh, đã gây ra không ít khó khăn cho doanh nghiệp bảo hiểm, tín dụng. Theo Khoản 3 Điều 17 Luật Cạnh tranh, mua lại doanh nghiệp là việc doanh nghiệp mua lại toàn bộ hoặc một phần tài sản khác đủ để kiểm soát, chi phối toàn bộ hoặc một ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp bị mua lại. Thế nào là kiểm soát và chi phối toàn bộ hoặc một phần ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp bị mua lại, hiện vẫn chưa rõ.

Bà Lê Thu Hương, Phòng M&A của Công ty Luật YKVN cho biết, mặc dù Nghị định 116/2005 đã xác định 2 trường hợp bên mua được xem là có quyền kiểm soát và chi phối, song vẫn còn khiến nhiều doanh nghiệp băn khoăn. Cụ thể, đối với trường hợp mua cổ phần hoặc mua tài sản dẫn tới việc bên mua có 50% hoặc dưới 50% quyền biểu quyết tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông hay cuộc họp của hội đồng quản trị nhưng giao dịch mua đó khiến cho bên mua có quyền chi phối chính sách tài chính và hoạt động của doanh nghiệp bị mua lại nhằm thu được lợi ích kinh tế từ hoạt động kinh doanh của công ty bị mua lại. Thế nhưng, hiểu thế nào là “bên mua có quyền chi phối đối với các chính sách tài chính và hoạt động của doanh nghiệp bị mua lại nhằm thu lại lợi ích kinh tế”? Trong trường hợp, một hợp đồng mua bán phát hành cổ phần trao cho nhà đầu tư chiến lược quyền phủ quyết đối với các vấn đề về cơ cấu tổ chức, hoạt động kinh doanh hay các vấn đề khác thì có bị coi là có quyền chi phối đối với các chính sách tài chính và hoạt động của doanh nghiệp bị mua lại hay không, cũng là câu hỏi còn bỏ ngỏ. Rõ ràng, mọi giao dịch M&A đều thu lại lợi ích kinh tế từ hoạt động kinh doanh nên việc đưa ra tiêu chí đánh giá này là chưa phù hợp.

 Ông Đoàn Tử Tích Phước, Giám đốc pháp lý và chính sách, Văn phòng Đại diện Công ty Bower Group Asia tại Việt Nam cho biết, theo quy định, sau khi tiếp nhận hồ sơ thông báo tập trung kinh tế của doanh nghiệp, cơ quan quản lý cạnh tranh chỉ việc xác minh thị phần của doanh nghiệp có đúng như báo cáo hay không. Trong trường hợp thị phần kết hợp trên 50% thì sẽ ra kết luận đây thuộc trường hợp tập trung kinh tế bị cấm, mà không thực hiện bước đánh giá, xem xét khả năng gây ảnh hưởng tới thị trường của hành vi đó. Điều này là chưa phù hợp. Cơ quan quản lý có thể vẫn cho phép doanh nghiệp sáp nhập, hợp nhất nhưng phải bán bớt bộ phận hoặc tài sản nào đó để bảo đảm cân bằng cạnh tranh ở mức tương đối. Song, kèm theo đó là trách nhiệm giám sát, để các doanh nghiệp sau khi thành lập không trở thành đối tượng có vị trí thống lĩnh thị trường.


Dương Cầm
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân