Luật Lao động gây quan ngại cho doanh nghiệp
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Lo quy định lương tối thiểu

Theo lộ trình tăng lương tối thiểu đã được phê duyệt, tiền lương tối thiểu sẽ đạt 100% “nhu cầu sống tối thiểu của người lao động” vào năm 2015.

Luật sư Phạm Chí Trung, Công ty Baker&McKenzie Việt Nam cho biết, chỉ trong năm 2012, tỷ lệ tăng lương tối thiểu chung là 26,5%. Bên cạnh đó, mức lương tối thiểu vùng áp dụng cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tuỳ theo từng vùng là 27% hay 32%.

Những mức tăng này là cao chưa từng có trong tất cả các kỳ tăng lương gần đây.

Lo ngại mức gia tăng này sẽ tiếp đà theo Luật Lao động, luật sư Trung – đại diện cho Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam nói: “Những thay đổi này khiến cho người sử dụng lao động phải chi trả nhiều hơn cho lao động trong khi đang chịu suy thoái kinh tế”.

Ông cho rằng, doanh nghiệp luôn cảm thấy bất an khi chính sách luôn bị thay đổi.

Ông nói: “Chúng tôi kiến nghị trong tương lai, bất kỳ luật nào hoặc quy định nào làm gia tăng chi phí lao động – cả chi phí gián tiếp lẫn chi phí trực tiếp – đều cần chỉ rõ lộ trình thực hiện”.

Ông Chih-Peng Huang, Trưởng đại diện Văn phòng Văn hóa Kinh tế Đài Bắc tại Hà Nội bổ sung, hầu hết các công ty Đài Loan đều trả cho người lao động mức lưong cao hơn lương tối thiểu theo Luật Lao động quy định. Ngoài ra, họ còn trả thêm thưởng.

Tuy nhiên, ông nói, hầu hết người lao động không cảm nhận được mức tăng thu nhập do lạm phát nghiêm trọng ở Việt Nam mấy năm gần đây.

Đại diện Hiệp hội Da giày Việt Nam cho rằng, theo quy định quy định trong dự thảo luật thì mức lương tối thiểu theo vùng và đang có sự khác biệt giữa người lao động trong khu vực doanh nghiệp có vốn nhà nước với doanh nghiệp ngoài nhà nước.

Vị đại diện cho rằng, quy định như vậy không bảo đảm sự bình đẳng giữa những nhóm người lao động và giữa các khu vực cho dù họ có cùng ngành nghề lao động; đồng thời dẫn đến mất khả năng tự điều tiết việc phân bố lao động giữa các vùng miền.

Hơn nữa, vị đại diện cho rằng, việc điều chỉnh mức lương tối thiểu sẽ khiến doanh nghiệp khó khăn vì một khi thông tin điều chỉnh sẽ khiến cho người lao động dao động không tập trung công việc và phát sinh các hoạt động đình công, bãi công diễn ra.

Một khảo sát của VCCI công bố tại hội thảo cho biết, hơn 50% số doanh nghiệp cho rằng, việc tăng lương tối thiểu trong năm 2013 là không thoả đáng vì mức tăng quá thấp không đáng kể so với thời giá. Bên cạnh đó lương tối thiểu tăng kéo theo quỹ lương tăng, tiền đóng bảo hiểm tăng và làm đội giá thành sản phẩm, làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và người lao động.

Áp đặt giờ làm thêm

Luật Lao động quy định, trong trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ/ngày, 30 giờ/tháng và 200 giờ/năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm không quá 300 giờ/năm.

Ông Huang của Văn phòng Văn hoá Kinh tế Đài Bắc cho rằng, quy định này đã nhiều lần được các doanh nghiệp phản ứng vì gây khó khăn cho họ, đặc biệt khi nhận được các đơn hàng lớn, và phải làm gấp.

“Theo tôi, quy định về thời gian làm thêm là không khả thi với các doanh nghiệp hoạt động ở Việt Nam. Vì thế, nên để doanh nghiệp tự quyết định số giờ làm thêm”, ông nói.

Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài Nguyễn Văn Toàn phàn nàn rằng, dù các doanh nghiệp FDI và Việt Nam đã kiến nghị rất nhiều lần về thời gian làm thêm giờ của người lao động, song các nhà hoạch định chính sách không hề lay chuyển quan điểm.

Ông cho biết, đa số người lao động có nhu cầu làm thêm giờ để tăng thu nhập vừa có lợi cho họ, vừa có lợi cho doanh nghiệp. “Quy định giờ làm thêm không quá 200 giờ một năm là không hợp lý, nên áp dụng 360 giờ/năm”, ông nói.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online