Luật về quyền tiếp cận thông tin-công cụ quan trọng để người dân tham gia phòng, chống tham nhũng
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

+ Người dân sẽ được cung cấp thông tin gì liên quan đến việc PCTN, thưa ông?

– Trước hết, đó là thông tin về quan điểm chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác PCTN. Thứ hai là các thông tin liên quan đến chính sách pháp luật nói chung, nhất là những lĩnh vực có nguy cơ xảy ra tham nhũng (đất đai, xây dựng, sử dụng ngân sách…). Thứ ba là thông tin về tình hình tham nhũng và công tác đấu tranh PCTN. Hiện nay, Ban Chỉ đạo về PCTN đã tiến hành đều đặn các phiên họp để đánh giá và công bố tiến độ xử lý các vụ tham nhũng lớn cũng như các giải pháp mà nhà nước tiến hành. TTCP cũng họp báo định kỳ để thông báo với công luận về công tác thanh tra trong đó nhiều vụ việc thanh tra đã phát hiện các dấu hiệu tham nhũng. Đồng thời cũng tạo điều kiện tốt hơn để người dân tham gia phát hiện tham nhũng. Hiện nay, TTCP đang tiến hành xây dựng cơ sở dữ liệu về PCTN. Đây là địa chỉ mà người dân rất quan tâm và có thể nghiên cứu, khai thác thông tin, qua đó có điều kiện tham gia phát hiện tham nhũng. Năm vừa qua, bà Lê Hiền Đức, một công dân Việt Nam đã được trao giải Liêm chính của Tổ chức Minh bạch Thế giới. Nếu chúng ta biết phát huy vai trò và trách nhiệm của xã hội tốt hơn nữa thì tôi tin rằng sẽ có thêm nhiều công dân chủ động tích cực và có hiệu quả hơn nữa đối với tệ nạn này.

+ Bộ Tư pháp đang soạn thảo luật về quyền tiếp cận thông tin. Ông có thể nói về những thông tin sẽ được cung cấp cho người dân?

– Có thể hiểu một cách nôm na quyền thông tin của người dân là quyền được biết Chính phủ, các Bộ, cơ quan công quyền đã làm gì, đang làm gì và sẽ làm gì. Cụ thể hơn, đây chính là quyền được biết thông tin. Quyền này thể hiện ở hai khía cạnh: Thứ nhất, Nhà nước chủ động cung cấp thông tin. Khi đó, Nhà nước phải xây dựng hệ thống thông tin, phải thực hiện công khai minh bạch trong các hoạt động của mình và chủ động mang thông tin đến cho người dân. Thứ hai là người dân có quyền chủ động đòi hỏi, yêu cầu Nhà nước cung cấp thông tin cho mình. Trong trường hợp này, nhà nước cần có cơ chế để sẵn sàng thoả mãn yêu cầu của người dân.

+ Nghĩa là, sẽ không còn chuyện “mua-bán thông tin”?

– Khi người dân còn phải dùng đến khái niệm “mua thông tin” nghĩa là bản thân quyền được cung cấp thông tin của họ vẫn còn bị hạn chế. Chỉ có một cách lý giải là chúng ta chưa xây dựng được cơ chế của việc cung cấp thông tin cho người dân. Như vậy mới có hiện tượng đóng dấu mật vào danh bạ điện thoại của một UBND hay từ chối cung cấp thông tin cho người dân trong xử lý, giải quyết KN,TC mà báo chí đã từng nêu.

+ Luật PCTN cũng đã đề cập đến quyền được cung cấp thông tin của người dân. Vì sao vẫn cần xây dựng hệ thống các giải pháp để bảo đảm điều này?

– Luật PCTN đã đề cập đến quyền thông tin. Tuy nhiên, vẫn còn chuyện một số cơ quan Nhà nước và cán bộ, công chức Nhà nước quan niệm thông tin là của Nhà nước, cung cấp hay không là quyền của Nhà nước và đôi khi không muốn cung cấp với lý do bảo vệ bí mật Nhà nước. Họ không sẵn lòng chia sẻ thông tin với người dân. Đôi khi, người ta còn cho rằng, người dân có thông tin chỉ “gây khó” hay ảnh hưởng đến hoạt động của họ mà thôi. Ngược lại, công dân cũng vậy. Người dân còn ngần ngại, không đủ “can đảm” đến cơ quan Nhà nước yêu cầu cung cấp thông tin. Rõ ràng là còn thiếu hẳn cơ chế bảo đảm quyền của công dân về thông tin thực thi trên thực tế. Vì những lý do đó chúng tôi đã đặt vấn đề để nghiên cứu đề tài này.

Trong các giải pháp để PCTN thì công khai, minh bạch là một giải pháp cực kỳ quan trọng. Muốn công khai minh bạch, việc bảo đảm quyền được thông tin là điều cốt yếu. Người ta thường nói, công cụ chống tham nhũng = công khai minh bạch của hoạt động công quyền + công khai minh bạch tài chính + công khai minh bạch về mua sắm. Chúng tôi hy vọng kết quả nghiên cứu sẽ góp phần vào quá trình nghiên cứu soạn thảo đạo luật về quyền thông tin của công dân, một công cụ pháp lý quan trọng nhằm tăng cường tính công khai minh bạch, tính trách nhiệm của Nhà nước trong hoạt động công quyền, góp phần nâng cao hiệu quả PCTN.

+ Xin cảm ơn ông!

Nguồn: Báo Thanh tra