Luôn có tư tưởng đổi mới 
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.
Trong phiên họp tổ chiều qua, 25.3, nhiều đại biểu cho rằng, một trong những yếu tố làm nên thành tựu, dấu ấn nổi bật trong các lĩnh vực hoạt động của Quốc hội nhiệm kỳ Khóa XIV là bởi Quốc hội, đặc biệt là Lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội luôn luôn có tư tưởng đổi mới. Chính sự đổi mới của Quốc hội đã khiến các đại biểu Quốc hội cũng phải đổi mới theo để hoàn thành nhiệm vụ của mình.

ĐBQH Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội): Sáng tạo, đổi mới toàn diện

Báo cáo công tác nhiệm kỳ Khóa XIV của Quốc hội đã đánh giá đầy đủ, toàn diện về vai trò của Quốc hội. Tôi nhận thấy, so với Khóa XIII, Quốc hội đã có những sáng tạo, đổi mới rất cơ bản trên tất cả các lĩnh vực lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Quốc hội thể hiện rất rõ vị trí, vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân và cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước, đồng thời, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp đối với các đại biểu Quốc hội, cũng như cử tri và Nhân dân cả nước.

<img alt="Họp tổ Hà Nội" src="” width=”850px” />
Họp tổ Hà Nội

Để nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV tốt hơn, hiệu quả hơn, tôi cho rằng, trong giám sát tối cao cần đi vào xây dựng một số chương trình cụ thể, mang tính cấp bách, thiết thực hơn nữa. Quốc hội cần tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật, bởi chính sách, pháp luật khoa học, phù hợp với thực tiễn, minh bạch và được thực thi nghiêm chính là nguồn “tài nguyên” quan trọng đối với sự phát triển của bất cứ quốc gia nào. Quốc hội cũng cần tăng cường giám sát việc xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của người dân trên tất cả lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực đất đai.

Về lập pháp, việc xây dựng và điều chỉnh pháp luật cần tiếp tục cải tiến. Cần có báo cáo đánh giá tác động kỹ hơn, sâu hơn, hoàn chỉnh hơn; lấy ý kiến rộng rãi hơn các đối tượng chịu tác động của dự thảo luật; bảo đảm nghiêm yêu cầu trình Quốc hội dự thảo văn bản hướng dẫn thi hành luật (nếu có) kèm theo dự án luật để đại biểu Quốc hội xem xét một cách đồng bộ. Việc gửi tài liệu cho các đại biểu Quốc hội cũng phải bảo đảm càng sớm càng tốt.

ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn): Giám sát tối cao “đúng” và “trúng”

Nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV hoạt động rất sôi nổi. Việc chuyển dần từ một Quốc hội tham luận sang Quốc hội thảo luận, tranh luận thực sự tác động rất tích cực đến các đại biểu Quốc hội. Bởi, mỗi đại biểu Quốc hội khi bước vào nghị trường, khi chuẩn bị ý kiến phát biểu, thì cũng phải đối diện với việc vấn đề mình nêu ra có thể bị các đại biểu Quốc hội khác tranh luận lại. Điều này đặt ra cho các đại biểu Quốc hội yêu cầu phải chuẩn bị ý kiến một cách chặt chẽ hơn, thuyết phục hơn, thấu đáo hơn. Nói cách khác, Quốc hội chuyển từ tham luận sang thảo luận, tranh luận không chỉ làm cho nghị trường sôi nổi hơn mà còn góp phần rất quan trọng nâng cao chất lượng hoạt động của các đại biểu Quốc hội.

Cũng trong nhiệm kỳ này, Quốc hội đã chọn các chuyên đề giám sát tối cao rất đúng và rất trúng vì đều là những vấn đề nóng, bức xúc mà cử tri quan tâm và yêu cầu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội phải có giám sát tối cao. Ví dụ như giám sát tối cao về vệ sinh an toàn thực phẩm, về phòng cháy, chữa cháy, về phòng, chống xâm hại trẻ em… Việc thực hiện các yêu cầu, kiến nghị của Quốc hội sau mỗi chuyên đề giám sát tối cao đều có bước chuyển rõ nét.

Tôi đánh giá rất cao việc đổi mới phiên chất vấn của Quốc hội theo phương thức “hỏi nhanh, đáp gọn”. Theo dõi những nhiệm kỳ trước, lúc đó tôi chưa là đại biểu Quốc hội thì thấy nhiều đại biểu hỏi rất dài; Bộ trưởng, trưởng ngành được thời gian trả lời thoải mái nên cũng chưa trả lời trúng vào nội dung chất vấn. Nhưng trong nhiệm kỳ Khóa XIV, việc đổi mới phương thức chất vấn tại hội trường, hỏi nhanh, đáp gọn đã giúp nhiều đại biểu Quốc hội được chất vấn hơn, đồng nghĩa với việc các vấn đề cử tri gửi gắm sẽ được chuyển tải tới Quốc hội nhiều hơn. Đồng thời, các bộ trưởng, trưởng ngành cũng phải trả lời tập trung, trực diện hơn vào nội dung bị chất vấn. Phương thức này vừa tiết kiệm thời gian cho Quốc hội mà hiệu quả lại tốt hơn rất nhiều.

ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình): Dân chủ và công khai

Tôi đồng tình và đánh giá cao Báo cáo công tác nhiệm kỳ Khóa XIV của Quốc hội và các cơ quan nhà nước. Các báo cáo được trình bày tại kỳ họp đều được chuẩn bị chu đáo, nêu rõ những việc làm được và những việc còn tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Dấu ấn trong nhiệm kỳ thấy rõ nhất đối với Quốc hội chính là luôn luôn có tư tưởng đổi mới trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.

Các phiên thảo luận về kinh tế – xã hội, giám sát tối cao của Quốc hội đều cho thấy tính dân chủ và công khai. Trong trả lời chất vấn có những cải tiến rất hiệu quả như hỏi nhanh – đáp gọn và chất vấn lại việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn.

Một dấu ấn đặc biệt nữa là lần đầu tiên chúng ta có nữ Chủ tịch Quốc hội. Với tư cách là một đại biểu, tôi rất trân trọng, ấn tượng và đánh giá rất cao vai trò của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đối với hoạt động của Quốc hội. Đặc biệt là năng lực điều hành, khối lượng công việc rất đồ sộ và nhiều khi cũng rất phức tạp, có những vấn đề khi trình ra Quốc hội chưa phải đã nhận được sự đồng thuận ngay, nhưng Chủ tịch Quốc hội và Lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã điều hành rất hợp lý, rất khoa học, nhiều khi cũng rất quyết liệt, để đạt được sự đồng thuận.  

Nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV tới đây, yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới sẽ đặt ra nhiều nhiệm vụ, nhiều trọng trách đối với Quốc hội. Tôi mong rằng, các đại biểu Quốc hội Khóa XV sẽ không ngừng nâng cao năng lực, trình độ, tinh thần trách nhiệm để phục vụ Nhân dân, phục vụ đất nước.