Mía đường lại kêu khó 
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.
Hiệp hội Mía đường Việt Nam vừa có văn bản gửi Bộ Công thương kiến nghị có biện pháp đối với tình trạng nhập khẩu đường ồ ạt vào nước ta nhằm cứu ngành mía đường trong nước. Lý do là đường nhập khẩu theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) tăng nhanh, đường các nước trong khu vực lại có giá rẻ hơn, trong khi ngành mía đường không lường trước được tình hình và dự báo sai nhu cầu thị trường.

Trước đó, khi ATIGA chưa có hiệu lực, Hiệp hội Mía đường Việt Nam cũng đã có hàng loạt kiến nghị gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xem xét đề xuất lại lộ trình và hàng rào thương mại đối với Hiệp định này, trong đó có việc tiếp tục trì hoãn thực thi cam kết ATIGA với mặt hàng đường thêm 3 – 5 năm nữa thay vì áp dụng từ 1.1.2020 theo lộ trình. Lý do là vào thời điểm đó, các nhà máy gặp rất nhiều khó khăn, thiếu vốn lưu động nghiêm trọng, nhiều nhà máy đường đã thua lỗ nặng, có nguy cơ đóng cửa nếu không có giải pháp tháo gỡ khó khăn.

Những năm qua, các doanh nghiệp mía đường cũng thường lên tiếng kêu cứu, lúc thì vùng nguyên liệu giảm, lúc thì giá đường của các nước lân cận quá thấp, lúc thì đường nhập lậu nhiều… Nhưng đến lúc các hiệp định thương mại có hiệu lực, thì ngành mía đường gần như “ngã gục”. Nếu như năm 2017, ngành mía đường có 300.000ha với khoảng 41 nhà máy hoạt động, thì đầu vụ năm 2020 chỉ còn 170.000ha và 28 nhà máy hoạt động. Dường như chỉ đến khi bước vào sân chơi cạnh tranh công bằng, nhiều ngành mới bộc lộ nhiều bất cập, yếu kém.

Các hiệp định thương mại là sân chơi toàn cầu, thuận lợi sẽ đi đôi với khó khăn và tự doanh nghiệp trong nước phải lớn mạnh để tham gia sân chơi này. Doanh nghiệp không thể dựa mãi vào chính sách ưu đãi từ Nhà nước, lợi thế “sân nhà” và có thể độc quyền giá thu mua nguyên liệu. Các hiệp định thương mại được đàm phán, ký kết và luôn có lộ trình đến thời điểm thực hiện. Đáng tiếc là hầu hết doanh nghiệp đều thờ ơ, không lường được những vấn đề mình sẽ phải đối mặt cho đến khi thực sự gặp khó khăn mới kêu cứu. Với thị trường trong nước còn phát triển ì ạch, để hàng ngoại chiếm lĩnh thị trường thì nói gì đến chinh phục thị trường quốc tế, “mang chuông đi đánh xứ người”?

Theo nhiều chuyên gia, nguyên nhân chính dẫn đến việc ngành mía đường trong nước lao đao những năm qua là do giá thành sản xuất còn cao nên luôn chịu sự cạnh tranh với các loại đường có xuất xứ từ Thái Lan hoặc Brazil. Cùng với đó, chưa có sự hài hòa lợi ích giữa các bên dẫn đến việc nông dân “quay lưng” với cây mía. Tại một số quốc gia như Thái Lan, Indonesia, Philippines họ có những quy định về chia sẻ nguồn lợi giữa nhà máy đường và người trồng mía, được đưa vào luật và bắt buộc phải thực hiện. Chẳng hạn ở Philippines, lợi nhuận từ cây mía sẽ chia cho người trồng mía 70% và nhà máy đường là 30%. Ở Indonesia người trồng mía được hưởng 66% lợi nhuận từ cây mía. Trong khi Việt Nam không duy trì được mặt bằng giá đường hợp lý để các bên tham gia có thể “sống” được như cách Thái Lan, Indonesia và Philippines làm được.

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành mía đường đầu năm nay, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: “Nhà nước quyết tâm và có những giải pháp ủng hộ, nhưng Nhà nước không bao cấp cho ngành mía đường, mà yêu cầu ngành mía đường phải cạnh tranh sòng phẳng trong bối cảnh hội nhập quốc tế”. Thủ tướng yêu cầu ngành mía đường tổ chức lại sản xuất để có năng suất tốt hơn, phù hợp với hội nhập quốc tế sâu rộng. Và ngành mía đường phải tự đào thải nếu năng lực cạnh tranh yếu kém hơn các đồng nghiệp sản xuất mía đường trong ASEAN.

Rõ ràng, trước khi đợi cứu, bản thân doanh nghiệp phải tự mình thay đổi để đáp ứng với các hiệp định thương mại trong bối cảnh mới. Cần phải rà soát lại các diện tích sản xuất mía đường và chỉ giữ lại các vùng trồng chiến lược và có hiệu quả. Tiếp tục đẩy mạnh áp dụng công nghệ cao, cơ giới hóa trong sản xuất… giảm tổn thất từ đó giảm chi phí trồng mía. Chúng ta cũng cần chủ động theo dõi tình hình nhập khẩu, giám sát về đường nhập khẩu đồng thời nghiên cứu và đề xuất các biện pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm đường nhập khẩu phù hợp với các cam kết quốc tế nhập khẩu vào Việt Nam.