Miếng bánh hay quả bóng?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Chính sách phát triển giẫm chân tại chỗ?

Phát triển công nghiệp hỗ trợ (supporting industries – SI) từ hơn một thập kỷ qua, là vấn đề đã được Việt Nam cũng như Nhật Bản quan tâm. Nhiều hội nghị, hội thảo đã được tổ chức với nhiều gợi ý đề xuất về các biện pháp chính sách nuôi dưỡng rất đa dạng, từ thành lập các cơ quan quản lý nhà nước chuyên trách, tới xin đất xây dựng khu công nghiệp SI, hay tổ chức hội chợ ngược, xuôi… Tuy nhiên, dù được chính phủ và các tổ chức doanh nghiệp hai nước, đặc biệt phía Nhật quan tâm, nhưng hiệu quả thực tế của những chính sách, biện pháp nuôi dưỡng cho tới nay vẫn là một dấu hỏi lớn.

Nếu từ mười năm trước các doanh nghiệp lắp ráp Nhật đã than phiền SI ở Việt Nam chưa phát triển, thì nay trong mắt họ tình hình vẫn vậy. Kết quả điều tra của Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) năm 2010 đối với các doanh nghiệp Nhật có đầu tư sản xuất ở nước ngoài, cho thấy dù đánh giá Việt Nam trong trung hạn là điểm đầu tư có triển vọng đứng thứ ba, sau Trung Quốc và Ấn Độ, nhưng chỉ chưa đầy phân nửa số công ty trả lời sẽ mở rộng quy mô đầu tư (con số này của Trung Quốc là hơn 80%). Trong đó số đông cho rằng ở Việt Nam, cả SI và hạ tầng giao thông đều kém phát triển, đó là những nhân tố chính cản trở việc biến tiềm năng thành hiện thực.

Nhìn khách quan hơn qua những khảo sát thực tế về hoạt động của SI ở Việt Nam, ở một mức độ khiêm tốn, doanh nghiệp tư nhân nội địa và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (đặc biệt các doanh nghiệp Nhật hoặc Nhật ở nước thứ ba) ít nhiều ngấm ngầm phát triển. Theo chương trình điều tra các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam năm 1999 do Quỹ Mekong thực hiện, số doanh nghiệp tư nhân sản xuất trên cả nước mới dừng ở con số vài trăm, thì nay số doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo đã lên tới hàng chục ngàn (con số này ở Thái Lan khoảng vài trăm ngàn, còn ở Nhật có khoảng hơn một triệu doanh nghiệp). Số doanh nghiệp Nhật ở Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực SI từ con số không nay cũng có vài trăm doanh nghiệp. Tuy nhiên điều đáng tiếc là sự phát triển của các bộ phận doanh nghiệp này gần như tách rời với những chính sách nuôi dưỡng phát triển do chính phủ thực hiện. Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam nói chung cũng như SI nói riêng, cho tới nay đã tham gia vào thị trường bằng sự cởi trói chứ không phải bằng sự hỗ trợ của Chính phủ. Nhiều trong số những doanh nghiệp này không biết, hoặc không quan tâm tới các chương trình hỗ trợ của Chính phủ.

Thực trạng nói trên của SI tại Việt Nam phản ánh chính sách nuôi dưỡng phát triển ngành công nghiệp này dù được “tích cực” triển khai dưới nhiều hình thức nhưng kết quả đạt được có thể nói vẫn đang “giẫm chân tại chỗ”.

“Miếng bánh” hay “quả bóng” SI?

Câu hỏi cần đặt ra ở đây là, vì sao Chính phủ Việt Nam cũng như các tổ chức hợp tác quốc tế Nhật cùng thống nhất phương châm cần thúc đẩy SI tại Việt Nam phát triển nhưng kết quả mang lại không như mong muốn?
Nói một cách ngắn gọn, vấn đề cốt lõi nằm ở chỗ, dù chung một mục đích (thúc đẩy SI) nhưng tư duy của các nhà lập chính sách Việt Nam và Nhật không giống nhau. Trong khi các nhà lập chính sách Việt Nam nhấn mạnh vai trò quản lý nhà nước với những biện pháp và cơ chế mang tính xin cho trong phân phối những khoản hỗ trợ xin được đó, thì phía Nhật nhắm tới cải thiện môi trường kinh doanh và khuyến khích doanh nghiệp tự phát triển thông qua cạnh tranh công khai.

Với các nhà lập chính sách Việt Nam, vấn đề phát triển SI khi giành được quả bóng (được giao nhiệm vụ lập chính sách, triển khai) họ thường tìm cách biến quả bóng đó thành miếng bánh (bằng việc xin các nguồn hỗ trợ từ nước ngoài hoặc trong nước, và quyền phân phối những hỗ trợ cho doanh nghiệp, núp dưới chức năng quản lý nhà nước). Nhưng khi không biến được thành miếng bánh, quả bóng đó sẽ được nhả ra. Thực tế này đã khiến những hoạt động hỗ trợ của phía Nhật đối với Việt Nam trở nên vô hiệu quả.

Nhìn lại quá trình thực hiện chính sách nuôi dưỡng phát triển SI ở Việt Nam, có thể thấy, từ sau khi ký kết hiệp định đầu tư song phương Nhật  – Việt (2004), chính phủ hai nước đã thống nhất vấn đề hợp tác giúp đỡ thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, và công nghiệp hỗ trợ. Trên cơ sở này các tổ chức cơ quan phía Nhật, như Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật (JETRO), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật (JICA), Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật (JBIC), Tổ chức Hỗ trợ đào tạo kỹ thuật (AOTS), đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ đa dạng, từ phát triển thị trường (tổ chức hội chợ, triển lãm), cho vay vốn lãi suất ưu đãi (quỹ cho vay hai bước), tư vấn kỹ thuật quản lý kinh doanh (với sự hỗ trợ của các chuyên gia Nhật đã nghỉ hưu), đào tạo nhân lực (tu nghiệp tại Nhật). Song, với tư cách là các chương trình hỗ trợ ký kết giữa hai chính phủ, các tổ chức Nhật không trực tiếp tiếp cận với các đối tượng cần hỗ trợ đích thực (doanh nghiệp tư nhân) mà phải triển khai gián tiếp thông qua các cơ quan, tổ chức được Chính phủ Việt Nam chỉ định, chẳng hạn như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, hay Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Sự can thiệp của các khâu trung gian này đã khiến những thông tin về các chương trình hỗ trợ của Nhật không đến được những địa chỉ cần tới.

Nhận ra sự không hiệu quả của các chương trình hỗ trợ thực hiện gián tiếp nói trên, gần đây các tổ chức Nhật (như JETRO, JICA hay AOTS) đã có những điều chỉnh, chủ động tìm kiếm các doanh nghiệp tư nhân có nhu cầu hỗ trợ để nâng cao sức cạnh tranh thực thụ. Trong những hội chợ gần đây do JETRO tổ chức đã xuất hiện bóng dáng các nhà cung cấp phụ tùng tư nhân. Tuy nhiên những thay đổi này chỉ cải thiện tình hình ở mức độ rất khiêm tốn.

Về phía Việt Nam, thời gian đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thành lập Cục Phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ (năm 2002), với tư cách là cơ quan chuyên trách việc phát triển SI. Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động không mấy hiệu quả (phản ảnh qua lượng thông tin nghèo nàn trên website trong suốt những năm tồn tại của cơ quan này), năm 2008 cục này được hóa thân thành Cục Phát triển doanh nghiệp với mục đích hoạt động rộng hơn, nhiệm vụ chuyên trách đối với vấn đề SI thu hẹp hơn.

Quả bóng SI sau đó rơi vào Bộ Công Thương, song cách thức triển khai không khác cơ quan tiền nhiệm nhiều. Vẫn là những hội thảo, hội nghị, những chuyến khảo sát nước ngoài bằng chi phí công (tiền hỗ trợ từ các tổ chức Nhật hoặc ngân sách nhà nước) để rồi đưa ra những kiến nghị kiểu “khổ lắm biết rồi nói mãi”. Có chăng “sáng kiến” so với các đề xuất cũ là chiêu “xin quỹ đất” với lý do làm khu công nghiệp cho doanh nghiệp SI.

Hỗ trợ hạ tầng cho SI cũng như các doanh nghiệp nhỏ và vừa nội địa là một suy nghĩ hợp lý. Tuy nhiên, việc “xin quỹ đất” gắn với xin quyền quản lý quỹ đất thực chất là hành động nhằm biến “bóng” thành “bánh”.

Gần đây nhất, tháng 2-2011, Thủ tướng đã ban hành chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ (kèm theo Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg), đề cập tới sáu lĩnh vực (cơ khí, điện tử, ô tô, dệt may, giày da và công nghệ cao). Trên báo chí, nhiều ý kiến tỏ ra hồ hởi, tuy nhiên các doanh nghiệp SI khi đọc văn bản này sẽ không thể hiểu làm thế nào để có thể nhận được hỗ trợ. Quyết định đưa ra những tiêu chí, điều kiện hỗ trợ rất mơ hồ, trừ một vấn đề được nêu rõ là việc giao thẩm quyền xét duyệt hỗ trợ cho Bộ Công Thương.

Cách nghĩ và cách làm của các nhà lập chính sách Việt Nam như vậy, dù cơ quan này hay khác thực hiện, không thoát khỏi ra ngoài câu chuyện “bóng – bánh”.

Thay lời kết

Để khuyến khích, hỗ trợ SI nói riêng cũng như phát triển công nghiệp nói chung, Nhà nước giữ một vai trò không thể thiếu, đặc biệt trong bối cảnh chế độ kinh tế thị trường chưa phát triển như Việt Nam. Tuy nhiên cần phân biệt vai trò quan trọng này với lạm dụng chức năng quản lý nhà nước để can thiệp vào thị trường vì lợi ích nhóm. Chỉ khi bứt ra khỏi tư duy “bóng – bánh” này, đặt mục đích hỗ trợ là để nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, với các điều kiện khuyến khích rõ ràng, cơ chế thẩm định công bằng minh bạch, thì chính sách nuôi dưỡng mới lấy được niềm tin của các doanh nghiệp và phát huy hiệu quả.

Đỗ Mạnh Hồng  – Đại học Obirin, Tokyo
Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online