Luật thuế thu nhập cá nhân : Ba điểm cần điều chỉnh
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Trong cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung cho biết, Bộ Tài chính đã làm việc với Bộ Tư pháp để trình Chính phủ về vấn đề xem xét việc sửa đổi Luật thuế TNCN trong chương trình sửa đổi luật năm 2011 và 2012.    

Dưới góc độ của người nghiên cứu, theo tôi Luật thuế TNCN có ba điểm cần điều chỉnh.

Mức và cách tính khởi điểm nộp thuế

Cùng với tốc độ lạm phát cao trong 4 năm qua (tổng cộng tới trên dưới 50%), cũng như với việc VN chính thức là nước có thu nhập trung bình trên thế giới, mức ngưỡng khởi điểm tính thuế TNCN 4 triệu đồng đã nhanh chóng lạc hậu. Nếu trước đây, chỉ với khoảng 10 tr.đ/tháng, 1 gia đình 4 nhân khẩu có thể sống khá dễ chịu ở Hà Nội, thì nay, mức tối thiểu đã phải nâng lên gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi, nếu tính cả tiền thuê nhà…

Hơn nữa, việc Luật thuế TNCN “chốt” rõ mức khởi điểm tính thuế cụ thể bằng đơn vị VND vừa thấp, lại vừa cứng gây khó cho mỗi lần điều chỉnh trước các biến động tiền lương trên thực tế.

Vì vậy, cần sớm thể chế hóa mức khởi điểm tính thuế theo hướng vừa tăng mức tính khởi điểm, vừa tạo linh hoạt trong áp dụng của đơn vị, đối tượng chịu thuế và cơ quan thuế. Cụ thể, nên tăng ít nhất 2 lần mức khởi điểm chịu thuế và tính bằng số lần lương tối thiểu, chẳng hạn, bằng từ 8-10 lần mưc lương tối thiểu của khu vực  sản xuất. Nên mạnh dạn áp dụng mức tính khởi điểm chịu thuế TNCN là 10 lần mức lương tối thiểu trong khu vực  sản xuất kinh doanh.

Mức và cách tính chiết trừ gia cảnh

Thực tế cho thấy, mức chiết trừ gia cảnh 1,6 triệu đ/người cũng sớm trở nên lạc hậu. Hơn nữa, việc xác nhận hành chính (ở cấp chính quyền địa phương hoặc cơ quan) về vị thế và thực tế đã tính hay chưa tính chiết trừ gia cảnh người phụ thuộc gây nhiều phiền toái và khó chính xác cho cả người nộp thuế, lẫn cơ quan thu thuế… Vì vậy, trong chỉnh sửa Luật thuế TNCN  cần nâng mức chiết trừ gia cảnh tương ứng với mức nâng khởi điểm tính thuế TNCN, đồng thời  cần bổ sung quy định cấp “mã số chiết trừ gia cảnh” cho các đối tượng phụ thuộc để cập nhật thông tin và tiện cho việc xác nhận và giám sát trong hành thu thuế TNCN. Các mã số dành cho người nộp thuế cá nhân và người trong diện chiết trừ gia cảnh này đều được cập nhật và nối mạng vi tính toàn quốc, tạo thuận lợi cho việc xác nhận và thực hiện của các bên có liên quan trong công tác thuế, từ đó giảm thiểu tình trạng tính trùng, “ăn gian” gây thất thu thuế , hoặc gây mất thời gian và   phiền toái cho người nộp thuế.

Ngoài ra, cần chú ý chỉnh sửa tạo sự phân biệt mức khởi điểm, các bậc thang tính thuế và mức chiết trừ gia cảnh theo khu vực địa lý và ngành nghề với tinh thần khuyến khích và đẩy nhanh hơn quá trình tái cấu trúc kinh tế theo hướng phát triển theo chiều sâu…

Công tác kê khai nộp và quyết toán thuế

Việc tự động khấu trừ tại nguồn 10% tất cả các khoản chi trả thu nhập trên 500.000 đ/lượt đã tạo nhiều bức xúc và thiệt thòi cho người lao động do sự áp dụng không giống nhau  giữa các đơn vị và nhất là do thủ tục hoàn thuế cho các khoản khấu trừ bắt buộc trên là không rõ ràng và không thuận lợi cho người chịu thuế. Có đơn vị tính và thu 10% trên tổng tiền trả/lần, lại có đơn vị tính riêng trên từng hóa đơn trả tiền. Rõ ràng là, nếu trả 500.000 đ thì người nộp thuế có lợi hơn là được nhận 540.000đ/lần thanh toán vì không bị khấu trừ tại gốc 10% bắt buộc như trên…

Ngoài ra, cũng cần có thêm các quy định bao quát hết các nguồn và khoản “thu nhập mềm” để chống thất thu NSNN đối với các khoản thu của quan chức, nghệ sĩ và doanh nhân, kể cả những hoạt động đầu cơ và buôn lậu khác…

Về tổng thể, cần có quy định cụ thể hóa các cách tính và thông báo rộng rãi cho xã hội biết, sao cho các thủ tục thu và hoàn thuế TNCN ngày càng trở nên chính xác,  dễ làm và dễ kiểm tra nhất, kích thích tính tự giác và tôn trong quyền lợi của người lao động, do đó nâng cao hiệu quả toàn diện của công tác thuế…

TS Nguyễn Minh Phong
Nguồn: Báo Điện tử Diễn đàn doanh nghiệp