Luật hóa công tác quản lý rủi ro để đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế sâu rộng
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

– Được biết, trong dự thảo Luật Hải quan sửa đổi lần này có đưa nội dung QLRR, Ông cho biết sự cần thiết của việc áp dụng quản lý rủi ro trong ngành Hải quan trong giai đoạn hiện nay?

– Câu hỏi của nhà báo làm tôi nhớ đến cuộc hội thảo quốc tế cách đây 7 năm về “Phương thức quản lý hải quan hiện đại nhằm thúc đẩy thương mại phát triển” được tổ chức tại Hà Nội. Tôi có đặt câu hỏi: Làm thế nào chỉ cần sử dụng một nguồn lực hạn chế nhưng thực hiện rà soát, kiểm soát được 100% hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất nhập cảnh. Tất cả đại diện Hải quan các nước đều nhất trí một phương án: Hãy áp dụng QLRR mà Công ước Kyoto về đơn giản hóa và hài hòa thủ tục hải quan đã nêu rõ ngay từ năm 1999. Và sau thời điểm đó, vấn đề QLRR được Hải quan Việt Nam bắt tay vào nghiên cứu áp dụng và các quy định cụ thể được xây dựng. Nói như thế không phải là đến thời điểm này ngành Hải quan mới bắt đầu thực hiện QLRR trong nghiệp vụ hải quan mà phương pháp này đã được áp dụng đan xen trong các quy trình nghiệp vụ từ trước, nhưng chưa đúng và bài bản như quy định của Tổ chức Hải quan thế giới. Việc áp dụng QLRR giúp cơ quan hải quan đạt được những mục tiêu của cải cách hiện đại hóa như, bảo đảm sự cân bằng giữa tạo thuận lợi thương mại với kiểm soát chặt chẽ quá trình tuân thủ pháp luật; giúp cho công tác quản lý không bị dàn trải, giảm bớt áp lực về khối lượng công việc thông qua việc xác định đối tượng có rủi ro cao, ưu tiên tập trung nguồn lực vào quản lý đối với số đối tượng này; giảm thiểu các thủ tục hành chính trong quá trình làm thủ tục hải quan; góp phần đẩy nhanh cải cách hiện đại hóa như chương trình thông quan điện tử, cơ chế một cửa quốc gia….

– Bên cạnh việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về Hải quan, về phía cộng đồng doanh nghiệp họ sẽ nhận được lợi ích gì từ phương thức QLRR, thưa Ông?

– Áp dụng QLRR không chỉ mang lại lợi ích to lớn cho công tác quản lý của ngành Hải quan mà còn mang lại những lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp. Điều đó được thể hiện: QLRR là nền tảng của việc tự động hóa hải quan, góp phần giảm thiểu thủ tục hải quan; do dựa trên việc phân tích các đối tượng trọng điểm, tập trung vào các đối tượng rủi ro cao nên các đối tượng chấp hành tốt pháp luật, trong diện đánh giá là rủi ro thấp sẽ được tạo thuận lợi trong thủ tục hải quan, qua đó khuyến khích các doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ tốt để luôn được hưởng các ưu đãi về thủ tục hải quan và các chính sách khác của pháp luật. QLRR góp phần minh bạch hóa các hoạt động thủ tục hải quan, doanh nghiệp không bị lệ thuộc vào thủ tục hành chính, giảm chi phí phát sinh và thời gian thông quan; đặc biệt loại trừ các tệ nạn gây phiền hà sách nhiễu trong quá trình làm thủ tục hải quan. QLRR kết hợp với quản lý tuân thủ doanh nghiệp sẽ tạo lập một cách giao tiếp mới giữa hải quan và doanh nghiệp đưa đến một môi trường cạnh tranh lành mạnh.

– Qua việc thực hiện QLRR của ngành Hải quan thời gian qua, hiệu quả của công tác này trong công tác quản lý hải quan và nội dung QLRR đưa vào dự thảo Luật Hải quan sửa đổi lần này như thế nào, thưa Ông?

– Công tác QLRR đã được Tổng cục Hải quan ứng dụng trong quy trình thủ tục hải quan từ năm 2006 theo đúng chuẩn mực và thông lệ quốc tế, bước đầu đã phát huy hiệu quả, phục vụ đắc lực cho công tác nghiệp vụ và quản lý xuất nhập khẩu, quản lý doanh nghiệp. QLRR đã tạo ra sự thay đổi căn bản trong phương thức quản lý hải quan, từ thủ công sang tự động hóa; qua đó làm giảm đáng kể tỷ lệ kiểm tra thực tế hàng hóa, từ việc kiểm tra đối với hầu hết các lô hàng xuất nhập khẩu từ năm 2005 trở về trước đến hơn 50%, nay xuống còn 10,36% trong năm 2013, đồng thời đã góp phần đơn giản hoá thủ tục hải quan, giảm thời gian thông quan, giảm chi phí của DN trong quá trình thông quan hàng hóa XNK. Đặc biệt, với việc áp dụng QLRR, ngành Hải quan đã chủ động phát hiện và kiểm soát trước đối với những nguy cơ vi phạm pháp luật hải quan; tạo lập môi trường tuân thủ, tăng cường sức cạnh tranh của nền kinh tế đất nước.

Việc áp dụng QLRR đã được quy định tại khoản 1a, Điều 15, Luật Hải quan sửa đổi năm 2005 và được áp dụng chính thức áp dụng từ 1.1.2006 đến nay. Tuy nhiên những nội dung này chưa bao hàm hết được các quy định và chưa tạo cơ sở pháp lý rõ ràng của công tác này. Trong dự thảo sửa đổi Luật Hải quan lần này, nội hàm về QLRR đã được quy định tại các Điều: 32, 33, 34, 42 và 79 của dự thảo Luật. Theo đó, QLRR sẽ được đưa vào trong suốt các quá trình: trước thông quan, trong thông quan và sau thông quan. Với các nội dung cơ bản như nêu trên sẽ tạo hành lang pháp lý thuận lợi để ngành Hải quan đóng góp tích cực cho thương mại cũng như gác cửa nền kinh tế đất nước.

–  Xin cảm ơn Ông!

Quang Vũ thực hiện
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân