Luật Cạnh tranh: Sau 10 năm vẫn còn vướng mắc
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Luật Cạnh tranh của Việt Nam đã trải qua 10 năm thực tiễn áp dụng, bước đầu đã có những chuyển biến trong việc tạo ra môi trường pháp lý cạnh tranh bình đẳng, ngăn ngừa các hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trên thương trường.

Tuy vậy, khi so sánh với các luật khác như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Thương mại… Luật Cạnh tranh vẫn chưa được phổ biến sâu rộng. Đánh giá về tình hình thực thi pháp luật cạnh tranh trong giai đoạn 2005-2014, ông Phùng Văn Thành – Phó trưởng phòng Điều tra vụ việc hạn chế cạnh tranh – Cục Quản lý cạnh tranh nhận định cộng đồng doanh nghiệp vẫn còn tâm lý ngại khiếu nại va chạm, quá trình điều tra việc hợp tác cung cấp thông tin, chứng cứ còn nhiều hạn chế.

Nhận dạng và xác định thị trường sản phẩm liên quan

Mặc dù nghị định 116/2005/NĐ-CP đã dành hẳn mục 1, Chương II nói về xác định thị trường sản phẩm liên quan nhưng trong thực tế việc nhận dạng và xác định thị trường sản phẩm liên quan vẫn là một công việc rất khó có thể thực hiện đối với một doanh nghiệp thông thường.

Các khái niệm và cách xác định được nêu trong văn bản luật còn xa lạ, khó hiểu đối với nhiều chủ thể kinh doanh, các nguồn thông tin để xác định thị trường sản phẩm liên quan thể hiện trong văn bản luật còn hiếm, không được công khai một cách chính thống khiến cho các doanh nghiệp đều lúng túng khi cần thu thập sử dụng, dẫn đến ngại ngần đá động đến vấn đề cạnh tranh trong các thương vụ, các cuộc đàm phán của mình.

Trong các trường hợp sản phẩm cung cấp là một chuỗi các dịch vụ nối tiếp hoặc kết hợp với nhau lại càng khó có thể xác định thị trường sản phẩm liên quan. Đơn cử, một đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch bao gồm cả vận chuyển, ăn, ở, tham quan với các điều kiện hoàn toàn bình thường. Vậy thị trường sản phẩm liên quan của khâu “ở” là thị trường khách sạn, phòng nghỉ hay thị trường dịch vụ gồm cả vận chuyển, ăn, ở, tham quan? – Chưa thấy văn bản pháp luật hướng dẫn các trường hợp tương tự. Trong thực tế các tranh luận về trường hợp này cũng đã xảy ra nhưng đến hôm nay vẫn chưa có một căn cứ pháp lý chắc chắn nào để bảo vệ cho ý kiến của các bên.

10 năm thực thi Luật Cạnh tranh

Số liệu thống kê từ năm 2005-2014 về công tác thực thi cho thấy về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lãnh thị trường, Cục Quản lý cạnh tranh đã tiến hành điều tra tiền tố tụng 78 vụ việc trên nhiều lĩnh vực, tổ chức điều tra 8 vụ việc trong tổng số gần 70 doanh nghiệp bị điều tra, quyết định xử lý 5 vụ việc với tiền phạt gần 5,5 tỉ đồng. Cục đã tiến hành tham vấn tập trung kinh tế 54 vụ việc và thông báo tập trung kinh tế 23 vụ việc. Riêng lĩnh vực cạnh tranh không lành mạnh, Cục đã tiếp nhận hơn 300 đơn khiếu nại, trong đó quyết định điều tra 137 vụ việc và ban hành 127 quyết định xử phạt.

(Nguồn: Cục Quản lý cạnh tranh)

Xác định các đơn vị, nhóm đơn vị có vị trí thống lĩnh thị trường

Một số hành vi gây hạn chế cạnh tranh chỉ được xem là vi phạm các quy định của Luật Cạnh tranh khi chủ thể gây ra là đơn vị có khả năng gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường liên quan. Song, các căn cứ để chứng minh khả năng gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể của doanh nghiệp bất kỳ trên thị trường liên quan là điều không khả thi với các doanh nghiệp, các chủ thể kinh doanh trong điều kiện hiện nay.

Do tình trạng thông tin kinh tế ở nước ta chưa được công khai minh bạch và đầy đủ, các nguồn thông tin chính thống ít, chế tài đối với các trường hợp vi phạm về tính trung thực của số liệu báo cáo không nghiêm minh nên việc xác định doanh thu, doanh số, thị phần để kiểm soát hành vi hạn chế cạnh tranh hầu như không nằm trong phạm vi khả năng có thể thực hiện của các doanh nghiệp. Khi xảy ra vấn đề cần tranh chấp thì các số liệu này hầu như được thu thập thông qua các kênh không chính thức và không sát thực nên thiếu tính thuyết phục dẫn đến khả năng giải quyết tranh chấp một cách hợp lý khó xảy ra, khiến các doanh nghiệp không mặn mà tìm đến các cơ quan chức năng để yêu cầu bảo vệ quyền lợi của mình.

Sự bất cân xứng về thông tin và trình độ hiểu biết về Luật Cạnh tranh, thiếu ý thức tự bảo vệ thậm chí còn đưa đến tình trạng tiêu cực có thể xảy ra là một bên có chủ đích đã dùng các quy định của Luật Cạnh tranh làm công cụ hạn chế khả năng cạnh tranh của đối thủ, đa số các trường hợp này bên thua thiệt lại thuộc về bên ngay tình. Do đó sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng liên quan để cải thiện mạng lưới thông tin kinh tế, bảo đảm chế độ cung cấp thông tin về thị trường và các doanh nghiệp hoạt động trong thị trường một cách kịp thời, toàn diện và minh bạch là một trong những điều kiện giúp cho các doanh nghiệp có thể thực thi tốt pháp luật về cạnh tranh.

Việc nhận diện và xác định hành vi “cạnh tranh không lành mạnh”

Chương III Luật Cạnh tranh liệt kê và quy định chi tiết về hành vi “cạnh tranh không lành mạnh”. Tuy nhiên, do thiếu kiến thức về pháp luật cạnh tranh nên các doanh nghiệp, các chủ thể kinh doanh thường hay thực hiện hoạt động cạnh tranh một cách tự phát, chủ yếu dựa trên kinh nghiệm thương trường và các chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh. Trong khi hai tiêu chí này lại ảnh hưởng nhiều bởi yếu tố chủ quan nên việc có hành vi cạnh tranh không lành mạnh, vi phạm pháp luật một cách ngay tình hoặc do nhận thức về pháp luật cạnh tranh chưa đầy đủ là chuyện tất yếu xảy ra. Cạnh tranh vốn là một thuộc tính cơ bản của hoạt động kinh doanh, mà thuộc tính cơ bản của cạnh tranh là tăng khả năng cạnh tranh của mình, kìm hãm khả năng cạnh tranh của đối thủ dẫn đến ranh giới giữa tự bảo vệ lợi ích của mình và vượt quá giới hạn tự vệ, xâm phạm lợi ích của chủ thể khác cũng chính là ranh giới giữa hai mức độ lành mạnh hay không lành mạnh trong cạnh tranh quá mỏng manh, không rõ ràng. Với mặt bằng hiểu biết pháp luật về cạnh tranh chung hiện nay việc phân định ranh giới này thật khó đi đến sự thống nhất của các bên có chung “đường biên giới”.

Vì vậy, ngoài việc tháo gỡ các bất cập nêu trên, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần có nhiều biện pháp hữu ích và đa dạng để tuyên truyền pháp luật cạnh tranh rộng rãi đến các chủ thể trong xã hội, đặc biệt là các doanh nghiệp và các chủ thể đang kinh doanh. Tăng cường xử lý, cảnh báo các trường hợp vi phạm để ngày càng nâng cao ý thức và kiến thức pháp luật về cạnh tranh cho các chủ thể đang và sẽ tham gia vào hoạt động kinh doanh trong xã hội.

LS. Lê Quang Vy – LS. Nguyễn Thị Quỳnh Hương -Công ty Luật Việt Long Thăng (VLT Lawyers)
Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online