MB 24 và những cảnh báo về thương mại điện tử
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo thống kê của Trung tâm số liệu Internet quốc tế, VN xếp hạng 18 trên 20 quốc gia có số người dùng Internet lớn nhất thế giới. Tính đến thời điểm này, VN có trên 30 triệu người dùng Internet. Điều này càng thể hiện tiềm năng đầy hứa hẹn của TMĐT.

Chưa có chế tài xử phạt

Mặc dù, đã có hàng loạt Luật và bộ luật cùng văn bản hướng dẫn về TMĐT như Luật Thương mại, Luật Giao dịch điện tử, Bộ luật Dân sự, Nghị định 57/2006 về TMĐT… nhưng tính đến nay vẫn chưa có quy định về xử phạt vi phạm trong hoạt động TMĐT. Do đặc thù của hoạt động mua bán trên Internet là người mua và người bán không gặp mặt trực tiếp mà giao dịch trên không gian ảo nên những vi phạm, tranh chấp là rất khó lường và khó xử lý. Bên cạnh đó, do hành lang pháp lý chưa đầy đủ nên TMĐT phát sinh nhiều vấn đề như quảng cáo sai sự thật, lừa đảo, cạnh tranh không lành mạnh, trốn thuế…

Trong sáu năm qua, thương mại điện tử tại VN đã phát triển rất nhanh. Phương thức mua bán trực tuyến qua các trang thông tin điện tử trên Internet đã khá phổ biến trong xã hội. Một số DN đã dựa vào TMĐT để phát triển kênh bán hàng chủ đạo như các hãng hàng không, Cty du lịch, khách sạn… Nhiều DN thiết lập trang thông tin điện tử để bán hàng hoá hoặc xây dựng trang thông tin điện tử ở dạng sàn giao dịch cho các DN khác hoặc cá nhân tham gia bán hàng hoá hoặc dịch vụ trên sàn của mình…

Theo ông Trần Hữu Linh – Cục trưởng Cục TMĐT và Công nghệ thông tin, Bộ Công Thương, một hiện tượng đang nổi lên là sự xuất hiện ngày càng nhiều những phương thức kinh doanh mới, dựa trên nền tảng và tận dụng các tính năng riêng biệt của phương tiện điện tử, ví dụ như nhóm mua qua mạng, sàn giao dịch hàng hóa trực tuyến, đấu giá trực tuyến… Một số hình thức biến tướng của kinh doanh đa cấp cũng đang phát triển mạnh với đối tượng kinh doanh không phải là hàng hóa mà là dịch vụ đang diễn ra trên một số website. Các hoạt động thương mại sử dụng phương tiện điện tử khác ngoài Internet như điện thoại và thiết bị di động, truyền hình cũng bắt đầu phát triển và sẽ có tác động lớn đến xã hội trong tương lai không xa.

Hoạt động TMĐT đa dạng về hình thức, phức tạp về tính chất và có tác động xã hội rộng lớn. Trong khi đó, năng lực của các cơ quan quản lý và thực thi pháp luật chưa theo kịp với nhu cầu của thực tiễn.

Cần nhìn xa hơn

Với mục tiêu khắc phục những hạn chế trong quản lý TMĐT, Nghị định về TMĐT đang được Bộ Công Thương chủ trì xây dựng không thể chỉ giải quyết những khó khăn hiện tại mà lường trước cả những vấn đề trong nhiều năm tới. Đây là vấn đề đã được nhiều chuyên gia và DN đặt ra. Theo ông Lê Quốc Đạt – GĐ Cty luật TNHH Trí Tuệ, TMĐT trở thành giải pháp kinh doanh mang lại hiệu quả tốt, giúp DN xóa bỏ rào cản về địa lý, tăng doanh thu giảm chi phí và nâng cao cạnh tranh trong lĩnh vực thương mại. Tuy nhiên, do tính đặc thù của hoạt động kinh doanh này nên cần có những quy định chặt chẽ để hạn chế được những tranh chấp.

Nghị định về thương mại điện tử dự kiến sẽ được ban hành vào cuối năm 2012.

Ông Đạt cho rằng, khi giao dịch thương mại xảy ra giữa hai bên không nhìn thấy nhau, thậm chí không cần gặp nhau thì cần phải có sự bảo đảm. Các DN cung cấp hàng hóa, dịch vụ qua mạng cần được một ngân hàng bảo lãnh để thực hiện nghĩa vụ tài chính nếu phát sinh tranh chấp. Mua bán qua mạng cũng cần có hợp đồng mẫu. Một số điều kiện chủ đạo trong hợp đồng mẫu nên thống nhất được áp dụng. Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng phải kiểm tra những DN nào đủ điều kiện hạ tầng kỹ thuật mới cho phép kinh doanh.

TS Hồ Thúy Ngọc – Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế (VIAC) cho biết, hiện nay nhiều nước trên thế giới đã xuất hiện các website mua gom hàng để cung cấp cho những đối tượng khách hàng phù hợp. Các quy định hiện hành và cả nghị định đang xây dựng chưa hề đả động đến hình thức này. Do vậy, cần xây dựng chế tài và hành lang pháp lý cho loạt hình kinh doanh trên. Bà Ngọc cũng cho biết, hoạt động TMĐT mang đặc thù không giới hạn về địa lý. Do đó, những giao dịch có yếu tố nước ngoài không hiếm gặp. Nghị định mới cần có quy định về pháp luật áp dụng đối với những website có đuôi (.vn) là pháp luật của VN để thuận lợi trong giải quyết tranh chấp.

Một trong những vi phạm phổ biến trong thương mại điện tử đó là vi phạm trong hoạt động thanh toán. LS Bùi Thanh Lam – Đoàn Luật sư Hà Nội nhận xét, không hề có bất cứ đề cập nào liên quan đến các hành vi vi phạm này trong dự thảo nghị định chuẩn bị ban hành. Vì vậy, cần bổ sung những quy định về hành vi vi phạm cũng chế tài xử lý trong nghị định.

Nghị định về TMĐT dự kiến sẽ được ban hành vào cuối năm 2012. Ban soạn thảo vẫn đang tiếp nhận đóng góp của DN, tổ chức và cá nhân.

Bá Tú
Nguồn: Báo Điện tử Diễn đàn doanh nghiệp