Môi trường kinh doanh ở Việt Nam: Được ít, thua nhiều
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Báo cáo được thực hiện dựa trên mười nhóm tiêu chí như thủ tục thành lập doanh nghiệp, giấy phép xây dựng, kết nối điện, chuyển giao tài sản, tín dụng, bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, thủ tục thuế, ngoại thương, thực thi hợp đồng và giải quyết nợ khó đòi. Theo kết quả nghiên cứu công bố cùng với báo cáo, có mối tương quan giữa dòng vốn FDI và kết quả xếp hạng báo cáo. Nghĩa là, môi trường kinh doanh càng thông thoáng, dòng vốn sẽ đổ vào nhiều hơn.

Được bốn

So với báo cáo hồi 2005, báo cáo ghi nhận sự tiến bộ của Việt Nam trong nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh, thể chế, giảm bớt thủ tục hành chính. Trong thang điểm 100, Việt Nam nằm trong dải từ 60 – 70. Báo cáo ghi rõ, Việt Nam trong giai đoạn từ 2005 – 2012, đã thực hiện 18 cải cách.

Xét trong các nước, vùng lành thổ thuộc APEC, vị thế trung bình của cả khối là 47, cao hơn 52 bậc so với Việt Nam. Cùng khối, song đứng ngay trên Việt Nam là Trung Quốc, xếp 91. Trong bảy nước ASEAN là thành viên của APEC, ba vị thế cao nhất thuộc về Singapore (1), Malaysia (12) và Thái Lan (18). Trong bốn nước còn lại xếp dưới mức trung bình của khối APEC, Brunei có thứ hạng cao nhất, xếp 79. Indonesia, Philippines lần lượt đứng thứ 118 và 128.

Trong mười nhóm tiêu chí đánh giá, bốn nhóm có số điểm trên mức trung bình của khối APEC là xây dựng, chuyển giao tài sản, tín dụng và thực thi hợp đồng. Trong đó, xây dựng là nhóm có thứ hạng cao nhất, xếp 28 so với mức trung bình của khối APEC là 62.

Thua sáu

Đáng chú ý, ở bảy nhóm tiêu chí Việt Nam thua sút mức trung bình của khu vực. Trong đó, nhóm bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư đứng đội sổ trong số các nước thuộc APEC. Nhóm tiêu chí này được xây dựng dựa trên ba tiêu chí đánh giá về mức độ minh bạch trong quản trị, công bố thông tin của doanh nghiệp; quyền khiếu kiện của nhà đầu tư nhỏ và việc giám sát quyền điều hành của lãnh đạo doanh nghiệp. Chỉ số bảo vệ quyền của nhà đầu tư thiểu số, Việt Nam được ba điểm trong thang điểm 10, trong khi chỉ số trung bình của khu vực là 6,7/10.

Xếp thứ hai trong tốp dưới, còn có nhóm tiêu chí về xử lý nợ khó đòi khi Việt Nam xếp thứ 129, chỉ trên Philippines, trong khi điểm trung bình của khối APEC là 57. Mức trung bình chủ nợ có thể thu lại là 55,3%, thì khảo sát tại Việt Nam cho ra kết quả tương ứng là 13,9%.

Xếp thứ hai trong tốp dưới này, còn có nhóm tiêu chí về thuế, bao gồm các chỉ số về thủ tục khai báo thuế, hành thu và hoàn thuế. Về số lượng thủ tục, doanh nghiệp kinh doanh tại Việt Nam phải qua 32 khâu, trong khi trung bình của khối APEC là 16. Về thời gian, trung bình doanh nghiệp mất 872 giờ, trong khi mức trung bình của khối APEC là 235 giờ.

Cũng trong tốp đội sổ, còn có nhóm tiêu chí về mức độ thuận lợi trong xuất nhập khẩu. Việt Nam xếp thứ 74, trong khi trung bình của khối là 45. Về thủ tục, trong khi doanh nghiệp xuất khẩu của khối chỉ cần hoàn tất năm loại chứng từ, thì doanh nghiệp tại Việt Nam phải hoàn tất sáu. Tuy nhiên, doanh nghiệp xuất khẩu vẫn đỡ mệt hơn doanh nghiệp nhập khẩu, khi họ phải hoàn tất tám loại chứng từ. Về thời gian, trong khối chỉ mất 13 ngày để xuất một container, thì ở Việt Nam cần tới 21 ngày để xuất cũng như nhập khẩu. Tuy nhiên, chi phí xuất một container ở Việt Nam là 600 USD, đứng thứ tư trong khối về mức độ rẻ, sau Malaysia, Singapore, Hong Kong.

Nếu xem thứ hạng là tương đối, thì điều cần thẳng thắn nhìn lại là nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam tuy có được những thành quả nhất định nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm. Đặc biệt là báo cáo cũng ghi nhận thực tế một số nước từng xếp sau như Moldova, Hy Lạp, Columbia, hiện đã qua mặt Việt Nam. Điều đó đồng nghĩa với việc nếu không nỗ lực cải cách hơn nữa, chúng ta sẽ tụt hậu.

Một điều mà các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đang kinh doanh tại Việt Nam, cũng như doanh nghiệp chuẩn bị kinh doanh tại Việt Nam quan tâm là khả năng lượng hoá chi phí cơ hội mà doanh nghiệp phải trả. Chẳng hạn, như thời gian từ lúc nộp hồ sơ thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam là 34 ngày, cao hơn 12 ngày so với mức trung bình của khối APEC, hay bảy ngày chậm xuất hàng so với mức trung bình của khu vực, khiến họ đánh mất bao nhiêu khách hàng. Nếu quy trình thủ tục được giảm thiểu, mà thời gian cũng như chi phí không giảm theo, cải cách ắt hẳn nặng tính hình thức.

Quốc Khánh

Doanh nghiệp lo nhất là “nói cứu nhưng không làm”

Năm 2011 và 2012 là khó khăn nhất của doanh nghiệp từ sau đổi mới. Hiện có khoảng 200.000 doanh nghiệp không hoạt động nữa, so với tổng số hơn 600.000 doanh nghiệp đã đăng ký hoạt động đến thời điểm này nhưng con số của riêng hai năm nay là gần 100.000.

Doanh nghiệp đang thực sự lo lắng, hoang mang vì họ không biết trong những năm tới là như thế nào. Những chính sách mà Nhà nước đưa ra, về cải cách, về tái cơ cấu kinh tế hoặc là những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp… rất đúng về đường hướng nhưng thực hiện lại không được tới nơi tới chốn, chưa mang lại hiệu quả hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp.

Sức ép của thị trường đã đủ chứng minh là hoạt động theo cách cũ không thể được nữa nhưng sự giúp sức của các cơ quan nhà nước trong việc tìm hướng đi rõ ràng hơn thì cũng không có mấy. Kể cả những ngành như bộ Công thương, đưa ra những chiến lược phát triển ngành này, ngành khác hay chiến lược xuất nhập khẩu nhưng cũng chưa đủ để thuyết phục được doanh nghiệp rằng đây là những định hướng hợp lý và họ nên theo để cùng với Nhà nước thực hiện các chiến lược đó.

Trích phát biểu của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan tại buổi công bố báo cáo “Môi trường kinh doanh 2013” do ngân hàng Thế giới (WB) và tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) tổ chức sáng 23.10 tại Hà Nội.

Việt Anh (ghi)

Nguồn: Báo Điện tử Sài gòn Tiếp thị