Luật sư thời hội nhập: Vừa yếu, vừa thiếu!
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

“Sóng gió”… từ các vụ tranh chấp thương mại quốc tế

Việt Nam gia nhập WTO, cũng đồng nghĩa với việc phải thực hiện các nghĩa vụ thành viên, các cam kết quốc tế. Việc đó không chỉ tạo cho DN mà cả các cơ quan Nhà nước trước sức ép cạnh tranh gay gắt. Thực tiễn cho thấy, bước vào hội nhập kinh tế quốc tế, các DN trong nước đã không phải ít lần “lao đao” vì gặp phải các vụ tranh chấp thương mại quốc tế. Và trong đó, có những vụ DN Việt Nam đã bị thua kiện dẫn đến thiệt hại hàng triệu đô la Mỹ cũng chỉ vì sự thiếu hiểu biết pháp luật thương mại, tập quán kinh doanh quốc tế. Một thực tế nữa cũng không thể không nhắc tới là khi cần luật sư để đàm phán, giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế thì DN lại gặp khó khi trong nước không có luật sư đáp ứng được yêu cầu. Hiện tại, các luật sư Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực thương mại quốc tế chỉ đếm được trên đầu ngón tay, mà năng lực cũng còn rất hạn chế.

Theo thống kê của Vụ bổ trợ Tư pháp (Bộ Tư pháp) thì trong số khoảng 4000 luật sư Việt Nam hoạt động trong gần 1200 tổ chức hành nghề luật sư thì chỉ có khoảng 20 luật sư chuyên về lĩnh vực kinh doanh thương mại có yếu tố nước ngoài. Song trong số này, chưa có một luật sư nào có đẳng cấp quốc tế được các quốc gia hay các vùng lãnh thổ công nhận hay cấp bằng. Vì vậy, hầu hết các vụ kiện quốc tế vừa qua, doanh nghiệp đều phải thuê luật sư nước ngoài.

Thuê luật sư nước ngoài thì chi phí “cắt cổ”. Hơn nữa, việc bất đồng về văn hoá và ngôn ngữ giữa luật sư và thân chủ cũng là lý do khiến cho việc hợp tác gặp nhiều khó khăn, không hiệu quả. Bên cạnh đó, việc thuê luật sư nước ngoài còn một hạn chế khó khắc phục là cơ chế bảo mật thông tin của doanh nghiệp. Theo PGS.TS Hoàng Thế Liên, Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp, nếu DN cung cấp đầy đủ thông tin cho luật sư nước ngoài có thể dẫn đến tiết lộ bí mật kinh doanh. Ngược lại, không cung cấp đầy đủ thông tin cho luật sư dẫn đến hậu quả là thua kiện thì thua thiệt vẫn thuộc về mình. Chính vì thế, việc cần có luật sư Việt Nam sát cánh bên cạnh doanh nghiệp là nhu cầu rất khách quan của doanh nghiệp cần phải đáp ứng ngay.

Chi 5 tỷ… mới có được 1 luật sư mang tầm quốc tế?

Theo đề án đào tạo luật sư cấp tốc phục vụ yêu cầu hội nhập mà Bộ Tư pháp trình Chính phủ thì từ nay đến năm 2010, Việt Nam cần có ngay một đội ngũ khoảng 50 luật sư và 50 chuyên gia pháp luật được đào tạo ở nước ngoài, được các nước cấp bằng hành nghề luật sư. Đội ngũ này sẽ là những hoa tiêu cho các doanh nghiệp Việt Nam trong bước đường hội nhập và cũng là đội ngũ chuyên gia giúp Chính phủ trong việc đào tạo hệ thống luật sư Việt Nam kế cận. Các luật sư sẽ được tuyển chọn kỹ lưỡng và được gửi đi đào tạo tại 3 quốc gia mà hệ thống pháp luật có ảnh hưởng nhiều nhất và cũng là các quốc gia “xuất khẩu” nhiều luật sư nhất thế giới là Anh, úc, Mỹ. Tổng kinh phí để đào tạo được 100 luật sư và chuyên gia pháp luật ước khoảng 6.8 triệu đô la Mỹ (tương đương 108 tỷ đồng). Vậy là, để có mỗi luật sư “đẳng cấp quốc tế”, Chính phủ phải chi khoảng 60 nghìn đô la Mỹ (hơn 1tỷ đồng /1 luật sư). Hiện nay, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành cho ý kiến đóng góp chi tiết vào bản đề án để có thể sớm triển khai trong năm 2008. Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên thì Nhà nước bỏ tiền cho luật sư đi đào tạo ở nước ngoài, không phải để về nước họ không phải làm việc cho các cơ quan Nhà nước mà việc đào tạo này nhằm tạo ra trong nước sự tồn tại một đội ngũ luật sư có đẳng cấp cao, khi nào Nhà nước cần là có. Tuy nhiên, vì Nhà nước phải bỏ tiền đào tạo nên sẽ có một số ràng buộc nhất định.

Trong cuộc họp lấy ý kiến đóng góp vào bản đề án do Bộ Tư pháp tổ chức, đã có nhiều ý kiến cho rằng, với số tiền hơn 108 tỷ đồng, có lẽ khó có thể có được 100 luật sư, chuyên gia đẳng cấp quốc tế. Theo ông Trương Nhật Quang, luật sư điều hành của văn phòng luật sư YKVN thì với số tiền khoảng 60 nghìn đô la Mỹ chỉ đủ tiền học phí cho một người theo học một khoá đào tạo luật ngắn hạn ở nước ngoài. Vì vậy, với số tiền hơn 108 tỷ đầu tư khó có thể có được số lượng 100 luật sư có đẳng cấp quốc tế. Với số tiền trên, chỉ có thể đặt mục tiêu là đào tạo được 20 luật sư. Như thế, để có một luật sư, nhà nước cũng phải chi đến 5 tỷ đồng để đào tạo một luật sư.

Vì vậy, những vấn đề đang được nêu trên cũng đang cần sự cân nhắc thật kỹ càng của các Bộ, các ngành, các nhà hoạch định chính sách.

Nguồn: Báo Đời sống và pháp luật