Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13: Sẽ tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực tiễn
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Luật sửa đổi có gì mới?

Luật Đấu thầu năm 2013, sau khi được ban hành đã bổ sung, khắc phục yếu điểm của luật cũ. Cụ thể là:

Thứ nhất, luật mới đã đa dạng hóa phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu. Việc đánh giá hồ sơ dự thầu theo phương pháp giá đánh giá thấp nhất quy định tại Luật Đấu thầu năm 2005, mặc dù là một phương pháp tiên tiến phù hợp với thông lệ quốc tế, nhưng chưa tính đến điều kiện cụ thể của Việt Nam nên trong một số trường hợp khó áp dụng.

Luật Đấu thầu năm 2013 đã khắc phục hạn chế này, bổ sung thêm các phương pháp đánh giá mới để tăng tính chủ động, linh hoạt cho chủ đầu tư trong việc lựa chọn nhà thầu phù hợp hơn với từng loại hình và quy mô của gói thầu, đồng thời khắc phục tình trạng bỏ thầu giá thấp, nhưng không đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện gói thầu. Cụ thể, khi đánh giá hồ sơ dự thầu đối với gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp, thì chủ đầu tư có thể lựa chọn một trong các phương pháp, như: phương pháp giá thấp nhất, phương pháp giá đánh giá, phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật và giá. Còn đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, chủ đầu tư có thể lựa chọn một trong các phương pháp, như: phương pháp giá thấp nhất, giá cố định, dựa trên kỹ thuật, hoặc phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật và giá.

Thứ hai,bổ sung thêm hình thức lựa chọn nhà thầu. Ngoài những hình thức lựa chọn nhà thầu đã được quy định trong Luật Đấu thầu năm 2005 (đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu, chào hàng cạnh tranh, mua sắm trực tiếp, tự thực hiện, lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt), Luật Đấu thầu năm 2013 còn bổ sung thêm hình thức tham gia thực hiện của cộng đồng để phù hợp với thực tiễn, nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển và tạo việc làm cho người lao động trong nước. Những gói thầu thuộc chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình hỗ trợ xóa đói giảm nghèo cho các huyện, xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, vùng kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn hay những gói thầu có quy mô nhỏ, nếu cộng đồng dân cư, tổ chức, tổ, nhóm thợ tại địa phương nơi có gói thầu có thể đảm nhiệm, thì được giao thực hiện toàn bộ hay một phần gói thầu đó.

Thứ ba, bổ sung phương thức lựa chọn nhà thầu. Luật Đấu thầu năm 2005 chỉ quy định 3 phương thức đấu thầu, đó là: phương thức một túi hồ sơ, phương thức hai túi hồ sơ và phương thức hai giai đoạn. Để tạo điều kiện thuận lợi hơn trong quá trình lựa chọn nhà thầu, Luật Đấu thầu năm 2013 đã quy định rõ hơn với 4 phương thức đấu thầu, là: phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ; một giai đoạn hai túi hồ sơ; hai giai đoạn một túi hồ sơ; hai giai đoạn hai túi hồ sơ. Đặc biệt, phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ được áp dụng cho đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp; đấu thầu rộng rãi đối với lựa chọn nhà đầu tư (trong khi đó, Luật Đấu thầu năm 2005 quy định phương thức này chỉ áp dụng đối với gói thầu dịch vụ tư vấn).

Thứ tư, có nhiều ưu đãi hơn với nhà thầu trong nước. Theo đó, Luật Đấu thầu năm 2013 đã quy định rõ chính sách ưu đãi dành riêng cho hàng hóa sản xuất trong nước và chính sách ưu đãi dành riêng cho nhà thầu trong nước khi tham gia đấu thầu trong nước hay đấu thầu quốc tế. Đối với hàng hóa, nhà thầu sẽ được hưởng ưu đãi khi tham gia đấu thầu trong nước hoặc đấu thầu quốc tế để cung cấp hàng hóa có chi phí sản xuất trong nước chiếm tỷ lệ từ 25% trở lên. Đối với nhà thầu, Luật Đấu thầu năm 2013 yêu cầu nhà thầu nước ngoài khi tham dự đấu thầu quốc tế tại Việt Nam phải liên danh với nhà thầu trong nước. Trường hợp liên danh mà phần việc do nhà thầu trong nước đảm nhận từ 25% giá trị công việc của gói thầu trở lên, thì sẽ được áp dụng ưu đãi. Ngoài ra, nhà thầu sử dụng lao động là nữ giới, thương binh, người khuyết tật, hay nhà thầu doanh nghiệp nhỏ được hưởng chính sách ưu đãi khi tham gia đấu thầu trong nước.

Các quy định này đã được tính toán kỹ lưỡng, không trái với các thông lệ quốc tế và ở bất kỳ quốc gia nào cũng có chính sách hỗ trợ thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển và tạo việc làm cho người lao động yếu thế trong xã hội. Quy định này nhằm tiếp tục khẳng định chính sách ưu tiên phát triển nguồn lực và tạo việc làm cho lao động trong nước; đồng thời, từng bước giúp nhà thầu Việt Nam nâng cao năng lực, sức cạnh tranh để tiến tới trở thành nhà thầu độc lập thực hiện gói thầu lớn, công nghệ cao, phức tạp không chỉ tại thị trường trong nước mà cả trên thị trường quốc tế.

Thứ năm,Luật Đấu thầu năm 2013 có một mục riêng quy định về thuốc, vật tư y tế. Những hàng hóa này do tính đặc thù, nên chủ đầu tư còn có thể áp dụng hình thức đàm phán giá. Đây là một hình thức hoàn toàn mới, đã nảy sinh trong thực tiễn những năm gần đây. Do đó, Luật Đấu thầu năm 2013 đã bổ sung kịp thời thêm hình thức này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư trong việc mua thuốc trong trường hợp gói thầu đó chỉ có 1 đến 2 nhà sản xuất, hay đó là thuốc biệt dược gốc, thuốc hiếm, thuốc trong thời gian còn bản quyền và các trường hợp đặc thù khác.

Thứ sáu, hợp đồng trong đấu thầu được quy định chặt chẽ. Luật Đấu thầu năm 2013 đã có một bước chuyển rất mạnh mẽ trong quy định về ký kết, thực hiện và quản lý hợp đồng trong đấu thầu. Để tránh tình trạng áp dụng loại hợp đồng không phù hợp với tính chất của gói thầu, điều chỉnh hợp đồng, điều chỉnh hình thức hợp đồng, điều chỉnh thời gian thực hiện hợp đồng một cách tùy tiện, gây lãng phí, làm giảm hiệu quả đầu tư của các dự án như thời gian qua, Luật Đấu thầu năm 2013 đã quy định rõ trách nhiệm của nhà thầu và chủ đầu tư trong quá trình thực hiện hợp đồng. Theo đó, tất cả các gói thầu, dự án thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu chỉ được áp dụng 4 loại hợp đồng, đó là: hợp đồng trọn gói, hợp đồng theo đơn giá cố định, hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh và hợp đồng theo thời gian.

Đặc biệt, Luật Đấu thầu năm 2013 quy định, hợp đồng trọn gói là loại hợp đồng cơ bản, được ưu tiên lựa chọn áp dụng. Trong trường hợp không áp dụng loại hợp đồng trọn gói, thì người phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu phải chịu trách nhiệm giải trình lý do vì sao chọn loại hợp đồng khác (hợp đồng theo đơn giá cố định, đơn giá điều chỉnh), mà không phải là hợp đồng trọn gói.

Thứ bảy,tạo cơ sở thu hút nhà đầu tư tư nhân.Hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP), dự án đầu tư có sử dụng đất đã và đang được triển khai thí điểm ở một số địa phương. Nội dung này được quy định tại các Nghị định số 108/2009/NĐ-CP, ngày 27/11/2009; Quyết định số 71/2010/QĐ-TTg, ngày 9/11/2010; Thông tư số 03/2011/TT-BKHĐT, ngày 27/01/2011. Trên cơ sở đó, Luật Đấu thầu năm 2013 đã quy định những nguyên tắc chung cho việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư nhằm phục vụ cho việc triển khai hình thức PPP, đồng thời tạo cơ sở để khuyến khích, thu hút mạnh mẽ hơn các nguồn lực tư nhân tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng góp phần tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu nền kinh tế.

Thứ tám, thống nhất quy định mua sắm tập trung, mua sắm thường xuyên. Thay vì mua sắm công như trước đây mất rất nhiều thời gian, chi phí tổ chức, hàng trăm cơ quan khác nhau “mạnh ai nấy làm”, thì cơ quan mua sắm tập trung sẽ chịu trách nhiệm tổ chức mua sắm chuyên nghiệp một lần. Hình thức này không chỉ giúp tăng tính chuyên nghiệp trong hoạt động mua sắm, mà còn tạo điều kiện nâng cao hiệu quả, rút ngắn thời gian và chi phí tổ chức mua sắm. Đồng thời, hỗ trợ phát triển sản xuất trong nước và khuyến khích nhà thầu nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ. Bên cạnh đó, việc áp dụng thỏa thuận hợp đồng khung trong mua sắm tập trung và việc hình thành các tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp, hợp lý sẽ giúp tăng hiệu quả kinh tế – xã hội cho công tác đấu thầu, phát triển sản xuất trong nước.

Kể từ ngày Luật Đấu thầu sửa đổi có hiệu lực (01/7/2014), Luật Đấu thầu năm 2005 sẽ hết hiệu lực thi hành, đồng thời Mục 1 Chương VI Luật xây dựng số 16/2003/QH11 và Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản số 38/2009/QH12 cũng sẽ được bãi bỏ.

Cùng với mua sắm tập trung, Luật Đấu thầu năm 2013 còn bổ sung một số nguyên tắc chính và quy trình tổng quát trong mua sắm thường xuyên nhằm nâng cao hiệu lực pháp lý của quy định này, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật về đấu thầu (khi chưa có Luật Đấu thầu năm 2013 vấn đề này chỉ được quy định trong thông tư). Đồng thời, việc phân cấp trong đấu thầu mua sắm thường xuyên được quy định cụ thể hơn, tăng cường trách nhiệm giải trình, đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Tăng cường phân cấp, giám sát

Bên cạnh những điểm mới nêu trên, Luật Đấu thầu năm 2013 đã có những bổ sung quan trọng trong phân cấp, giám sát và xử lý vi phạm trong đấu thầu.

Theo quy định trước đây, việc phân cấp sâu trong hoạt động đấu thầu mua sắm tài sản cho cơ quan nhà nước đã đạt được kết quả nhất định. Tuy nhiên, do chưa được quy định cụ thể như đối với dự án đầu tư, trách nhiệm của từng chủ thể được phân cấp và thủ tục trình duyệt chưa được tinh giản, nên mất nhiều thời gian tổ chức hoạt động đấu thầu.

Kế thừa những mặt được và khắc phục những hạn chế, còn bất cập, Luật Đấu thầu năm 2013 tiếp tục giao người quyết định đầu tư (người có thẩm quyền), chủ đầu tư chịu trách nhiệm về toàn bộ quá trình tổ chức lựa chọn và thực hiện gói thầu. Tuy nhiên, khác với quy định của Luật Đấu thầu năm 2005, Luật Đấu thầu năm 2013 đã phân cấp triệt để việc quyết định hình thức chỉ định thầu cho bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch ủy ban nhân dân các cấp, mà không yêu cầu trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Đồng thời, để tránh khép kín trong đấu thầu, Luật Đấu thầu năm 2013 bổ sung trách nhiệm giải trình của người có thẩm quyền, của chủ đầu tư trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.

Về cơ chế giám sát, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động đấu thầu, thời gian qua đã phát sinh một số hành vi lách luật, hoặc không tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật đấu thầu. Nguyên nhân là do các quy định còn chưa cụ thể, chặt chẽ; chế tài xử lý vi phạm chưa đủ mạnh và chưa đầy đủ đối với các bên tham gia hoạt động đấu thầu; cơ chế giải quyết kiến nghị trong đấu thầu chưa hợp lý, chưa rõ ràng trong trường hợp giải quyết tranh chấp tại tòa án…

Do đó, để tăng cường chế tài xử lý vi phạm trong đấu thầu, Luật Đấu thầu năm 2013 đã bổ sung một số hành vi bị cấm trong đấu thầu, bổ sung biện pháp xử phạt đối với cá nhân được giao trách nhiệm xử phạt, nhưng không tuân thủ quy định. Các biện pháp phạt bổ sung, như: đăng tải công khai các tổ chức, cá nhân vi phạm trên Báo Đấu thầu, Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia hoặc trên các phương tiện thông tin đại chúng, buộc phải thực hiện đúng quy định của pháp luật về đấu thầu hoặc bồi thường thiệt hại theo quy định. 

Ngoài ra, Luật Đấu thầu năm 2013 đã bổ sung quy định về yêu cầu giám sát của cộng đồng, của người có thẩm quyền, cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu trong quá trình lựa chọn nhà thầu và thực hiện hợp đồng. Đặc biệt, đối với người có thẩm quyền, việc giám sát hoạt động đấu thầu phải là công việc mang tính thường xuyên nhằm bảo đảm quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư diễn ra đúng luật.

Ngoài ra, Luật Đấu thầu năm 2013 đã sửa đổi một số quy định hiện hành nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính trong đấu thầu theo tinh thần Nghị quyết số 25/NĐ-CP ngày 2/6/2010 và Nghị quyết số 70/NĐ-CP, ngày 27/12/2010 của Chính phủ. Đồng thời, Luật quy định cụ thể hơn về các quy trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư đối với từng trường hợp cụ thể.

Việc bổ sung các quy định về đấu thầu qua mạng (đấu thầu điện tử) của Luật Đấu thầu năm 2013 cũng góp phần tích cực trong minh bạch hóa và đơn giản hóa thủ tục đấu thầu; đồng thời, thực hiện đầy đủ cam kết với cộng đồng quốc tế về quyết tâm phòng, chống tham nhũng, tăng cường hiệu quả hoạt động đấu thầu.

ÔNG LÊ VĂN TĂNG – CỤC TRƯỞNG CỤC QUẢN LÝ ĐẤU THẦU (BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ)

Theo kinhtevadubao.com.vn