Lưu ý giao dịch với đối tác Hồng Kông
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Nhằm tăng cường cung cấp thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh, giao dịch với đối tác Hồng Kông, phát hiện, phòng tránh các vụ lừa đảo, gian lận với các thủ đoạn tương tự, Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý một số thông tin như sau:

Các hình thức lừa đảo thường gặp

Hình thức 1: doanh nghiệp Việt Nam sau lần đầu nhập khẩu hàng thành công từ một đối tác Hồng Kông, đến giao dịch lần thứ 2 với giá trị lớn hơn, đối tác Hồng Kông đề nghị chuyển trước 100% tiền hàng theo hình thức điện chuyển tiền (T/T) theo số tài khoản cũ (tài khoản giao dịch lần đầu) và sẽ không chuyển được (không rõ lý do), sau đó phía Hồng Kông tiếp tục đề nghị chuyển tiền vào tài khoản cá nhân. Sau khi doanh nghiệp Việt Nam chuyển tiền thành công vào tài khoản cá nhân do phía Hồng Kông cung cấp, phía Hồng Kông sẽ trả lời không nhận được tiền và phủ nhận việc yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản cá nhân với lý do thư điện tử (E-mail) gửi yêu cầu này bị xâm nhập trái phép (hack).

Hình thức 2: doanh nghiệp Việt Nam sau khi ký kết hợp đồng nhập khẩu với doanh nghiệp Trung Quốc, đến giai đoạn thanh toán trước tiền hàng, phía doanh nghiệp Trung Quốc yêu cầu sửa lệnh cho người hưởng lợi mới là một công ty tại Hồng Kông. Sau khi phía Việt Nam chuyển tiền vào tài khoản chỉ định ở Hồng Kông, đối tác Trung Quốc sẽ trả lời không nhận được tiền hàng và phủ nhận từng yêu cầu thay đổi người hưởng lợi.

Hình thức 3: trây ỳ, trì hoãn thanh toán cho doanh nghiệp Việt Nam sau khi phía Việt Nam đã giao hàng và cung cấp dịch vụ cho đối tác Hồng Kông.

Nguyên nhân doanh nghiệp Việt Nam bị lừa

Qua tìm hiểu một số vụ việc điển hình liên quan đến các hình thức nêu trên, có thể thấy:

Các doanh nghiệp Việt Nam bị lừa đảo, chiếm đoạt tiền đặt cọc, tiền ứng trước hợp đồng, tiền cung cấp dịch vụ phần lớn do không tìm hiểu kỹ về đối tác, không giao dịch trực tiếp mà chỉ giao dịch qua E-mail, điện thoại, fax nên không có khả năng kiểm tra được tính xác thực của địa chỉ, số điện thoại, khả năng tài chính của đối tác. Một số doanh nghiệp Việt Nam nhận được thư chào hàng với giá rất hấp dẫn, điều kiện thanh toán, giao hàng thuận lợi… nên đã nhanh chóng ký kết hợp đồng và thanh toán ứng trước mà chưa kiểm tra về đối tác.

Đối với Hình thức 1 nêu trên, đối tượng thường sử dụng một E-mail gần giống hoặc trùng với E-mail của đối tác Hồng Kông để yêu cầu phía Việt Nam chuyển tiền vào một tài khoản cá nhân khác. Hiện chưa rõ E-mail bị “hack” hay có sự thông đồng của đối tác phía Hồng Kông, tuy nhiên Cảnh sát Hồng Kông cho biết đây là thủ đoạn phổ biến của tội phạm mạng hiện nay, mỗi năm Cảnh sát Hồng Kông phát hiện và xử lý hàng nghìn vụ việc liên quan đến tội phạm công nghệ cao, lừa đảo giao dịch trên mạng để chiếm đoạt tiền. Thông thường các vụ lừa đảo được phát hiện và thu hồi lại tiền rất ít do đối tượng đa phần là người nước ngoài (không phải người Hồng Kông), sau khi lừa đảo trót lọt sẽ nhanh chóng hủy tài khoản tại ngân hàng.

Hồng Kông là thị trường tự do, người nước ngoài thành lập doanh nghiệp tại Hồng Kông rất dễ dàng. Bên cạnh đó, các công ty thành lập tại Quần đảo British Virgin Islands (BVI) trực thuộc Vương quốc Anh nhưng đặt trụ sở tại Hồng Kông để chuyên giao dịch với các nước khu vực Châu Á – Thái Bình Dương là rất phổ biến. Việc thành lập cũng như giải thể các công ty tại Hồng Kông hay Quần đảo BVI nêu trên rất dễ dàng, chi phí thấp trong khi sự quản lý, kiểm soát của cơ quan chức năng không thật chặt chẽ. Chính sự thông thoáng này mà nhiều công ty được thành lập chỉ để tiến hành các hoạt động mờ ám và giải thể ngay sau khi hoàn thành giao dịch.

Nhiều công ty thành lập tại Hồng Kông không có trụ sở văn phòng cụ thể mà thuê địa chỉ của công ty dịch vụ thư ký làm địa chỉ giao dịch, thuê nhân viên công ty dịch vụ thư ký tiến hành các giao dịch. Khi khách hàng điện thoại đến sẽ được đề nghị gửi lại lời nhắn, số điện thoại, E-mail để liên hệ lại. Do đó khi xảy ra các vụ việc lừa đảo, chậm thanh toán tiền hàng sẽ rất khó để tìm gặp được lãnh đạo của công ty.

Đối tác thường thanh toán sòng phẳng một số giao dịch ban đầu để tạo lòng tin cho phía Việt Nam, sau đó mới tiến hành lừa đảo, lừa tiền hàng, dịch vụ với các thương vụ với số tiền lớn.

Một số lưu ý trong giao thương với đối tác Hồng Kông

Thời gian tới, trong bối cánh kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, số lượng các doanh nghiệp Hồng Kông gặp khó khăn về tài chính, phá sản sẽ tiếp tục gia tăng, vì vậy khả năng xuất hiện các vụ lừa đảo, tranh chấp thương mại cũng sẽ tăng lên. Nhằm hạn chế thấp nhất rủi ro trong giao dịch với đối tác Hồng Kông nói riêng, nước ngoài nói chung, các doanh nghiệp trong nước cần lưu ý một số điểm sau:

Cần kiểm tra tư cách pháp nhân và tình trạng tín dụng, khả năng giao hàng và uy tín của đối tác nước ngoài trước khi giao dịch ký kết hợp đồng. Thận trọng và nắm vững thông tin về các đối tác trước khi đặt quan hệ hợp tác đồng thời thông qua các bạn hàng khác, công ty dịch vụ hay cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại nước ngoài (cơ quan Thương vụ) để tiến hành tìm hiểu thêm về đối tác;

Thường xuyên cập nhật thông tin về đối tác đang hợp tác, thận trọng trong giao dịch với các đối tác mới, cố gắng trực tiếp gặp gỡ, ký kết hợp đồng với đối tác, kiểm tra kỹ các loại văn bản, giấy tờ mà phía đối tác nước ngoài cung cấp;

Hạn chế sử dụng các hình thức thanh toán nhiều rủi ro như điện chuyển tiền (T/T), nhờ thu (D/A, D/P), cố gắng hạn chế hoặc không ứng trước tiền hàng với giá trị lớn; nên sử dụng các hình thức thanh toán có độ an toàn cao hơn như thư tín dụng không thể hủy ngang (Irrevocable L/C at sight);

Cảnh giác, thận trọng khi giao dịch qua mạng Internet, khi có những dấu hiệu đối tác thay đổi E-mail, người hưởng lợi… cần kiểm tra kỹ lại thông tin trước khi chuyển tiền;

Cảnh giác trước những chào hàng giá rẻ “bất ngờ”, các điều kiện giao hàng, thanh toán dễ dãi và những đối tác cho địa chỉ không rõ ràng, chỉ sử dụng điện thoại di động, E-mail trong giao dịch.

Các doanh nghiệp cần biết thêm thông tin về đối tác có thể liên hệ:
Thương vụ Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Hồng Kông
17/F, Golden Star Building
20 – 24 Lockhart Road, Wan Chai, Hong Kong
Tel: (852) 2865 3218/2527 0495
Fax: (852) 2865 3808
Email: hk@moit.gov.vn; hkvntrade@gmail.com

Vụ Châu Á – Thái Bình Dương
Nguồn: Báo điện tử Công thương