Luật Quản lý thuế: Sửa sao cho giảm phiền hà…
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Luật QLT ra đời được hơn 4 năm, được đánh giá là có vai trò quan trọng trong điều hành chính sách thuế, góp phần tăng thu ngân sách, thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Luật, đã phát sinh nhiều bất cập, vướng mắc, không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của DN, mà còn hạn chế tính hiệu quả của công tác QLT. Do vậy, cuối năm 2011, Bộ Tài chính đã có đề xuất sửa đổi, bổ sung để phù hợp với tình hình thực tế… Cho đến nay, Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật đã được hoàn thiện và trình Chính phủ cho ý kiến. Tuy nhiên, nhiều nội dung sửa đổi vẫn chưa thực sự sát với yêu cầu thực tiễn.

Đảm bảo tính công bằng

Theo ông Phạm Công Tham – Trưởng ban Kế toán hành nghề, Hội Kế toán, Kiểm toán viên Việt Nam, hiện nay, mối quan hệ giữa cơ quan thuế và DN vẫn chưa thực sự bình đẳng. Cơ quan thuế vẫn mang tính chất là cơ quan công quyền, nói sao thì DN phải nghe vậy. Vì vậy, ông Tham khuyến nghị phải làm sao để có thể đưa vào các quy định nhằm điều chỉnh được hành vi của công chức thuế, đảm bảo tính khả thi, minh bạch.

Trong thực tế, nhiều DN tỏ ra rất bức xúc vì các phiền hà khi bị cơ quan thuế yêu cầu phải nộp hồ sơ, chứng từ nhiều lần khi nộp thuế lần đầu, khi nộp hồ sơ hoàn thuế…, cho dù những dữ liệu đó đã được lưu ở cơ quan thuế. Tương tự, trong trường hợp DN bị tuyên bố phá sản, đã có quyết định tuyên bố phá sản nhưng vẫn bị cơ quan thuế yêu cầu phải nộp tờ khai quyết toán thuế trong hồ sơ xóa nợ tiền thuế, tiền phạt. Do chưa có quy định nào về số lượng hồ sơ phải nộp cho cơ quan thuế, nên không ít các trường hợp phát sinh ứng xử tùy tiện của cán bộ thuế tại cửa nhận hồ sơ, gây tốn kém thời gian và bức xúc không đáng có cho người nộp thuế (NNT)… Nhiều ý kiến kiến nghị trong Dự thảo sửa đổi bổ sung Luật QLT cần có những quy định cụ thể hơn về số lượng hồ sơ phải nộp cho cơ quan thuế, giúp DN tránh được phiền hà.

Về điều kiện xóa nợ thuế trong Luật QLT hiện nay cũng được đánh giá là không thực sự khả thi. Ông Phạm Ngọc Hữu – Hiệp hội Dệt may Việt Nam, đặt câu hỏi: Đối với những DN mà 10 năm nay không hoạt động thì có coi là nợ thuế không? Điều kiện xác định như thế nào là nợ thuế?… Bởi trên thực tế, hiện có rất nhiều DN đang trong cảnh “chết rồi mà chưa chôn”, tức là dù không có nhà xưởng, công nhân, không hoạt động nữa, nhưng lại chưa tuyên bố giải thể. Như vậy thì tính nợ thuế cho DN này thế nào, mà nợ này có đòi được không? Vấn đề này cần được xem xét, điều chỉnh để sao cho sát với thực tế và thực sự khả thi.

Về tiền hoàn thuế cho DN và tiền phạt nộp thuế, ông Hữu cũng đề nghị nếu DN chậm thuế bị phạt bao nhiêu thì cơ quan nhà nước hoàn thế chậm cũng phải phạt từng ấy. Có như vậy mới đảm bảo tính công bằng trong việc thu thuế, đảm bảo quyền lợi cho DN…

Tạo thuận lợi cho DN

Góp ý vào dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật, nhiều ý kiến cũng cho rằng các quy định được sửa đổi cần hướng tới sự minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho NNT thực hiện nghĩa vụ thuế.

Bà Đặng Thị Bình An – Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) Công ty Tư vấn thuế C&A, kiến nghị: Cần thống nhất trình tự, thủ tục, thời hạn, địa điểm nộp đối với hồ sơ đăng ký thuế, thay đổi thông tin đăng ký thuế phù hợp với Nghị định 43/2010/NĐ-CP, Thông tư 14/2010/TT-BKH và các mẫu biểu ban hành kèm theo. Sửa đổi, bổ sung Thông tư 85/2007/TT-BTC ngày 18/07/2007 hướng dẫn thi hành Luật Quản lý về đăng ký thuế, vì có những nội dung quy định tại Thông tư này không còn phù hợp với Nghị định 43/2010/NĐ-CP, như: quy định về thủ tục hành chính đối với hồ sơ đăng ký thuế, địa điểm nộp hồ sơ đăng ký thuế, tiếp nhận hồ sơ đăng ký thuế, mẫu tờ khai hồ sơ đăng ký thuế…. đối với DN được thành lập theo quy định của Luật DN và đăng ký DN lần đầu qua Sở Kế hoạch Đầu tư…

Để có cơ sở pháp lý áp dụng thống nhất trong việc kê khai tính thuế, nhiều ý kiến cũng đề nghị cần thống nhất quy định về tỷ giá quy đổi ngoại tệ khi kê khai, tính thuế. Theo bà An, đối với thuế xuất, nhập khẩu quy địnhlấy theo tỷ giá tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan, nhưng nếu DN kê khai trước ngày đăng ký tờ khai hải quan thì cho phép DN được áp dụng theo tỷ giá tính thuế tại ngày NNT đã kê khai, nhưng không quá 3 ngày liền kề ngày đăng ký tờ khai hải quan: “Cần thay thế các quy định tương ứng về tỷ giá tại các Luật Thuế thu nhập DN (TNDN); Luật Thuế giá trị gia tăng; Luật Thuế thu nhập cá nhân; bỏ quy định về tỷ giá tại Luật Thuế xuất, nhập khẩu…”.

Theo Luật sư Đào Ngọc Chuyền, trong Dự thảo sửa đổi bổ sung Luật QLT cũng cần quy định cụ thể về chi phí trích khấu hao trong hoạt động của DN. Ông Chuyền cho rằng chi phí trích khấu hao chỉ đặt ra đối với tài sản hoạt động trong sản xuất kinh doanh, còn tài sản chưa được đưa vào sản xuất thì có thể tính “hao mòn vô hình” tương ứng (nếu có) nhằm xác định đúng giá trị DN, và có thể liên hệ giữa quy định về tính khấu hao tài sản cố định hay giảm giá trị tài sản cố định do hao mòn vô hình, nếu không đưa vào chi phí khấu hao tài sản cố định do chưa được đưa vào sản xuất gây thiệt hại cho DN. Nên chăng cần quy định không được tính khấu hao tài sản cố định thì tài sản chưa được đưa vào sử dụng sẽ được tính hao mòn vô hình để DN không bị thiệt.

Lan Uyên
Nguồn: Báo điện tử Thời Báo Kinh Doanh